Thứ Năm, tháng 10 19, 2006

Trích đoạn "Ký sự ở nước ngoài" của thầy tôi Thái Bá Tân


ĐÀI TƯỢNG NIỆM CỰU CHIẾN BINH
VÀ NGHĨA TRANG ARLINGTON

1
Đài tượng niệm những người lính Mỹ hy sinh hoặc mất tích trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam (The Vietnam Veterans Memornial) được xây trên khu đất trống rất rộng phủ cỏ xanh mịn ngay trước tòa nhà Quốc hội, với những lối đi nhỏ láng nhựa, những hàng cây thấp và những hồ nước trong vắt.


Ở hai đầu của khu đất này là đài tưởng niệm Abraham Lincohn, vị tổng thống có công giải phóng nô lệ ở Mỹ, và đài tưởng niệm tổng thống George Washington, một trong những người sáng lập đất nước này.

Tượng đài Lincohn là một công trình kiến trúc lớn bằng đá cẩm thạch trắng. Bên trong có bức tượng Lincohn trong tư thế ngồi, cũng bằng đá cẩm thạch trắng với dòng chữ khắc câu nói bất hủ của ông. Phía đối diện, ở khoảng cách chắc phải đến mấy nghìn mét, là đài tưởng niệm
Washington, một cột bê tông hình nhọn cao vút nhô lên hẳn trên bầu trời thành phố . Phía sau nữa là tòa nhà Quốc hội hình vòm mờ mờ xanh trên đồi Capiton.

Tượng đài cựu chiến binh Việt Nam, được khánh thành vào năm 1982, là một bức tườn đá cắm sâu vào lòng đất, tạo thành một chữ V góc tù, chắc hàm ý chữ cái đầu của hai từ Vietnam và Vitory (chiến thắng). Một cánh của chữ V ấy chỉ về phía tượng đài Washington, cánh kia - tượng đài Lincohn. Tổng chiều dài bức tường đá này là 76 mét, được xây bằng đá cẩm thạch đen lấy từ Ấn Độ. Càng đi xuống, bức tường đá càng lớn dần, tạo cảm giác như đang mọc lên trước mắt bạn. Khắc trên tường đá này là tên của 58.196 người lính Mỹ bỏ mạng hoặc mất tích trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các tên được khắc theo thứ tự ngày hy sinh. Hai đầu bức tường là hai chiếc bàn nhỏ có mái che với hai cuốn sách dày ghi rõ tên, đơn vị, ngày mất và vị trí từng người trên tường để người thân, bạn bè dễ tìm kiếm.


Bruce Weigl, một nhà thơ khá nổi tiếng hiện nay ở Mỹ, cũng từng là cựu chiến binh tham gia các trận đánh ở Khe Sanh và Quảng Ngãi, là người hướng dẫn đoàn trong suốt thời gian ở Washington. Chính anh gợi ý chúng tôi tới thăm nơi này. Một số bạn thân của anh đã bỏ mạng ở Việt Nam. Anh dừng lại khá lâu, lật giở cuốn sách dày tìm kiếm vị trí của họ trên bức tường đá...
Đài tượng niệm cựu chiến binh Vietnam có lịch sử hình thành và xây dựng khá độc đáo. Mấy năm sau chiến tranh, một số cựu chiến binh Mỹ cảm thấy buồn và bất bình vì thấy những người bạn của họ hy sinh ở Việt Nam đã bị lãng quên. Họ muốn làm cái gì đó để nhắc nước Mỹ nhớ đến những người lính này. Dần dần, ý tưởng xây một tượng đài để khắc tên tất cả những người lính Mỹ bỏ mạng hoặc mất tích ở Việt Nam đã hình thành. Họ thành lập một tổ chức tư nhân nhằm mục đích này, và sau một thời gian ngắn đã quyên được hàng triệu đô la. Đó là tiền đóng góp của một số công ty, các tổ chức xã hội, các nhóm cựu chiến binh và của hơn 275.000 người Mỹ.

Năm 1980 họ công bố cuộc thi toàn quốc nhằm chọn bản thiết kế đẹp nhất, có nghĩa nhất cho tượng đài. Tám nhà thiết kế và họa sĩ nổi tiếng Mỹ được mới làm ban giám khảo, và trong số 1400 bản thiết kế dự thi, ban giám khảo đã chọn mẫu thiết kế của một cô sinh viên gốc Trung Quốc 21 tuổi lúc ấy đang học kiến trúc ở Đại học Tổng hợp Yale, tiểu bang Connecticut. Ý kiến về sự lựa chọn này rất khác nhau. Nhiều người cho nó giản dị, rất đẹp và hài hòa với cảnh quan xung quanh. Nhưng nhiều người khác, đặc biệt từ phía các cựu chiến binh, lại nghĩ rằng nó chưa có sức thuyết phục và quá trừu tượng. Cuối cùng, để dung hòa, người ta cho dựng thêm một nhóm tượng ba người lính và một nhóm tượng nữ y tá khác, bên cạnh.

Đến nay, Đài tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam đã trở thành một trong những nơi được thăm viếng nhiều nhất ở thủ đô Washington, như một minh chứng về nỗi đau và sai lầm của nước Mỹ. Hầu như bất kỳ lúc nào trong ngày bạn cũng thấy nhiều người đứng cạnh bức tường đá khổng lồ này. Họ trầm tư nhìn dòng chữ ghi tên người thân hoặc bạn bè mình. Một số lẩm bẩm đọc thành tiếng, hoặc lấy tờ giấy mỏng áp vào tường đá rồi dùng bút chì cà lên, cho đến lúc dòng chữ hiện trên mặt giấy. Nhiều người khi về để lại bên chân bức tường một bông hoa nhỏ, bức thư hay tấm ảnh. Cũng có người để lại huân chương, chiếc ủng nhà binh, chai rượu uống dở với hai chiếc cốc, hoặc một mẩu bánh sinh nhật. Sau mỗi ngày, nhân viên cơ quan trông coi công viên và tượng đài thu thập những vật kỷ niệm này vào chỗ riêng và giữ gìn cẩn thận.

Tôi hỏi chuyện một người trong số họ - một cô gái da trắng xinh đẹp mặc đồng phục ka-ki của lính, đeo súng lục và đội chiếc mũ kiểu cao bồi thật ngộ nghĩnh. Cô cho biết đến nay người ta hiện đang giữ hơn 30.000 vật như thế, và rằng cách đây không lâu một cuốn sách dày đã được xuất bản nói về chúng, gọi là “Vật tế lễ bên Bức tường” (Offerings at the wall).

Sau khi đi một vòng, chụp đủ các kiểu ảnh, chúng tôi quay lại, vẫn thấy Bruce Weigl im lặng đứng bên bức tường, mắt rưng rưng nhìn lên một cái tên nào đó. Anh là người chân thành, nhạy cảm và rất dễ xúc động. Anh hiện là giáo sư đại học, tình nguyện làm tài xế và “hướng dẫn viên du lịch” cho đoàn trong thời gian ở Washington, dù nhà anh cách xa đấy gần một nghìn cây số! Anh nói trong quãng thời gian còn lại của đời mình, anh sẽ cố làm tất cả những gì có thể để “chuộc lại lỗi lầm của nước Mỹ” mà trong đó có một phần lỗi lầm của anh.

Anh đã sang Việt Nam nhiều lần, lần cuối cùng quay về với bé Hạnh mười tuổi, anh xin làm con nuôi từ một trại mồ côi ở Ninh Bình. Anh khoe Hạnh rất thông minh, học tiếng Anh nhanh và đứng đầu lớp về các môn tự nhiên. Anh còn thuê thầy dạy pianô cho cháu, mỗi giờ 50 đôla, dù anh chẳng giàu có gì. Còn mấy ngày nữa là Lễ Giáng Sinh, anh cho biết tối qua vừa gọi điện cho bà hiệu trưởng trại mồ côi kia để chúc mừng bà, và để con anh trò chuyện với bà và các bạn cũ.
Lúc này anh đang hí hoáy móc túi lấy ra một điếu thuốc lá và bao diêm nhỏ, rồi bằng cả hai bàn tay to lớn của mình, lặng lẽ đặt chúng cạnh chân bức tường đá. Sau đó anh đề nghị được chụp ảnh chung ở đây với những người cựu chiến binh Việt Nam có mặt trong đoàn. Là người không trực tiếp tham gia chiến tranh, tôi ý tứ bỏ đi nơi khác.

Trước khi lên xe tới Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Bruce Weigl đưa mắt nhìn khoảng không trước mặt và nói:

- Tôi nghĩ đây còn đủ chỗ xây cả chục bức tường đá thế này để ghi tên hàng triệu người lính của các bạn đã hy sinh hoặc mất tích.

2
Nghĩa trang Quốc gia Arlington nằm trên khu đồi nhấp nhô có cây và cỏ xanh bao phủ rộng 612 hecta, ngay bên bờ dòng sông Pôtômác phân chia Washington và tiểu bang Virginia, nhưng chỉ cách trung tâm thủ đô khoảng mười lăm phút đi ôtô. Vùng đất xinh đẹp này trước đây là sở hữu của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, sau thuộc về Robert Lee, một vị tướng nổi tiếng thời nội chiến. Chính cuộc chiến tranh này đã làm nảy sinh nhu cầu biến Arlington thành nghĩa trang quốc gia. Từ các bang miền Nam, thương binh và tử sĩ quân đội Liên bang được ùn ùn đưa về các vùng lân cận thủ đô.

Năm 1864, theo đề nghị của tướng Montgomery Meigs, chính phủ trưng dụng 200 héc ta đất ở đây để làm nghĩa trang. Khi chiến tranh kết thúc, xác của hơn 16.000 người lính được chôn cất trên những ngọn đồi quanh ngôi nhà lớn của tướng Robert Lee mà hiện nay là nhà tưởng niệm ông. Về sau người thừa kế của ông đã kiện chính phủ về việc trưng thu vùng đất này. Vụ việc kéo dài nhiều năm, cuối cùng Quốc hội Mỹ xử bên nguyên thắng kiện, và con cháu tướng Lee nhận được khoản tiền đền bù 150.000 đô-la, một số tiền rất lớn thời đó.

Chúng tôi tới nghĩa trang Arlington ngay trước lễ Giáng Sinh. Đang mùa đông, hầu hết cây cối đã rụng lá, cỏ ngả màu vàng. Nhìn quanh đâu cũng thấy bạt ngàn những bia đá cẩm thạch màu trắng giản dị, cắm thành hàng rất đều trên mặt đất bằng phẳng. Tất cả các ngôi mộ đều giống nhau về kích thước, kiểu dáng và cách trang trí. Đọc kỹ những dòng chữ khắc trên bia, ta có thể biết hết lịch sử các cuộc chiến tranh của nước Mỹ, chủ yếu tiến hành ngoài biên giới mình. Sau nội chiến, cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ, được khởi đầu bằng vụ chiếc tàu chiến Mỹ Maine bị đánh chìm ở cảng Havana. Những người lính thủy Mỹ bỏ mạng trong cuộc xung đột này đã làm tăng đáng kể số mộ ở nghĩa trang. Chiếc cột buồm gỗ của tàu Maine xấu số đến nay còn được lưu giữ ngay bên mộ họ. Tiếp đến là mộ những người lính Mỹ hy sinh trong thế chiến thứ nhất, thứ hai, trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên Việt Nam, Gần đây nhất là mộ của đội lính đặc nhiệm Mỹ bỏ mạng trong vụ đột kích vào Iran để giải thoát con tin, hoặc mộ người lính Mỹ bị quân của tướng Aidit cho kéo lê trên đường phố Môgađisu, Xômali, mà cả thế giới đã có dịp nhìn thấy qua màn hình vô tuyến... Hiện nay cả nghĩa trang có tổng cộng hơn 245.000 ngôi mộ, trong đó chủ yếu là những người lính Mỹ và thân nhân họ.

Arlington còn là nơi chôn cất các nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ, như các nhà chính trị, các bộ trưởng, các thành viên tòa án tối cao liên bang, các vận động viên thể thao xuất sắc và một số minh tinh màn bạc.

“Khi chết mọi người đều bình đẳng trước Chúa”, đó là câu trong Kinh Thánh và cũng là phương châm của Nghĩa Trang Arlington. Ở đây, mộ của đại tướng John Pershing lừng danh thời đại chiến thế giới lần thứ nhất, hoặc của nguyên soái George Marshall thời thế chiến lần thứ hai cũng y hệt như mộ của hàng vạn binh nhất, binh nhì dưới quyền chỉ huy của họ. Vẫn chừng ấy diện tích đất, cùng một dãy với nhau, và vẫn chiếc bia mộ đá màu trắng giản dị ấy. Khác chăng chỉ dòng chữ khắc trên bia. Vợ của những người lính bình thường ấy cũng được chôn cạnh chồng như các bậc nguyên soái phu nhân, nếu họ muốn. Cả mộ của vợ chồng tổng thống Kennedy cũngvậy, có điều chúng được bố trí ở một chỗ riêng, trên đỉnh đồi, dưới chân Nhà tượng niệm Robert Lee. Trên một ô đất bằng phẳng có hai phiến đá đặt nằm ngang khắc tên tổng thống và vợ ông. Bên trái là một phiến đá nhỏ hơn ghi tên người con của họ, chết khi mới được mấy tháng, còn bên phải là một phiến đá khác còn để trống, có lẽ giành cho cậu con lớn cùng tên với bố - John Kennedy- hiện còn sống và vừa mới lấy vợ. Phía sau những ngôi mộ này là ngọn lửa vĩnh cửu, nhỏ và cũng rất giản dị, phun lên từ một phiến đá tương tự. Bên cạnh là bờ tường thấp bằng đá cẩm thạch trắng có khắc những câu nói nổi tiếng của tổng thống. Khu mộ này mở cửa cho công chúng tới thăm bốn năm sau khi ông bị ám sát, và hiện là một trong những điểm thu hút khách khi tới Arlington. Ngoài Kennedy còn có thêm một vị tổng thống Mỹ nữa chôn ở đây, là William Howard Taft, cầm quyền vào những năm đầu thế kỉ 20.

Sau khi thăm mộ của cả phi hành đoàn tàu con thoi “Challenger” bị nổ tung lúc mới rời bệ phóng, mộ của Pierre Charles L’enfant, người quy hoạch thủ đô Washington, tượng đài tưởng nhớ các nữ y tá Mỹ hy sinh trong tất cả các cuộc chiến tranh, mộ của Joe Louis (Barrow), vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới và là cựu chiến binh thời chiến tranh thế giới lần thứ hai, mộ Daniel “Chappie” James, tướng bốn sao da đen Mỹ đầu tiên, và mộ thượng nghị sĩ, bộ trưởng tư pháp Robert Kennedy (em trai tổng thống John Kennedy), chúng tôi dừng lại khá lâu bên khu mộ những người lính vô danh.

Năm 1921, hài cốt một người lính Mỹ vô danh hi sinh ở chiến trường Pháp được đưa về chôn cất tại nghĩa trang Arlington. Trong cuộc chiến tranh này hơn 116.000 người Mỹ đã thiệt mạng. Năm 1958, đúng vào Ngày tưởng niệm, thêm hai người lính vô danh nữa được chôn bên cạnh. Một hy sinh trong thế chiến thứ hai và một ở chiến trường Triều Tiên. Mộ của họ ở hai bên mộ người lính thế chiến thứ nhất. Năm ấy đích thân tổng thống Dwight Eisenhower đọc diễn văn trong buổi lễ chôn cất. Ông truy tặng Huy Chương Danh dự, phần thưởng quân sự cao quý nhất của nước Mỹ, cho mỗi người trong họ. Một phiến đá cẩm thạch lớn màu trắng dựng bên cạnh với dòng chữ khắc trên đó:

“Nơi đây yên nghỉ trong danh dự và vinh quang người lính Mỹ chỉ một mình Chúa biết là ai”.
Một người lính thuộc Sư đoàn Lục quân Mỹ số 3 canh gác ngày đêm ở đây. Mỗi giờ đổi gác một lần (từ tháng Tư đến hết tháng Chín - nửa giờ). Người lính bước đều 21 bước rồi bước đều trở lại, cũng đúng 21 bước, tượng trưng cho 21 loạt đại bác. Năm 1984 người lính vô danh thứ tư được bổ sung. Anh ta hy sinh ở chiến trường Việt Nam, nơi hơn 58.000 lính Mỹ đã bỏ mạng vì sai lầm của chính phủ họ khi quyết định tiến hành cuộc chiến tranh mà chính người Mỹ cũng tự thừa nhận là “bẩn thỉu” này. Ngoài ra, ở phía nam Nghĩa trang còn có một khu mộ vô danh của những người Mỹ hy sinh trong thời kỳ nội chiến, với tổng cộng 2.111 hài cốt.

Hàng năm, vào Ngày tưởng niệm, các nghi lễ chính thức được tổ chức long trọng tại Lễ đài tưởng niệm có lối kiến trúc cổ điển, giản dị và trang nghiêm, nằm phía dưới chân đồi, nơi có mộ tổng thống Kennedy. Vào ngày này, tổng thống đương nhiệm luôn gửi hoa hoặc đích thân đến đặt vòng hoa ở đây để tưởng nhớ những người đã khuất. Còn thân nhân, bạn bè người chết thì đến thăm viếng, dùng tay nhặt những chiếc lá vàng, tượng trưng cho việc chăm sóc mộ, hoặc trang trí mộ bằng những bông hoa, những dải ruy băng màu đỏ... Lễ tưởng niệm đầu tiên như thế được tổ chức vào năm 1868, cạnh tòa dinh thự của tướng Robert Lee.

Số lượng mộ ở Nghĩa trang Arlington, nghĩa trang lớn nhất và nổi tiếng nhất trong số hơn một trăm nghĩa trang quốc gia khắp nước Mỹ, không ngừng gia tăng. Trung bình mỗi ngày có khoảng hai mươi người được chôn cất ở đây vào thời bình, phần lớn là thân nhân các liệt sĩ đã có mộ tại nghĩa trang, hoặc các nhân vật tiếng tăm trong xã hội.

Tang lễ với nghi thức quân đội là sự kiện trang nghiêm và cảm động. Một người lính danh dự hộ tống chiếc quan tài phủ quốc kỳ Mỹ được hai ngựa kéo đến chỗ chôn cất trong tiếng nhạc quốc thiều long trọng. Trước khi hạ nguyệt, một tốp lính danh dự khác bắn lên trời ba phát súng trường. Người lính danh dự cuộn lá cờ phủ quan tài và trao cho gia đình người quá cố cất giữ.



CHUYỆN MUA SẮM VÀ GIÁ CẢ Ở MỸ

Mua sắm

Chúng tôi đến Mỹ đúng vào dịp Lễ Noen 1996. Như nhiều nơi khác trên thế giới, đây là dịp người Mỹ mua sắm nhiều nhất trong năm, và cũng là dịp các nhà sản xuất, các cửa hàng tranh thủ quảng cáo, tiếp thị, và quan trọng nhất là bán hàng, bán thật nhiều hàng. Là khách vãng lai, lại mới đến Mỹ lần đầu, tất nhiên tôi không thể biết rõ hoạt động của cái guồng máy công nghiệp tiêu dùng khổng lồ của nước này. Ở đây tôi chỉ muốn nói qua về ấn tượng của mình đối với một số điều tôi có dịp được “mắt thấy, tai nghe” về hàng hoá, giá cả và cung cách mua bán của người Mỹ.

Ở sáu thành phố lớn - Boston, New York, Washington, Chicago, San Francisco và Los Angeles - mà chúng tôi đến trong vòng một tháng, ngoài cả biển ô tô và những tòa nhà chọc trời thì cái đập vào mắt và gây ấn tượng nhiều nhất là hàng hóa với sự đa dạng không thể tưởng tượng nổi của nó. Đúng là trên trời, dưới hàng. Hàng được bày bán trong những cửa hàng siêu sang trọng, trong các cửa hàng bình dân, các kiốt ở góc phố, trên lề đường và cả trên những chiếc xe đẩy của người bán rong. Cả khi đi máy bay, bạn cũng được phát một tạp chí quảng cáo hàng có hình ảnh, giá cả, tính năng để nếu bạn muốn mua, sẽ được người ta mang đến bán tại chỗ với giá rẻ như ở các “cửa hàng miễn phí” ta thường thấy ở sân bay.

“Ở Mỹ, không ai sướng bằng khách hàng!“ một người bạn Mỹ nói như vậy. Khách hàng được nâng lên ngang tầm thượng đế. Tất cả các cửa hàng tôi thấy đều phục vụ theo kiểu tự chọn như ở các siêu thị. Mấy ngày sau, nếu hàng có vần đề, hoặc đơn giản không thích nữa, khách có thể mang ra trả lại hoặc đổi lấy hàng khác, miễn là còn giữ được biên lai. Một đồng nghiệp cùng đi trong đoàn có mua ở Boston chiếc máy ảnh “Olympus” loại rẻ, hai ngày sau mới phát hiện thấy chữ “Made in China”, đem ra trả. Họ vui vẻ nhận lại, nhưng khi hỏi biên lai thì bỏ rơi đâu mất, nên đành chịu.

Khách được đón khi vào cửa hàng bằng nụ cười, khi ra cũng được tiễn bằng nụ cười cùng hai tiếng cảm ơn. Tuy nhiên, nhiều khi chính sự phong phú ấy của hàng hóa và thái độ quá đon đả của người bán chúng cũng làm các thượng đế cảm thấy bất tiện và mệt mỏi. Khách hàng ở Mỹ quả là đang rất mệt mỏi bởi sức ép quá lớn của nghệ thuật bán hàng, mà đến lượt mình, nghệ thuật này lại chịu sức ép cũng quá lớn của một nền sản xuất khổng lồ vượt quá sức mua của người dân.

Quảng cáo

Ở New York, chúng tôi ngụ tại khách sạn Wellington cao 29 tầng, ngay trên Đại lộ số sáu, bên cạnh là Đại lộ số năm vốn được xem là nơi có các cửa hàng xịn nhất thế giới và là nơi mua sắm của các siêu sao, triệu phú, tỉ phú. Mỗi sáng dậy mở cửa sổ khách sạn, nếu trời không sương mù, tôi có thể nhìn thấy một chiếc cốc khổng lồ, nghi ngút khói ở quảng trường nhỏ ngay trên đường Broadway, đối diện với Tòa Hình sự New York. Đó là biển quảng cáo món mì ăn liền đựng trong cốc (Cup Noodles). Bên cạnh là vô số các biển quảng cáo khác, có cái rộng hàng trăm mét vuông, đèn màu luôn nhấp nháy, đêm cũng như ngày, quảng cáo cho đủ các mặt hàng, từ quần bò đến vở ca kịch “Miss Sai Gon” được trình diễn liên tục mấy năm nay.

Tại khách sạn, hôm nào chúng tôi cũng nhận được mỗi người một chồng báo mà trong đấy phần lớn số trang dành cho quảng cáo. Nhân tiện nói thêm là giá báo ở Mỹ tương đối rẻ, nhiều tờ còn cho không. Bạn có thể lấy chúng ở các thùng báo đặt dọc phố với chữ “Free” (miễn phí) viết to bên ngoài, hoặc ở các nhà hàng, khách sạn, bến xe và nhiều nơi công cộng khác. Sở dĩ như vậy là vì người in báo đã có nguồn thu lớn từ những người quảng cáo hàng và dịch vụ. Theo như tôi thấy, hầu hết các báo và tạp chí Việt Kiều xuất bản ở Mỹ cũng cho không như vậy. Quán phở hoặc cửa hàng kim hoàn nào của người Việt cũng đầy ắp một chồng báo loại này, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Cả tờ “Chicago Tribune” số chủ nhật gần 500 trang tôi được tặng khi đến thăm tòa soạn báo này, cũng phần lớn là quảng các loại.

Còn quảng cáo trên ti vi ở Mỹ mới thật nhiều, thật dữ dội. Không hiểu ở nước này người ta có đưa ra các quy định hạn chế liều lượng và thời gian quảng cáo qua màn ảnh nhỏ hay không, nhưng thực tế điều này đã đến mức khiến tôi (và chắc nhiều người khác) đôi khi không muốn xem ti vi nữa, mặc dù các chương trình quảng cáo của họ được xây dựng rất công phu, đẹp và hấp dẫn. Các bạn thử hình dung mình muốn xem gì khi khoảng từ 20 đến 40 chương trình (phần lớn đều của tư nhân) cùng phát quảng cáo hầu như cùng một lúc!

Nhiều mặt hàng được quảng cáo liên tục suốt ngày, suốt tuần và có thể suốt cả tháng, khiến người xem không thể trốn vào đâu được, cho đến lúc phải ra cửa hàng mua nó, dù có thể chưa thật cần. Các bạn Mỹ bảo tôi nhà họ đầy ắp những thứ “bỏ thì thương, vương thì tội” như vậy. Trước sức ép của quảng cáo, nhiều gia đình Mỹ đôi lúc không muốn mua cũng phải mua. Nếu ông chồng đủ nghị lực và tỉnh táo để không bị quảng cáo cám dỗ thì nạn nhân của nó có thể là vợ hoặc con cháu anh ta. Đấy là chưa nói đến một sức ép khác là tâm lý sợ bị thua bè bạn hoặc xóm giềng. Rốt cục, quảng cáo là chất xúc tác giúp thực hiện phản ứng dây chuyền của nền kinh tế thị trường là xài rồi vứt, xài càng nhiều thì vứt càng lắm, vứt càng lắm thì bán càng nhiều hàng, sản xuất càng phát triển. Phát triển một phần còn nhờ người tiêu dùng. Họ mua nhiều thì đương nhiên càng phải làm việc cật lực hơn để kiếm tiền. Cuộc chạy đua này cứ thế không ngừng không nghỉ và ngày càng mạnh mẽ, làm cho khách hàng không còn là “thượng đế” nữ, mà thực sự là những nô lệ đáng thương của hàng hoá.

Đắt hay rẻ?

“Ở Mỹ cái gì cũng đắt kinh khủng!" Đó là câu nói tôi nghe được từ miệng một giáo viên Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội hiện đang tu nghiệp tiếng Anh ở Massachusset, trong một buổi chiêu đãi tại trường do giáo sư Bowen Kevin tổ chức. Ông là giám đốc Trung tâm William Joiner, cơ quan đứng ra mời đoàn chúng tôi, đồng thời là thầy dạy trực tiếp của cô gái kia. “Thầy xem, (trước đây tôi có dạy ở trường Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội và cô bảo có học tôi một thời gian, nhưng tôi không nhớ lắm) học bổng của em ở đây chỉ một nghìn đô mỗi tháng, mà phải chi đủ thứ. Thứ nào cũng đắt. Thế mà ở nhà người ta cứ tưởng đi học Mỹ sướng lắm!”

Tôi nhìn cô bạn trẻ đồng hương với vẻ ái ngại chân thành. Có lẽ cô nói đúng. Từ Seoul đến sân bay New York, trong khi chờ máy bay đi tiếp tới Boston, chúng tôi đã uống bia hơi với giá 3 đô rưỡi một cốc. Còn một đồng nghiệp trong đoàn đã phải “cắn răng” chi 7 đô la để mua một chiếc ca sứ, trước mắt có cái đánh răng, sau làm quà lưu niệm! Còn mới sáng nay, chính tôi thay mặt đoàn ký biên lai ăn sáng ở khách sạn “Harvard Inn”, mỗi người đúng18 đô-la cho mấy lát bánh mỳ kẹp thịt hun khói, ít bơ, phó mát, chiếc bánh ngọt và cốc cà phê nhạt! Lại cộng thêm gần 2 đô la tiền thuế. Ở Mỹ mua bất kỳ mặt hàng nào cũng phải cộng thêm khoảng 6-10% tiền thuế, tùy từng bang.

Đúng là ở Mỹ với một nghìn đô-la mỗi tháng cho một người lớn, cứ sòng phẳng ra, sống không phải dễ. Như cô bạn này của tôi chẳng hạn, từ một nghìn đô-la học bổng, cô phải bỏ tiền thuê nhà, với giá tối thiểu 500 đôla mỗi phòng (có đủ tiện nghi), lại còn tiền ăn, tiền sách (với giá trung bình 10 đô la mỗi cuốn khoảng 200-250 trang), tiền ô tô buýt hoặc tàu điện ngầm - 1 đô la một lượt. Đấy là chưa kể tiền quần áo, tiền gọi điện thoại về nước (ở San Francisco, từ khách sạn Travelord tôi gọi về Hà Nội, cứ mỗi phút 11 đôla!). Cả tiền giặt là nữa. Khoản tiền này không biết ở ngoài bao nhiêu, còn ở khách sạn Boston thì cứ mỗi chiếc sơ mi công giặt mất 8 đôla và mỗi đôi tất là một đô rưỡi. Nhiều khi xót tiền của bạn, chúng tôi tự giặt và phơi ngay trong phòng khách sạn theo kiểu “du kích”.

Đến New York khái nhiệm “đắt kinh khủng” ấy càng trở nên rõ nét hơn. Giá vé vào xem một buổi hòa nhạc loại vừa ở Broadway cũng phải tới 60-70 đô la, vào Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan - 10 đô, tiền đỗ ô tô ở khu trung tâm, gần phố U-ôn - 3,5 đô cho 15 phút. Người đõ xe phải tự bỏ tiền vào máy, máy tự động tính giờ, nếu gian lận hoặc đỗ không đúng chỗ sẽ bị phạt tới 500 đô-la! Giá thuê nhà và khách sạn ở New York cao thì ai cũng biết. Không gian trong khách sạn Wellington loại sang chúng tôi ở được ông chủ tận dụng một cách tối đa. Hành lang hẹp như đường ống, các phòng ngủ, khu vệ sinh, tủ quần áo... tất cả đều rất hẹp, mà lại nằm trong một khối bè tông khổng lồ cao những mấy chục tầng, khiến nhiều khi có cảm giác không đủ không khí để thở. Tuy nhiên chúng tôi cũng đành cam chịu vì giá phòng chưa đến 200 đôla một ngày một đêm. Trong khi đó, đâu đấy ở New York nghe nói nhà vô địch quyền Anh tai tiếng Mike Tyson có thể nghỉ lại qua đêm ở khách sạn với giá 4.000 đô la một ngày. Còn vợ chồng siêu sao nhạc pop Mike Jackson hồi nào mới cưới hưởng trăng mật ở khách sạn bằng cách thuê bao cả tầng, 300.000 đô-la mỗi tháng! Một căn hộ tử tế ở khu Manhatan giá thuê không dưới 20.000 đô-la mỗi tháng.

Ấy thế mà, cũng tại New York, một đồng nghiệp Mỹ bảo tôi: "So với các nước công nghiệp khác, giá cả ở Mỹ thuộc loại rẻ!” Thoạt nghe, điều này có vẻ phi lý, nhưng dần dần tôi nghiệm thấy có lẽ anh nói đúng. ở một số nước Tây Âu mà tôi có dịp đến quả có nhiều mặt hàng đắt hơn thật. Cái hay của thị trường Mỹ, tôi nghĩ, là sự đa dạng của các loại hàng hoá và các cửa hàng bán chúng. Thành ra, đối tượng khách hàng nào cũng có thể tìm thấy mặt hàng và nơi mua phù hợp với túi tiền mình, hay ít ra tìm được cách thích nghi với nó. Thay cho việc đến Đại lộ năm ở New York để mua những chiếc áo giá hàng nghìn đô-la, bạn có thể đến một trong nhiều cửa hành bán hạ giá với dòng chữ ghi “sale”, “Big sale” và “Clearance” (hạ giá, đại hạ giá, và bán để giải phóng cửa hàng!). Tất cả đều toàn đồ mới, có thể không hợp mốt chăng, hay vì lý do nào đấy, nhưng có cái giá thậm chí còn rẻ hơn ở Hà Nội. Một đồng nghiệp cùng đi trong đoàn mua được cho vợ chiếc áo vét mới rất đẹp, giá chỉ có 3 đô la!

Trở lại với cô bạn Việt Nam ở Boston. Với một nghìn đô-la được cấp mỗi tháng, cô cũng có thể sống không đến nỗi nào, có điều thay cho việc ở mỗi người một phòng, cô phải sống chung với một hoặc hai sinh viên khác như cô. Và hàng ngày cô không nên vào các quán ăn Việt Kiều với giá 4 đô-la một bát phở, 5 đô-la một đĩa rau muống xào, hay ăn một miếng bánh mì cặp thịt kiểu Tây 2-3 đô-la, mà cô phải vào chợ mua thức ăn về nấu. Ở chợ, mọi cái đều rẻ: một cân thịt gà - vài đô, thịt bò - 4 đô (loại chất lượng thấp), cá thu - khoảng 3 đô, hoặc mì ăn liền loại xịn của Nhật - 1 đô từ 3 đến 4 gói. Để “tiết kiệm” tiền đi lại, cô có thể mua một chiếc ô tô cũ còn chạy tốt khoảng 200 - 500 đô-la. Ở đây hầu như ai cũng có thể có ô tô, không mới thì cũ, kể cả người thất nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người có tiền mua xe (ở Mỹ loại mới giá chỉ bằng một phần ba hay gần một nửa so với Việt Nam), nhưng lại không đủ tiền để đóng bảo hiểm, khoảng một nghìn đô một năm. Còn về sách vở - cô cũng có thể chịu khó lùng sục ở các quầy sách cũ hoặc hạ giá, với giá chỉ bằng một nửa giá bìa. Ở Boston tôi nhìn thấy cuốn tiểu thuyết “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương được dịch ra tiếng Anh cũng nằm trong số sách này.

Phải nói thêm rằng thu nhập người lao động Mỹ có thể cao (lương tối thiểu - 5 đô-la một giờ, còn thì trung bình khoảng từ 20 đến 40 nghìn đô la mỗi năm), nhưng họ phải đóng thuế thu nhập khá cao (gần một nửa), lại còn tiền nhà, tiền bảo hiểm các loại, tiền con cái đi học (ở đại học Harvard tổng cộng lên tới gần 40 nghìn đô la mỗi năm). Do vậy, còn lại chẳng bao nhiêu, nên sống cũng chật vật. Ít ai có được khoản tiền tiết kiệm lớn. Người vô gia cư, người xin ăn trên đường phố không phải không có. Đại bộ phận Việt Kiều ở Mỹ cũng phải kiếm sống không mấy dễ dàng. Ở Los Angeles thỉnh thoảng tôi vẫn thấy có người Việt đứng bán hàng bên lề đường. Hàng bán có thể là bánh mì, xúc xích, đĩa bánh cuốn, bánh phở khô, bánh chưng, mì ăn liền, hoặc rau xanh các loại. Tất cả đều được bọc giấy bóng rất đẹp và sạch sẽ. Chắc luật pháp quy định phải như vậy.

Ở Mỹ có tệ ăn cắp vặt trong siêu thị không?

Đó là câu hỏi tôi buột miệng thốt lên sau khi ra khỏi một cửa hàng bách hóa lớn, nơi khách có thể tự chọn những chiếc đồng hồ đắt tiền, những chiếc máy tính, từ điển loại cực nhỏ mà xung quanh chẳng thấy bóng một nhân viên bán hàng nào. Chỉ cần đem đến cửa ra vào, cô thu tiền dùng máy bấm vào mã số hàng hoá, khách trả tiền theo con số hiện lên trên máy và đi ra.

Từng là một nhà báo lão luyện, am hiểu vấn đề xã hội, đồng nghiệp Mỹ cùng đi với đoàn cho tôi biết khá rõ về vấn đề này. Cứ tưởng chuyện ăn cắp vặt trong các cửa hàng hay siêu thị chỉ có ở những nước nghèo, hoá ra tệ nạn này cũng là hiện tượng phổ biến ở một nước giàu như Mỹ. Riêng năm 1995 ở nước này đã có 60 triệu trường hợp ăn cắp tại cửa hàng (shoplifting), làm thiệt hại khoảng 10 -12 tỉ đô-la cho giới chủ. Tính ra trung bình mỗi gia đình tiêu dùng Mỹ phải gách chịu 200 đô-la một năm do các cửa hàng buộc phải tăng giá để bù những thất thoát “vặt” mà khổng lồ trên. Anh cho biết có hẳn một đội quân chuyên nghiệp sống bằng nghề này, chiếm khoảng 15% tổng số người ăn cắp trong cửa hàng. Chúng chọn nghề này vì nó dễ dàng, không cần sử dụng vũ khí, mà thường lại vớ bẩm.

Người ta tính rằng trong số 60 triệu vụ kia, chỉ 1,2 triệu vụ được phát hiện, với 50% số vụ bị truy tố với nguy cơ 1% phải ra trước vành móng ngựa. Sở dĩ như vậy là vì nhiều cửa hàng khi bắt quả tang kẻ ăn cắp không báo cảnh sát để đưa thủ phạm ra tòa, chủ yếu vì giá trị không lớn, mà án phí ban đầu đã là 200 đô-la. Đấy là chưa kể việc mất thời gian và nhiều phiền toái.

Đối tượng ăn cắp là những mặt hàng dễ bán lại, từ bao thuốc, cuộn băng, đĩa nhạc, cuốn sách đến quần áo và nhiều thứ khác lớn hơn. Có tên chuyên nghiệp hoạt động rất táo bạo. Mùa rét hắn có thể mặc phong phanh đến một cửa hàng quần áo, chọn chiếc áo khoác đắt tiền nhất, mốt nhất, mặc lên người rồi ung dung đi ra. Để gây ấn tượng, hắn có thể thuê chiếc Mexceđet sang trọng đến đỗ xịch trước một cửa hàng đắt tiền, rồi bước vào, lớn tiếng sai nhân viên khuân đỗ lên xe. Còn hắn sẽ dùng mánh khóe đánh tráo, dùng hóa đơn giả hoặc các “kỹ thuật nghề nghiệp” khác để chở hàng đi mà không phải trả tiền hay trả rất ít. Quy mô nhỏ hơn, hắn có thể mua một gói lớn gì đấy loại rẻ tiền, thanh toán sòng phẳng, mang ra ngoài đổ ruột, đem bao không trở lại rồi nhét các thứ quý giá vào, sau đó để nó bên dưới những món hàng khác và chất trên xe đẩy. Khi tính tiền, nhân viên cửa hàng không phát hiện ra điều này, và thế là trúng kế hắn.

Tất nhiên, xưa nay các cửa hàng Mỹ luôn có các biện pháp phòng ngừa. Đó là đội ngũ nhân viên bảo vệ, các camera theo dõi tự động (loại máy này có ở hầu hết tất cả các tòa nhà, của nhà nước cũng như tư nhân, và ở các đường phố), sử dụng các loại nhãn kiểm soát mà nếu bóc ra, nhãn sẽ tự làm bẩn để nhân viên bán hàng dễ phát hiện. Nhưng như anh bạn Mỹ đã thở dài bảo tôi, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, và tệ nạn này đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Tiền "boa"

Kể ra cái lệ cho tiền “boa” (tipping), ở chừng mực khác nhau, hầu như nước nào cũng có. Nhưng ở Mỹ điều này phổ biến đến mức có vẻ như nó đã được nâng lên thành một thứ luật bất thành văn. Và người Mỹ, theo chỗ tôi hiểu, chấp nhận nó như một việc đương nhiên, nếu không nói với thái độ thoải mái. Nếu khi mua hàng anh phải trả thêm tiền thuế cho Nhà nước, thì khi sử dụng dịch vụ, anh phải “boa” cho người cung cấp dịch vụ ấy, trung bình 10-15% giá trị. Thường thì người ta chỉ “boa” khi chất lượng phục vụ tốt, hoặc khách cảm tình với người phục vụ, nhưng ở Mỹ, vì đã thành “luật”, nên trong bất kỳ trường hợp nào anh cũng phải xì thêm tiền. Nếu không thì sao? Chẳng sao cả? Nhưng người phục vụ và cả người xung quanh sẽ nhìn anh bằng cái nhìn “hơi khác”, như thể anh là người "hoang dại", nếu không muốn nói nặng hơn.

Hôm mới đến New York, khi đi taxi tới bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpolitan, tôi nhìn đồng tri chỉ tiền, đưa 10 đô-la rồi xuống xe. Anh tài xế người Ấn Độ cứ nhìn theo mãi, khiến tôi chẳng hiểu vì sao. Hóa ra sau hỏi mới biết mình đã không “boa” cho anh ta it nhất thêm một đô-la nữa. Ăn bát phở tại quán người Việt, anh phải nhớ cộng thêm 50 xu hay một đô-la vào cái giá 4 hoặc 5 đô-la ghi trong thực đơn. Có hôm, khi ăn tại các hiệu sang của người Ý, Trung Hoa hoặc Mêhicô, tôi nhìn anh bạn Mỹ dẫn đoàn đi bỏ thêm ra chiếc đĩa khoản tiền “boa” 30-50 đô-la mà thấy xót. Mà bàn nào cũng làm vậy chứ không riêng gì chúng tôi.

Ở các tiệm thoát y, mỗi lần múa xong, các cô đi một vòng quanh bục nhảy, luôn miệng nói “cảm ơn, cảm ơn” với khách, tức là họ cảm ơn bạn vì số tiền “boa” mà bạn chưa kịp mở ví đưa. Ở chốn “ăn chơi” như thế ai nỡ ki bo vài đô-la, và thế là bạn phải chi thêm, mặc dù quy định không bắt buộc, vì bạn đã bỏ tiền mua vé vào cửa (khoảng 10 đô la) và trả giá đồ ăn uống cao hơn bên ngoài nhiều lần. Trong khi đó, một cô bạn quen của tôi làm hầu bàn ở khách sạn Dân chủ Hà Nội, cho biết là sang Việt Nam, nhiều người Mỹ cũng “ki” lắm. Không những không “boa” mà còn kiên nhẫn đòi lại từng trăm đồng tiền thừa.

Năm 1994, cùng nhà văn Phạm Hổ và nhà thơ quân đội Anh Ngọc, tôi có chuyến du ngoạn tuyệt vời bằng tàu thủy 10 ngày quanh biển Địa Trung Hải. Trước khi rời tàu ở cảng Athens, Hy Lạp, các nhân viên trên tàu đưa cho chúng tôi mỗi người một phong bì lớn in rất đẹp và tờ giấy gợi ý chi tiền “boa”, có ghi rõ “không bắt buộc, nhưng đã thành lệ”, mỗi người ít nhất... 100 đô-la!

CHICAGO

Chicago những ngày cuối năm khá lạnh. Gió từ hồ Michigan thổi hun hút. Ngoài cửa kính ô tô là những hàng cây xám trụi lá, vốn đã thấp càng thấp hơn trên nền những tòa nhà chọc trời đứng san sát cũng có màu xám xịt tương tự. Lúc đầu mới sang Mỹ, thấy tòa nhà cao nào tôi cũng ngước lên nhìn, thậm chí có lúc còn nhẩm đếm xem bao nhiêu tầng. Nhưng sau New York, và đặc biệt khi đến Chicago, thì cái thói quen tò mò ấy không còn nữa. Đơn giản vì quá nhiều những ngôi nhà như vậy, và vì cả mỏi cổ. Trừ ngoại lệ tòa nhà cao nhất thế giới - Sears Tower, đúng 110 tầng như người ta nói. Tuy nhiên hôm ấy không hiểu sao tôi đếm hai lần mà vẫn chỉ thấy hơn một trăm tầng. Có thể tôi đếm nhầm, cũng có thể tầng trên cùng bị mây che khuất nhìn không rõ.

Cái thành phố lớn thứ hai nhưng hiện đại nhất nước Mỹ này có vẻ như chào đón chúng tôi không được “ấm áp” lắm. Ngoài nhiệt độ và gió lạnh, chúng tôi còn bị cái mệt dày vò, vì phải chờ máy bay qua đêm ở sân bay New York những mười giờ (ở Mỹ việc máy bay trễ khá phổ biến, chất lượng phục vụ trên máy bay cũng không tốt lắm). Nhưng tình cảm của người dân Chicago thì thật ấm áp, nồng nhiệt, mà trước hết là thông qua Lary Heinemann, một cựu chiến binh Việt Nam và là nhà văn Mỹ nổi tiếng, từng được giải “National Book Award” năm 1986 (một giải rất có uy tín ở Mĩ) cho cuốn “Câu chuyện của Paco” (Pacos’ story) về chiến tranh Việt Nam sắp được dựng thành phim. Ông cũng từng sang Hà Nội với tư cách khách mời của Hội nhà văn Việt Nam. Lần này ông là người trực tiếp đi theo đoàn nhà văn chúng tôi ở Chicago. Đón khách ở sân bay, ông đưa cho mỗi người một gói quà lớn, nói là “vợ chuẩn bị”, trong đó có cả bia, rượu để chúng tôi uống chống rét. Là người rất tâm lý và hiểu Việt Nam, trên đường về khách sạn, ông cho xe tới “Little Sài Gòn” (Tiểu Sài Gòn) của Chicago để đãi mỗi người một bát phở “đại tướng” có lẽ bằng ba bát phở bình thường ở Hà Nội. Hôm sau ông còn cho cả vợ và con trai đến tận khách sạn chào đoàn. Cũng không quên mang theo quà.

Vì đến trễ gần một ngày, chương trình phải rút ngắn, nên hầu như chưa kịp nghỉ ngơi gì ở khách sạn Hiltơn (khách sạn trụ sở chính của mạng lưới khách sạn Hiltơn nổi tiếng thế giới), Heinemann đã đến giục chúng tôi lên xe, trước hết đi một vòng quanh thành phố cho biết Chicago là gì. Sau đó, trong vòng chỉ nửa ngày, chúng tôi sẽ tới tham quan trụ sở của hai cơ quan báo chí nổi tiếng nhất nhì nước Mỹ, là nhật báo “Diễn đàn Chicago” (Chicago Tribune) và tạp chí “Playboy”.

Chicago Tribune

“Chicago Tribune” là tờ báo thuộc loại lớn nhất nước Mỹ, cả về chất lượng thông tin, thâm niên hoạt động, độ dày, số lượng phát hành và uy tín đối với bạn đọc. Nó đứng ngang hàng các tờ “Bưu điện Washington” (Washington Post) và “Thời báo New York” (The New York Times). Trụ sở của nó là một tòa nhà chọc trời hẹp, nằm kẹt giữa các nhà khác tương tự, trước cửa là một ô đất nhỏ được tôn cao, lát đá cẩm thạch với bức tượng ngồi bằng đồng người sáng lập ra nó cách đây hơn một trăm năm. Tuy nhiên ông chủ thực sự của nó bây giờ không phải ai khác, mà chính là bạn thân của nhà văn Larry Heinemann. Có lẽ chính nhờ điều này mà chúng tôi mới được đến đây và hơn thế, còn được đích thân ông chủ, ông John Blades, tiếp, dù chỉ trong năm phút, tuy trên thực tế đã kéo dài mười phút. Larry cứ giải thích mãi rằng đơn giản vì rất bận, chứ thực tình ông ấy muốn và có rất nhiều chuyệnn để nói.

John Blades chờ sẵn chúng tôi trong một phòng họp rộng mênh mông với chiếc bàn gỗ đỏ hình bầu dục chính giữa và hàng ghế có lưng tựa cao bọc da xung quanh, chắc là nơi ông thường tiếp các tổng giám đốc công ty ông. Vì vậy chúng tôi chỉ giới thiệu qua loa với nhau, rồi ông tự nói về mình và ấn tượng của ông khi tiếp chúng tôi. Hóa ra, ông cũng là cựu chiến binh Việt Nam, lính bộ binh thuộc sư đoàn bộ binh Mỹ số 25 như Larry Heinemann, và họ thành bạn với nhau cũng tại Việt Nam. Suốt một năm quân dịch, cả hai hoạt động ở miền Trung Việt Nam, chủ yếu ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau lời giới thiệu đó, không khí cuộc gặp trở nên sôi nổi và thân mật hẳn lên. Trong đoàn chúng tôi có nhà văn quân đội Nguyễn Trí Huân và nhà thơ Hữu Thỉnh cũng từng tham gia chiến đấu ở vùng này, thành ra hầu như suốt cả buổi gặp, hai bên chỉ dành thời gian ôn lại những kỉ niệm cũ, chốc chốc lại ồ lên khi nhắc đến một địa danh, một trận đánh nào đấy mà cả hai cùng tham gia. Cuối cùng, ông nhìn đồng hồ, hạ giọng nói một câu mà trước đấy tôi từng nhiều lần được nghe trong các cuộc tiếp xúc tương tự.

“May mà chúng ta lúc ấy đã không bắn trúng nhau, để bây giờ có thể gặp lại một cách thú vị thế này!”.

“Nhưng nhiều người khác, của cả hai phía, đã phải chết...”, một đồng nghiệp trong đoàn ngắt lời ông.

“Vâng, anh nói đúng, - John Blades đáp, giọng buồn buồn. - Nhiều người đã chết trong cuộc chiến tranh ấy. Chết vì sai lầm của nước Mỹ như cựu bộ trưởng quốc phòng McNamara đã nói trong cuốn hồi ký gần đây của ông”.

Giọng ông chân thành, pha chút cảm động. Hồi lâu nhìn ông, nhà triệu phú, ông chủ một tập đoàn lớn, và Larry Henemann, một nhà văn nổi tiếng với giọng nói ấm áp và nét mặt phúc hậu, dù không muốn, tôi vẫn cứ suy nghĩ vẩn vơ. Cả hai con người này là những bạn Mỹ mới của chúng tôi, những người cởi mở, nhiệt tình, rất thiện cảm, và quả thật chúng tôi cũng rất quý họ. Nhưng tôi vẫn băn khoăn một điều, rằng trong một năm ở chiến trường Việt Nam họ có giết người đốt nhà không, và nếu có, giết bao nhiêu người, đốt bao nhiêu nhà và trong hoàn cảnh nào? Và rằng nếu chẳng may lại xẩy ra chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, liệu những bàn tay thân thiện đang chìa cho tôi bắt lúc này, có nhằm vào tôi mà bóp cò không?... Và cả tôi nữa, liệu tôi có bắn vào họ không? Tôi cố không nghĩ đến câu hỏi này, nhưng đâu đó sâu trong tiềm thức, một ý nghĩ buồn buồn mách tôi rằng có lẽ là có! Có lẽ lúc ấy cả hai bên sẽ bắn vào nhau, vì dẫu sao chiến tranh vẫn là chiến tranh, và một khi đã không tránh được, cả hai bên sẽ cố giành chiến thắng cho mình Không có sự lựa chọn nào khác. Nghe nói trước đây một đồng nghiệp của tôi khi hội thảo với các bạn Mỹ có nói rằng thời chiến tranh ông đã nhiều lần cố tình không nhắm bắn vào những người lính Mỹ, vì đơn giản nghĩ họ chỉ là nạn nhân của một chính sách sai lầm! Chưa nói điều này trung thực đến đâu, nhưng trong bất kì trường hợp nào tôi cũng không thể đồng ý với cách nói ấy.

Tiễn chúng tôi tới tận thang máy, John Blades cho biết sang năm, 1997, ông sẽ sang Việt Nam với tư cách một cựu chiến binh (rất có thể sau này với tư cách một nhà đầu tư) để thăm lại chiến trường xưa. Ông thậm chí còn hứa đến thăm chúng tôi tại trụ sở Hội nhà văn ở Hà Nội. Rồi ông xin lỗi có việc phải đi ngay, dặn đi dặn lại ông tổng biên tập phải đích thân đưa chúng tôi xem bất kì nơi nào chúng tôi muốn trong tòa soạn và các phân xưởng sản xuất của tờ báo.

Tòa soạn “Chicago Tribune” làm việc trên nhiều tầng, cụ thể bao nhiêu tôi không nhớ chỉ thấy lên xuống thang máy luôn. Bộ phận in ở nơi khác, cũng thuộc công ty của John Blades. Chúng tôi đến vào lúc giữa trưa, hầu hết mọi người đang đi ăn hoặc nghỉ đâu đó.

Ông tổng biên tập, một người cao gầy có nét mặt chất phác, giống nông dân hơn là một trí thức cỡ bự, ăn mặc giản dị, gần như xuềnh xoàng, nói với chúng tôi rằng lúc này là “giờ chết” của tòa soạn. Cao điểm hàng ngày từ bốn giờ cho đến tận đêm khuya, là lúc, như ông nói, “đây giống như một cái chợ lớn, ai cũng hối hả lo phần việc của mình để kịp ra số báo ngày hôm sau.

Vì thời gian có hạn, chúng tôi chỉ kịp tham quan một số nơi chính, trước hết là tầng biên tập. Cả một tầng lớn mấy trăm mét vuông không ngăn thành từng phòng kín có cửa đóng như ở Việt Nam, mà chỉ chia ô ngăn vách cao chưa quá đầu người. Mỗi người một ô, một (hoặc 2) máy vi tính, một điện thoại và một chiếc bàn rộng chất đầy báo và đủ loại giấy tờ khác. Có lẽ đại khái cũng như chúng ta, mỗi người lo một mục, khác chăng chỉ ở quy mô, cách thức và phương tiện làm việc.
Vì đang lúc vắng người, chúng tôi ngồi vào ghế các biên tập và nghe chủ nhà nói qua về tờ báo của mình. Ông cho biết, không kể đội quân đông đảo làm các khâu trị sự, xuất bản và phát hành, ông có dưới quyền điều khiển của mình hàng trăm phóng viên cả trong biên chế lẫn làm theo hợp đồng, có mặt ở tất cả các bang tại Mỹ và các khu vực lớn trên thế giới. Theo ông, “Chicago Tribune” là tờ báo đầu tiên ở nước Mỹ đã “vi tính hoá” mọi khâu biên tập từ đầu những năm 70. Từ ấy đến nay cứ mấy năm một lần báo ông phải chi một khoản tiền khổng lồ để nâng cấp thiết bị, chủ yếu thay các thế hệ máy vi tính.

Tiếp đến, chúng tôi thăm một loạt các bộ phận khác như thư viện, lưu trữ tư liệu, chế bản, làm ma-két và phòng chụp ảnh. Ở phòng này chúng tôi đến đúng lúc các thợ ảnh đang chụp cảnh một người đàn ông ngồi trên đống tuyết (nhân tạo), đầu đội mũ len đan, hai tay giữ hai thanh trượt. Tôi không hiểu vì sao phải chụp ở đây, khi bên ngoài đang là mùa đông và cách Chicagô không xa chắc phải có rất nhiều tuyêt thật.

Sau đó ông tổng biên tập dẫn chúng tôi đến một phòng lớn. Trên mấy chiếc bàn dài có đặt rất nhiều đĩa thức ăn, có đĩa còn nghi ngút khói. Tôi tưởng tòa soạn sắp chiêu đãi đoàn. Hóa ra không phải. “Đây là bộ phận sản xuất của mục Hướng dẫn nội trợ ”, ông tổng biên tập nói như đoán hiểu ý nghĩ của tôi. Trong khi đó ở phòng bên có mấy phụ nữ mặc áo trắng, đầu đội mũ vải hồ cứng của đầu bếp. Đúng lúc ấy họ đang dùng cùi dìa moi ruột một chậu trai và sò. Hỏi ra mới biết họ chuẩn bị một món ăn gì đấy của người Thái.

Tôi hỏi “Sao các bà không vào nhà hàng Thái mua một đĩa về rồi giới thiệu lên báo có nhanh và đỡ tốn kém hơn không?”. “Không được, - họ đáp. - Nguyên tắc của chúng tôi là giới thiệu với bạn đọc món nào, chúng tôi phải tự mình mua nguyên liệu, tự làm, tự nếm cho đến khi hài lòng mới lập thành công thức đưa lên mặt báo”. “Số báo nào các bà cũng giới thiệu món ăn à?” “Vâng, và không chỉ một. Các món ăn của đủ các dân tộc”. “Cả Việt Nam?” tôi hỏi. “Tất nhiên, nhiều người My rất thích các món ăn Trung Quốc và Việt Nam”.

Có lẽ, các bà nói đúng. Trong số khách tới các quán ăn châu Á vốn rất nhiều ở Chicago và các thành phố khác, tôi thường thấy không ít người Mỹ. Rồi tôi đi sang bàn bên, ghé nhìn một đĩa thức ăn đang được một ông phó nháy dí chiếc máy ảnh khổng lồ xuống sát để chụp. Ngày hôm sau, tò mò giở báo đọc, tôi thấy lại đĩa thức ăn đó, được phóng to, màu đẹp, trông tươi và có vẻ ngon hơn thật...

Trước khi ra về, ông tổng biên tập tặng chúng tôi mỗi người một số báo thường (khoảng gần 100 trang khổ lớn) và một chồng báo lớn gồm nhiều tập riêng mà ông gọi đấy là số chủ nhật. “Sao dày thế này?- tôi hỏi. - Tổng cộng có bao nhiêu trang?” “Trung bình trên dưới 400 trang”, ông đáp. “Và ông phải đọc tất cả, không sót chữ nào?” “Không nhất thiết. Tôi chỉ duyệt những bài chính. Tôi lo về “chiến lược chung”. Vả lại, như anh thấy, quảng cáo chiếm một tỉ lệ rất lớn. Chúng tôi sống được là nhờ quảng cáo! Mỗi số chúng tôi phát hành 830.000 bản, phát hành toàn quốc và cả ra nước ngoài.

Mãi tối hôm ấy, ở khách sạn, trước khi ngủ tôi mới có dịp liếc qua tập báo đồ sộ này. Nó được chia thành nhiều tập, mỗi tập một chuyên mục riêng: chính trị, kinh tế, giải trí, thế thao, vân vân. Ông nói đúng, quảng cáo quả chiếm rất nhiều diện tích mặt báo. Từ một dòng, một ô rất nhỏ đến cả trang, cả hai trang liền nhau. Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ và đủ trăm thứ trên đời. Tôi cứ mân mê tập báo mà thương cho người Mỹ không biết lấy đâu thời gian đọc hết chừng này trang của một tờ báo như “Chicago Tribune”. Mà đâu chỉ mình nó dày như thế. Tờ “New York Times” số hàng ngày cũng 140 trang, và số chủ nhật - 400 trang. Các tờ báo lớn khác như “Washington Post” và “US Today” cũng tương tự như vậy.

Playboy

Cũng theo tinh thần “đi sâu tìm hiểu mọi khía cạnh của nước Mỹ ”như lần xem thoát y vũ ở Hollywood, ở Chicago chúng tôi được các bạn Mỹ bố trí tham quan trụ sở Playboy, một tạp chí giải trí dành cho “trai chơi” đúng như tên gọi của nó với các bức ảnh phụ nữ khoả thân mà xưa nay ta cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác vẫn cấm lưu hành.

Tôi nhớ cách đây gần 30 năm, chính xác hơn, vào năm 1968, khi còn là sinh viên ở Matxcơva, lần đầu tôi được một anh bạn da đen thầm thì kéo vào phòng, đóng chặt cửa cho xem một số tạp chí Playboy. Thú thật, đây cũng là lần đầu tôi nhìn thấy ảnh phụ nữ khoả thân. Anh bạn da đen cứ nhắc đi nhắc lại phải tuyệt đối không được nói với ai, và tất nhiên tôi đã giữ bí mật. Cũng nhờ thế mà sau đó tôi còn được xem thêm mấy số tạp chí này nữa. Thời ấy không chỉ Liên Xô cấm sách báo khiêu dâm, mà cả Đại sứ quán ta ở Matxcơva cũng rất nghiêm về vấn đề này. Ai bị phát hiện xem những thứ “đồi truỵ” ấy có thể sẽ bị đuổi về nước. Thậm chí còn bị đuổi về nước cả vì tội nhảy đầm và “yêu Tây”.

Tôi không nhớ từ ngày học xong về nước đến nay có dịp nào xem tạp chí này không, nhưng trong ý nghĩ của tôi và những người thuộc thế hệ tôi, Playboy vẫn là một cái gì đấy “hư hỏng”, hay chí ít cũng không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Ấy thế mà bây giờ anh bạn đồng nghiệp Mỹ của tôi, Larry Heinemann đang lái xe đưa chúng tôi đến “hang ổ” của sự “hư hỏng” ấy.

Tòa soạn Playboy ở số nhà 680, đại lộ North Lake Shore. Đó là một trong những tòa nhà cao nhất thành phố nhìn ra hồ Michigan mà tờ tạp chí này thuê mấy tầng. Như ở nhiều nơi khác, ô tô chạy vòng vèo xuống tầng hầm để xe sâu hàng chục mét, rồi từ đấy chúng tôi đi thang máy lên, nên quả tình tôi cũng chẳng biết cổng chính và sảnh lớn của tòa nhà này ở đâu. Từ thang máy bước ra, cái đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là hình một chú thỏ trắng lẳng lơ, thắt nơ con bướm, với đôi tai to dài vểnh ngược. Trong làng động vật, giống thỏ vốn được xem là loại “máu mê” nhất, ít ra thì cũng đẻ nhiều. Có lẽ vì vậy mà nó được chọn làm biểu tượng cho Playboy chăng? Bên trong tòa soạn, hình của chú còn được treo ở nhiều nơi khác, cả trong phòng khách lớn, nơi có quảng cáo bán loại áo phông trắng in biểu tượng Playboy, giá mỗi chiếc 14,95 đô-la, nếu khách ở xa đặt mua thì cộng thêm 6 đô-la tiền đưa đến tận nhà.

Đón chúng tôi ở phòng đợi là một cô gái có dáng vẻ châu Á và cũng nói tiếng Anh pha ngữ điệu châu Á, không hiểu người nước nào. Tôi hơi thất vọng khi thấy cô ăn mặc rất nghiêm chỉnh, kín đáo, vì trước đấy, dù biết ngớ ngẩn, tôi vẫn cứ nghĩ chắc tất cả phụ nữ làm việc ở đây phải hở hang, nếu không muốn nói trần truồng. Điều “thất vọng” tiếp theo là khi nghe cô giới thiệu người hướng dẫn chúng tôi đi tham quan tòa soạn là giám đốc điều hành tạp chí, ông Kevin Buckley, một người đàn ông to béo, râu ria xồm xoàm và chẳng có vẻ “trai chơi” tí nào. Cùng đi với ông còn có cô Asa Barber, cũng một cô gái gốc châu Á, xinh đẹp và cũng ăn mặc kín đáo, nếu không kể chiếc váy len bó, dài xẻ một đường quá cao, để lộ đôi chẩn rất thon và thẳng.

Dọc các lối đi và hầu như khắp các phòng có treo rất nhiều ảnh vẽ và tranh phụ nữ khoả thân. Một số nơi còn có cả tượng, cả những bức rất lớn, đủ mọi chất liệu với những bộ phận nhạy cảm của phụ nữ được phóng đại nhiều khi thái quá.

“Ở đây có một đồng hương của các bạn đấy!” ông Buckley bảo chúng tôi, rồi ông nhờ cô Asa đi gọi. Lát sau cô dẫn đến một phụ nữ còn trẻ, người đậm đà. Cô tự giới thiệu mình (bằng tiếng Việt, tất nhiên) là Sarah, tên Việt Nam trước kia là Lý, sang Mỹ từ hồi còn nhỏ và làm biên tập ảnh ở đây đã hơn 20 năm. “Chị làm việc ở đây có thích không?” chúng tôi hỏi. Cô nói có, vả lại được trả lương cao. Cô cười, tỏ ý rất mừng được các nhà văn Hà Nội đến thăm tạp chí của cô. Rồi cô lại cười, cúi đầu chào rất thấp và xin phép quay lại chỗ làm việc. Tôi cứ có cảm giác như điệu bộ, dáng người và giọng nói Nam Bộ của cô hơi hơi lạc lõng ở đây, giữa những đôi môi đỏ mọng, những cặp dò dài và những bộ ngực đồ sộ, hồng hào trên các bức ảnh.

Vừa đi, ông giám đốc điều hành vừa nói qua về tạp chí của ông. Ông cho biết tạp chí chỉ là một bộ phận của “Playboy Enterprises Incorp” (Tập đoàn các xí nghiệp Playboy) do ông Hefner thành lập vào đầu những năm 50, bây giờ thuộc toàn quyền cai quản của con ông, cô Christie Hefner còn rất trẻ. Tạp chí ra mỗi tháng một kì, khoảng 200 trang, khổ lớn, được phát hành rộng rãi khắp thế giới với số lượng 1,3 triệu bản, giá bán ghi ở bìa là 5,95 đô la. (Ở Mỹ tôi để ý thấy giá hàng thường ghi tới các số lẻ cuối cùng. Trong trường hợp này thực chất giá là 6 đô la, nhưng người ta ghi thế để người mua có cảm giác chỉ hơn 5 đô-la thôi. Đây cũng là một cách tiếp thị của họ), nghĩa là tương đối rẻ, vì nhờ đăng quảng cáo. Mỗi tháng Playboy chọn giới thiệu một cô đẹp nhất trong tháng, gọi là Miss tháng Một, Miss tháng Hai, vân vân. Cô người đẹp này còn có tên khác là “Playmate” (bạn chơi). Và cũng hàng tháng, xưởng phim của tập đoàn Playboy (đóng ở Hollywood, Los Angeles) xuất bản một cuốn bằng video giới thiệu Playmate do tạp chí chọn trong tháng, giá mỗi băng trên dưới 20 đôla. Ở Hà Nội, tôi đã có dịp xem một số băng như vậy. Ông còn cho biết toàn bộ Hội đồng giám đốc của tạp chí, gồm 6 người, đều là nam giới, và nói chung cán bộ chuyên môn ở đây rất ít người là phụ nữ. “Và rất tiếc, như các ông thấy, không phải ai cũng đẹp như trong tạp chí”, ông cười nói thêm. “Thời chiến tranh ông có bị gọi đi lính sang Việt Nam không?” ai đấy hỏi. “Rất may là không, ông lại cười, nhưng tôi cũng phải chiến đấu không ít - với các nàng tiên người mẫu và cả đám phụ nữ dưới quyền!”

Như ở trụ sở các báo và tạp chí khác, công việc ở đây diễn ra sôi động mà lặng lẽ, mỗi người một việc trong ô nhỏ được ngăn riêng của mình, với chiếc máy vi tính và đống tài liệu. Nơi ông giám đốc điều hành dẫn chúng tôi đến xem đầu tiên là Studio ảnh, vì dẫu có nhiều chuyên mục khác nhau, nhưng trước hết Playboy vẫn là một tạp chí ảnh, lại chủ yếu ảnh khoả thân. Sở dĩ gọi là Studio vì nó rất lớn, lớn hơn nhiều phòng chụp ảnh của các báo khác. Ở đây, ông giao cho Jim Larson, một thợ chụp ảnh còn trẻ, người to béo, đi đứng khá nặng nề nhưng có vẻ rất vui tính, nói cho chúng tôi biết về công việc của anh và của cả Studio.

“Tiếc là các vị hôm nay đến đây đúng lúc không có người mẫu!” Jim mở đầu bằng một câu nói đùa. “Các anh cho người ngoài xem khi chụp ảnh phụ nữ khoả thân à?” tôi hỏi. “Về nguyên tắc thì không, nhưng với các vị thì được!” Tất nhiên anh ta đùa. Jim cho biết nhóm của anh làm việc khá vất vả, nhiều khi phải mất mấy ngày mới chụp được một kiểu đáng đưa lên tạp chí. Trả lời câu hỏi người được chụp là ai, anh nói: “Là bất kỳ người nào có thân hình và nét mặt đẹp, và họ tự nguyện làm điều đó. Nhưng thường là sinh viên và các cô gái mới lớn, từ khắp nước Mỹ chứ không riêng ở Chicago”. Theo anh, được Playboy chụp ảnh khỏa thân đăng báo, với các cô là niềm tự hào lớn. Có thể nó còn mở đường cho họ đi vào thế giới người mẫu, điện ảnh và trở thành nổi tiếng. Cả Marilyn Monroe huyền thoại và ca sĩ Madona cũng khởi đầu từ Playboy này.

Cô Asa Barber, lúc ấy đứng cạnh, nói nhỏ với tôi rằng mỗi lần tạp chí chọn chụp ảnh, các cô được trả 25.000 đôla!

“Chắc anh hài lòng lắm khi làm nghề này?” một đồng nghiệp Việt Nam hỏi. Jim nhăn nhó đáp: “Tôi thì lại nghĩ ngược lại. Anh có cảm thấy hài lòng không khi suốt ngày phải chiêm ngưỡng những mâm cỗ đầy ắp thức ăn ngon lành mà anh, dù bụng đói, vẫn không được đụng vào?” Tất cả cùng cười.

Tiếp đến chúng tôi đi sang phòng hóa trang của các cô người mẫu ảnh. Đây cả là một kho lớn đầy trăm nghìn thứ khác nhau mà phụ nữ cần có để tăng vẻ đẹp cho mình, từ những chiếc áo dài, áo lưới mỏng như mạng nhện, những đôi giày đủ loại, đủ chất liệu đến hàng tủ tất và quần áo lót. Jim cho biết tạp chí có cả một đội quân chuyên gia trang điểm để làm một cô gái đã đẹp càng đẹp thêm bội phần. Phải thừa nhận rằng nghệ thuật nhiếp ảnh giữ vai trò cực kì quan trọng, nếu không nói quyết định, trong việc tôn thêm sắc đẹp cho con người. Nhiều cô gái đẹp đời thường ta gặp ngoài phố rõ ràng không hồng hào và quyến rũ như trong ảnh tạp chí. Cả những thứ tôi đang nhìn đây, sờ thấy đây kể ra cũng chẳng có gì đặc biệt, thậm chí chiếc ghế xa lông bọc vải các cô gái đẹp vẫn ngồi chụp ảnh nhìn kỹ thấy có chỗ hơi sờn, thế mà trên ảnh của Playboy sao chúng đẹp thế, kì ảo thế.

Phòng tư liệu ảnh cũng là một bộ phận quan trọng của tạp chí. Cô Elizabeth Georgiou làm ở phòng này dẫn chúng tôi đi dọc theo những chiếc tủ sắt cao tận trần với những ô nhỏ như các ô phích thư viện. Cô cho biết ở đây ảnh và phim được các thiết bị đặc biệt cho phép lưu giữ hàng chục năm, và thông thường một ảnh từ khi được chụp đến khi đưa lên mặt báo phải mất khá lâu, có thể hàng tháng, vì còn phải qua các khâu xử lí chuyên môn, thẩm định và phê duyệt.

Cuối cùng, trước khi chia tay, ông Kevin Buckley, giám đốc điều hành tạp chí, mời chúng tôi vào một căn phòng lớn, có vẻ như phòng truyền thống vì trên tường treo nhiều chân dung những người sáng lập hoặc cán bộ lãnh đạo tập đoàn Playboy. Còn trong tủ kính là các số tạp chí mới in. Tất nhiên cả ở đây cũng không thể thiếu biểu tượng chú thỏ thắt nơ với đôi tai lẳng lơ kia. Câu đầu tiên ông nói khi tất cả đã ngồi xuống bàn là tạp chí của ông khác hẳn với những tạp chí tình dục có rất nhiều ở Mỹ. “Chúng tôi là nghệ thuật!” ông tuyên bố. “Không một bức ảnh nào của chúng tôi có tính khiêu dâm như người ta lầm tưởng. Như để minh họa cho lời ông vừa nói, ông nhờ cô Asa Barber lấy biếu chúng tôi mỗi người một bản số Playboy mới nhất. Số tháng Một 1997, dù hôm ấy mới là 17 tháng 12, 1996.

Về nghệ thuật, có lẽ phải thừa nhận ông nói đúng. Tôi giở lướt qua tờ tạp chí. Quả thật các bức ảnh Playboy rất đẹp, rất nghệ thuật, từ màu sắc, bố cục, ấn tượng đến kĩ xảo nghề nghiệp. Còn việc có khiêu dâm hay không thì lại là chuyện khác. Điều này còn tùy vào quan điểm thẩm mỹ, văn hoá và lối sống của người đánh giá. Cá nhân tôi, khi xem những bức ảnh khoả thân ở đây, vốn được chụp một cách tế nhị, không quá lộ liễu, tôi không có cảm giác nào ngoài cảm giác do cái đẹp tạo nên. Cái đẹp hoàn mĩ của cơ thể phụ nữ. Kevin Buckley cho biết Playboy tuyệt đối không in ảnh nào có cảnh làm tình, mà rồi tỉ lệ ảnh phụ nữ khỏa thân cũng không được quá lớn so với các phần khác.

Khi viết những dòng này, tôi đang có trong tay số Playboy mới nhất được đích thân ông chủ bút tặng. Ta hãy lướt xem bên trong có những gì. Chuyên đề số này là Marilyn Monroe, để kỉ niệm lần đầu cô chụp ảnh với Playboy, cách đây 50 năm, vì vậy mà ngoài bìa in ảnh cô mặc áo len dài màu đen khá kín đáo. Bên trong, viết bài về cô không phải ai khác mà chính là John Updike, một trong những nhà văn lớn nhất ở Mỹ hiện nay. Bài được minh họa bằng một số bức ảnh tuyệt đẹp, có cái chiếm tới ba trang, phần lớn khỏa thân, trên nền những tấm thảm nhung đỏ, là thứ lúc còn sống cô rất thích. Theo lời John Updike thì có lẽ chưa và sẽ không bao giờ có được một cơ thể phụ nữ nào đẹp và hoàn hảo hơn Marilyn Monroe. Ông cho biết Monroe đã nhận được 50 đôla nhờ cho chụp những bức ảnh này, một số tiền khá lớn thời ấy, đủ để cô chuộc lại chiếc ô tô bị gán nợ trước đó.
Như các tờ báo và tạp chí khác ở Mỹ, số trang quảng cáo ở số Playboy này không ít, trên dưới 20%. Toàn bộ bảy trang đầu tạp chí là quảng cáo của hãng thuốc lá Malboro nổi tiếng. Ngoài ra còn có quảng cáo của đủ các loại hàng hóa khác nhau, nhưng không có các dụng cụ tình dục để, như ông giám đốc điều hành nói, khỏi gây hiểu lầm cho Playboy.

Như đã nói, mỗi số tạp chí giới thiệu một Playmate (người đẹp trong tháng, và số tháng 1 năm 1997 người ấy là cô Jami Ferrell. Dĩ nhiên, một số trang tương xứng đã được dành để in ảnh và nói về cô, với đủ các số đo, sở thích và ước mơ. Cũng trong số này tạp chí giới thiệu 12 Playmate của năm 1996, từ Miss January (tháng Giêng) đến Miss December (tháng Mười Hai), trong đấy có Miss June (tháng 6) là da đen. Tiếp đến là phần truyện, mỗi số đăng một truyện hoặc đăng tải nhiều kì. Số này là truyện “Vụ nổ từ quá khứ" của nhà văn Raymond Benson, về sự quay lại của James Bond, nhân vật chính của bộ phim nhiều tập nổi tiếng “Điệp viên 007”. Hai trang được dành cho mục hỏi đáp về các vấn đề liên quan đến tình dục. Một trang để đăng chuyện tiếu lâm, có chuyện chỉ hai dòng. Ông giám đốc cho biết mỗi chuyện tiếu lâm được đăng nhuận bút là 100 đôla và một cuốn tạp chí. Ông còn đùa hỏi chúng tôi có vị nào muốn làm “cộng tác viên” của ông về mục này không? Nhiều chuyện rất dí dỏm nhưng cũng có nhiều chuyện khá nhạt. Không có chuyện nào tục tĩu. Có hẳn một mục chuyên đăng tin giật gân về tình ái của các vị tai to mặt lớn ở Mỹ và thế giới. Số này có lẽ tin giật gân nhất do Playboy khui ra là việc Dick Morris, phụ tá thân cận của tổng thống Bill Clinton có “vợ hai không chính thức”. Tệ hại hơn, khi chung chăn gối, ông ta còn thủ thỉ cho người tình nghe nhiều “top secrets” (tin tuyệt mật) của Nhà Trắng. Mục “Diễn đàn Playboy” số này được giành hẳn tám trang, đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, từ việc các nhà họach định chính sách cần làm gì để giảm bớt hiện tượng các em gái học sinh có bầu, đến việc nêu câu hỏi (và phân tích “trên góc độ khoa học”) thủ dâm có hại hay lợi? Thậm chí ở mục này còn đăng cả “Tuyên ngôn” của ... “Hội những người thủ dâm” được thành lập tháng Mười 1995 tại trường Đại học Miami, thành phố Oxford, bang Ohio!...

Quay lại với cuộc nói chuyện cùng Kevin Buckley ở phòng Truyền thống. Chúng tôi chăm chú lắng nghe những lời ông ca ngợi và bênh vực cho tạp chí của mình. Với phương châm “đến xem để biết”, chúng tôi cố né tránh bộc lộ quan điểm, đặc biệt khi ông nêu những câu hỏi tế nhị, đại loại như “Các ông có nghĩ một ngày nào đó Playboy sẽ được phép có mặt chính thức ở Việt Nam không?” Tôi nghĩ, cho dù Playboy có “hiền lành” và “nghệ thuật” như ông nói, ít nhất mươi, mười lăm năm trước mắt, xã hội chúng ta khó có thể chấp nhận loại ấn phẩm này. Thành ra chúng tôi khôn khéo chuyển đề tài, cảm ơn sự nhiệt tình của ông và các nhân viên khác trong tạp chí.

Cô Asa bê ra một hộp kẹo lớn rất đẹp với những chiếc kẹo đủ hình thù khác nhau được gói giấy cũng rất đẹp. Tôi cầm một chiếc mân mê trên tay, băn khoăn tự hỏi có phải bên trong là một hình người phụ nữ khỏa thân hay không. Hóa ra đó chỉ là chiếc kẹo sôcôla bình thường, có hình một “Chú lính chì dũng cảm”. Và ăn rất ngon.

HÔLIÚT

1
Sau New York và Chicago, cảm giác đầu tiên của tôi khi đến Los Angeles là thành phố khổng lồ với hơn 8 triệu dân này có vẻ như không thật “chọc trời” và hiện đại lắm. Trừ khu trung tâm với một số ngôi nhà dăm sáu chục tầng đứng chụm vào nhau, cả thành phố, ít nhất là ở những nơi chúng tôi kịp đến trong mấy bốn hôm lưu tại đây, đều tương đối thấp, với những nét kiến trúc mang phong cách Tây Ban Nha và những cây cọ gầy gò, cao lêu đêu. Đường phố cũng không đông đúc, chật chội, đặc biệt là không thấy cảnh bạo lực như tôi vẫn hình dung qua các cuốn phim được xem trước đó về thành phố này. Hơn thế, bóng dáng những người cảnh sát lừng danh bang California cũng chẳng thấy đâu, trừ một cô gái da trắng tóc vàng bé nhỏ ngồi sau tay lái chiếc ô tô bóng lộn ở ga xe lửa khi chúng tôi vừa từ San Francisco tới. Sau này hỏi lại, tôi mới biết cô là cảnh sát. Tôi đem điều băn khoăn nói với người bạn Mỹ hướng dẫn đoàn. Vốn là người vui tính, anh cười bảo tôi: “Đừng quá lo về sự vắng mặt của cảnh sát, không tin, anh cứ thử vào gốc cây kia mà tè, hoặc giả vờ có hành động sàm sỡ với cô gái đang chờ ô tô buýt đằng kia. Năm hoặc bảy phút sau sẽ có cảnh sát đến bắt anh về đồn. Cũng đừng vội đưa ra những nhận xét về Los Angeles. Thành phố này có nhiều cái hay mà các thành phố khác ở Mĩ không có”.

Chưa đầy một ngày sau, tôi nghiệm thấy quả anh nói đúng. Và một trong những cái hay ấy của Los Angeles là Hôliut.

Ngay từ tối hôm trước, chúng tôi đã nhất trí với nhau là nơi tới thăm đầu tiên ở Los Angeles sẽ là Hôliut chứ không phải Disney Land vốn cách trung tâm thành phố gần một trăm cây số, vé vào cửa những 75 đô-la (cho ba ngày) hoặc 35 đôla cho một ngày xem. Chỉ cần bỏ ra mỗi người một đô-la, chúng tôi lên xe buýt và khoảng nửa giờ sau đã có mặt ở khu Hôliut huyền thoại. Hôliut của những minh tinh màn bạc, những trường quay nổi tiếng có thể trong nháy mắt biến một cô gái nhà quê thành siêu sao được cả thế giới ngưỡng mộ. Hôliut của những giấc mơ, những cách sống phóng khoảng, vương giả và lập dị.

Và đây, chúng tôi đang bách bộ trên Đại lộ Beverly điểm xuyết những cây cọ cao quanh năm xanh tươi, với hai bên là những dãy cửa hàng vô tận bán đầy tranh ảnh khoả thân, những bộ quần áo mốt nhất dành cho các tài tử điện ảnh mà người yếu tim không dám xem giá.. Lần nữa tôi lại ngỡ ngàng phát hiện thấy rằng cả ở chốn Hôliut phù hoa này cũng có những khu nhà tồi tàn, những khuôn mặt lo âu mệt mỏi vì kiếm sống của những người da đen, người gốc Tây Ban Nha hoặc của mấy người Việt trong một quán ăn nhỏ có biển đề “Phở Hòa” và dòng chữ “Cửa hàng ăn Việt Nam” bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha bên cạnh.

Ở Hôliut, hầu như cái gì cũng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến ngành điện ảnh. Hè phố mà chúng tôi đang đi (the Avenue of Fame) được lát bằng những tấm đá màu đỏ, mỗi tấm in hình một ngôi sao và tên các diễn viên, đạo diễn nổi tiếng trong thế giới phim ảnh và ca nhạc. Điều này gây cảm giác độc đáo, là lạ, vì chân anh cứ luôn dẫm lên một Mađôna, một Tom Hank hay một Marilin Mônrô nào đó. Còn những người có tên đang bị dòng người dẫm đạp một cách không thương tiếc này thì đang sống ngay bên cạnh, trong một khu riêng được gọi là Thành phố Đồi Beverly với núi Santa Monica trước mặt...

Hôliut, thủ đô công nghệ điện ảnh của Mỹ và thế giới nằm cách trung tâm Los Angeles khoảng 15 cây số về phía Tây Bắc. Đây là một vùng đất lớn, phía đông được ngăn bởi Đại lộ Hyperion và Riveside, phía nam là đường Beverly, dãy núi Santa Monica ở phía Bắc và thành phố Beverly Hills ở phía tây. Cái tên Hôliut (Hollywood - rừng cây nhựa ruồi) là do bà Horace Wilcox, phu nhân một trong những người Mỹ định cư đầu tiên ở đây đặt vào năm 1887, theo tên biệt thự bạn thân của bà ở Chicagô. Năm 1903 Hôliut được chính thức tuyên bố là một thành phố độc lập của tiểu bang California, nhưng vào năm 1910, do thiếu nguồn nước sinh hoạt, người dân Hôliut tình nguyên xin sáp nhập vào Los Angeles, từ đó trở thành một quận của thành phố khổng lồ này, với số dân khoảng 300.000 người. Vào đầu thế kỷ, những nhà làm phim đầu tiên của Mĩ phát hiện thấy miền nam California, đặc biệt Hôliut là nơi lý tưởng để biến thành trung tâm ngành công nghệ mới mẻ của mình, với lợi thế khí hậu ôn hòa, nhiều ánh nắng, địa hình nhấp nhô, đa dạng, và nguồn lao động rẻ.

Năm 1908, bộ phim truyện đầu tiên của nước Mỹ “Bá tước Mông Crixtô”, được bắt đầu quay ở Chicagô và hoàn tất ở Hôliut. Một năm sau, xưởng phim đầu tiên của Hôliut ra đời, chẳng bao lâu sau xuất hiện thêm hai mươi công ty làm phim kinh doanh khác. Trong vòng ba thập kỷ tiếp theo, từ phim câm phát triển thành phim có tiếng, nhờ cố gắng không mệt mỏi của các nhà làm phim danh tiếng như D.W. Griffith, Goldwyn, William Fox, Louis Mayer, v.v..., các xưởng phim vĩ đại sau này đã được ra đời và đang tiếp tục hoạt động: 20th Century-Fox, Metro-Goldwyn-Mayer, Paramount Pictures, Columbia, Warner Brothers. Nhiều nhà văn lớn của Mỹ cũng gắn liền sự nghiệp mình với công nghệ điện ảnh và Hôliut, như Scott Fitzgerald, Aldous Huxley, Evelyn Waugh và Nathanael West.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, do việc các nhà làm phim rời Hôliut đi quay ở hiện trường, cả trong và ngoài nước Mĩ, nhiều trường quay nổi tiếng ở đây trở nên trống rỗng. Tới đầu những năm 60, với sự bùng nổ của vô tuyến truyền hình, Hôliut bắt đầu điều chỉnh chức năng và dần dần trở thành trung tâm sản xuất các chương trình truyền hình giải trí thương mại.

Ở Hôliut, ngoài các trường quay đã nói, còn có một sân vận động thể thao lớn, một rạp hát ngoài trời để biểu diễn các chương trình hòa nhạc giao hưởng vào mùa hè (bắt đầu hoạt động đều đặn từ 1922), một Nhà hát Hi Lạp và một Nhà hát Trung Quốc mà sân trước có in dấu chân và bàn tay của nhiều ngôi sao màn bạc trên nền xi măng, và tòa nhà của Câu lạc bộ Nghệ thuật California. Hôliut còn là nơi ở của hầu hết các ngôi sao nổi tiếng trong giới điện ảnh và âm nhạc. Nghĩa trang Hôliut cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của nhiều người trong số họ, như Rudolph Valentino, Douglas Fairbanks và John Gilbert...

Xưa nay chúng ta đã từng được đọc nhiều bài viết về cuộc sống xa hoa, đôi khi đến mức kì cục của các ngôi sao Hôliut. Giờ đây, chúng tôi đang đi gữa vương quốc của họ, ngang qua những biệt thự sang trọng với bể bơi rộng có điều hòa nhiệt độ. Chúng tôi không có điều kiện, mà có lẽ cũng không cần phải vào sâu tìm hiểu những gì bên trong các biệt thự đó. Nhưng mỗi cảnh, mỗi cái tên gợi nhớ một diễn viên quen thuộc mà ta đã có dịp thưởng thức nghệ thuật diễn xuất của họ. Thí dụ tấm áp phích quảng cáo “Thủy Giới” (Water world), bộ phim có chi phí lớn nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới (khoảng 160 triệu đô la) làm tôi nghĩ tới Kevin Costner, người đóng vai chính trong phim “Vệ sĩ” cùng Wheatney Houston, hoặc trong phim “Khiêu vũ với bầy sói” được giải Oscar năm nào. Mỗi năm anh tham gia đóng mấy phim, thế mà tiền công cho diễn xuất vai chính của anh trong phim “Thủy Giới” đã là 13 triệu đô la. Cho nên không khó hình dung cuộc sống và cách sinh hoạt trong đời thường của anh và những tài tử như anh.

Còn đây, tôi đang dẫm chân lên phiến đá đỏ lát hè phố ở Hôliut với cái tên in to Sharon Stone, cô đào xinh đẹp, xinh đẹp đến mê hồn và rừng rực lửa trong phim “Bản năng gốc”. Vừa rồi hãng phim Warner Brothers trả cho cô 7 triệu đô la tiền công đóng một vai “hề nhí” trong phim “Diabolique” (Quỷ quái). Đặc biệt, cô đã kí hợp đồng đóng phim kín hết cho vài ba năm trước mắt. Nghe nói những lúc “ế”, cô mới chịu đóng các vai “không thật hợp ý mình” với giá 3 hoặc 4 triệu đôla. Đến cậu bé 14 tuổi McCaulay Culkin ta được biết trong vai chính bộ phim “Ở nhà một mình” gần đây cũng nhận 8 triệu đô la ngon ơ khi tham gia đóng phim Richie Kich (Cú đá của Richie).
Đây nữa - Richard Gere, người chồng đã li dị của siêu người mẫu kiều diễm Cindy Crawford, người vừa đút túi 8 triệu đô-la cho vai Lancelot trong bộ phim lịch sử “Hiệp sĩ số một” (First Knight), dù anh có mặt trong hai bộ phim thất bại trước đó là “Quỹ Jones” và “Chỗ đường giao nhau” (đóng chung với Sharon Stone). Tiếp đến là những cái tên lừng danh quá ư quen thuộc như Elizaberh Taylor, Madona, Michael Jackson và Sinvester Stallone mà báo chí đã nói quá nhiều, đến mức không cần thiết nhắc thêm.

Những con người - ngôi sao này, dù kì cục và có thể có nhiều điều ta không tán thành, nhưng chính họ đang làm nên linh hồn của Hôliut, trong chừng mực nào đó đang chi phối thời trang và sinh hoạt của nơi này, đồng thời cũng là ma lực thu hút du khách tới đây. Dọc đại lộ Beverly và chắc cả ở nhiều nơi khác, chốc chốc bạn có thể thấy một bản sơ đồ giới thiệu vị trí và quy mô các biệt thự của họ ở Beverly Hills. Các cửa hàng bán đầy những kiểu áo, mũ, nữ trang và nhiều vật dụng khác bắt chước hệt như của họ. Từ các quầy kính, ảnh họ đang mỉm cười thân thiện với bạn, một lúc khiến bạn cảm thấy họ là những người thật xa lạ mà cũng thật gần gũi. Ít ra thì lúc này bạn đang ở cùng một nơi, hít thở chung một bầu không khí và cùng được sưởi ấm bởi ánh mặt trời dễ chịu của California những ngày cuối năm như họ...

“Hôliut là chiếc máy kì diệu, - người bạn Mĩ nói với tôi khi mọi người ngồi trên xe buýt trở về khách sạn. - Nó có thể biến bất kì ai trở thành minh tinh màn bạc được cả thế giới biết đến. - Rồi anh cười, nói thêm: - Kể cả nhà văn Thái Bá Tân của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!”
Tôi nhìn anh ngờ vực: - “Thế còn tài năng?”

“Tài năng là cái gì đấy rất trừu tượng trong làng điện ảnh. Cậu bé Culkin kia có gì khác những bạn cùng tuổi? Khi xem phim Mỹ anh có phân biệt rõ ai diễn xuất tốt hơn ai không? Ở đây, được chấp nhận đóng phim, ai cũng phải có một trình độ chuyên môn nhất định, vì vậy sự chênh lệch là rất ít và rất khó nhận thấy. Tóm lại, nếu được đặt vào bệ phóng, ai cũng có thể bay lên trời để thành sao hoặc siêu sao.

Vốn không am hiểu lắm về phim nên quả thật tôi không phân biệt được tài diễn xuất của các diễn viên danh tiếng. Có thể anh bạn tôi nói đúng, dù có thái quá chút ít. Ở New York, khi đi trên đại lộ Madison, trung tâm của các công ti quảng cáo lớn nhất thế giới, nữ nhà văn Lady Borton cũng nói với tôi điều tương tự, rằng nếu muốn những ông chủ phố này có thể biến bà hoặc tôi thành nhân vật nổi tiếng thế giới. Với bộ máy truyền thông hiện đại khổng lộ hiện nay, cái quan trọng không phải là nội dung thông tin mà chính là cách người ta khai thác và tung hô nó. Vâng, có thể như vậy, nhưng anh bạn Mỹ vui tính đã quên không nói một điều, rằng Hôliut cũng dễ dàng trở thành nấm mồ chôn vùi tuổi trẻ, ước mơ và công danh, sự nghiệp của rất nhiều người...

2
Ngay tối hôm ấy, người bạn Mỹ cùng đi nói với tôi một cách đầy ý nghĩa:

“Các bạn đã xem Hôliut vào ban ngày, tối nay tôi đưa các bạn tới đó để tìm hiểu cuộc sống ban đêm của nó. Hollywood by night! Cụ thể là chúng ta sẽ vào một tiệm nhảy thoát y”.
Thấy tôi có vẻ lưỡng lự, anh nói thêm:

“Chẳng có gì ghê gớm đâu. Vả lại, anh cũng phải tìm hiểu thêm để biết cả những mặt trái của xã hội Mỹ nữa chứ!”

Thế là tôi đi, phần vì tò mò, phần vì quả như anh bạn Mỹ nói, tôi cũng cần biết cả những điều tiêu cực của nước này, dù thực ra với người Mỹ thoát y vũ là chuyện hợp pháp bình thường và có từ bao năm nay.

Trước đấy ở Boston, New York, Washington, Chicago và San Francisco tôi cũng nhiều lần đi ngang qua các hộp đêm có thoát y vũ với đèn quảng cáo nhấp nháy đủ màu và hình các người phụ nữ khỏa thân mời chào. Thậm chí có nơi đứng trước cửa mời chào, là những cô gái bằng xương bằng thịt, miệng hút thuốc lá, và tất nhiên ăn mặc hở hang. Tôi cũng từng thấy các tiệm thoát y ở Hi Lạp, Đan Mạch, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác, nhưng quả chưa bao giờ đi sâu vào bên trong.

Tới Hôliut, thấy còn sớm, chúng tôi rẽ vào một quán Tàu, thưởng thức món gà quay và đậu phụ xào mềm trứ danh của người Hoa. Trong khi chờ được phục vụ, anh bạn Mỹ đưa tôi một tập báo dày sặc sỡ mà anh vừa bỏ 25 xu vào chiếc máy bán báo tự động mua trước đó. Đó là một trong những tờ báo quảng cáo của Hôliut với dòng phụ đề to, in mực đỏ ở trang nhất: “Chỉ dành riêng cho quý ông”. Bên ngoài là hình một cô gái hồng hào, mũm mĩm chiếm cả trang báo khổ lớn, trên người không mảnh vải, nhưng chỗ kín nhất vẫn được che bằng một bông hoa. Còn hai trang liền ở giữa là ảnh chụp khoảng hai mươi cô gái cũng trần truồng như vậy với tựa đề “Những nàng tiên hấp dẫn nhất nước Mỹ”. Không hiểu có đúng thế không và hấp dẫn về mặt nào.

Phần đầu tiên, chiếm khoảng 4 trang báo, là các quảng cáo dịch vụ “tình dục qua điện thoại” (Sex phone). Loại dịch vụ này không mới lạ và ở nhiều nước trên thế giới vẫn có, nhưng cách nó được quảng cáo ở đây quả là táo bạo, trắng trợn và không ít bẩn thỉu.

Tôi liếc đọc vài mục mà rùng mình. Trước hết ô quảng cáo nào cũng có ảnh khỏa thân của “thân chủ”, mầu hoặc đen trắng, to hoặc nhỏ tuỳ túi tiền người quảng cáo. Bên cạnh là con số ghi địa chỉ dịch vụ, thường in kèm với chữ “Rẻ, Đại rẻ, Rẻ không tin nổi!” Tức là từ 80 xu đến 2,5 đô-la mỗi phút. Tiếp đến là những dòng chữ nhỏ (có khi rất to) miêu tả bằng giọng văn mời chào của dân làng chơi, về thân hình và cả khả năng làm tình (qua điện thoại) của người quảng cáo. Hoặc về “những khoái cảm tột độ” mà khách được hứa sẽ có. Có người còn tự giới thiệu mình là đồng tính, thích bạo dâm với những lời hết sức tục tĩu, đại loại như “chân em luôn mở chờ anh 24/24”, hoặc “cái ấy của em rất đẹp”. Tất nhiên, khách phải tự hình dung ra tất cả những cái “đẹp”, “hấp dẫn” ấy, vì đây chỉ là tình dục qua điện thoại, hay có người còn gọi là tình dục ảo. Muốn sử dụng loại dịch vụ này, khách chỉ cần quay một trong vô số các số máy điện thoại được quảng cáo, cả của cá nhân lẫn của các công ty lớn đã hoạt động phát đạt trong ngành này. Khi người đằng kia nhắc máy, lập tức tiền dịch vụ sẽ được tính vào tiền điện thoại của khách với giá đã nói. Sau đó số tiền này sẽ được chuyển cho người cung cấp dịch vụ. Tuỳ yêu cầu, khách sẽ được thủ thỉ những lời êm dịu, âu yếm nhất, hoặc những lời tục tĩu và bẩn thỉu nhất.

Vậy khách hàng và những người cung cấp dịch vụ này là ai? Theo điều tra của phóng viên tờ Financial Post gần đây thì khách hàng là đấng mày râu thuộc đủ các loại: bị tật nguyền, lớn tuổi, bị bất lực về tình dục, những kẻ cô đơn chán đời và cả những thành niên mới lớn thích tò mò. Còn người cung cấp dịch vụ thường là giới nội trợ, thư ký, diễn viên hoặc ca sĩ ế khách, vũ nữ và cả không ít các cô sinh viên muốn tăng thu nhập. Họ có thể hành nghề trong các văn phòng chật hẹp hoặc tại nhà riêng, lúc đang làm việc vặt ở nhà. Chỉ cần có giọng nói dễ nghe, cộng thêm chút nghề nghiệp (chứ không cần hình thức, tuổi tác như quảng cáo), họ có thể diễn nhiều vai, từ loại gái bụi đời, nữ sinh đồng tính đến con nhà lành, hiền và đức hạnh như thiên thần.

Để tìm hiểu thêm về đối tượng của mình, anh phóng viên tờ báo nói trên đã quay một số máy ngẫu nhiên đăng trên quảng cáo. Dưới đây là đoạn viết của anh về cuộc nói chuyện đó:

“Câu nói đầu tiên qua điện thoại là lời ghi âm sẵn, nhắc người nghe về điều luật cấm những ai dưới 18 tuổi và về giá tiền: một đô-la mỗi phút (ít nhất mỗi lần gọi phải 10 đô-la). Tiếp đến là một vài lời giới thiệu nhằm “hâm nóng” khách hàng mà ai chưa quen nghe có thể toát mồ hôi. Rồi đến giọng nói êm như nhung của một phụ nữ tên là Cheri. Sau khi được biết khách hàng lần tâm tự này chỉ là một nhà báo tò mò, Cheri đáp: “Sẵn sàng đáp ứng bất kỳ chuyện gì khách muốn nghe và làm họ sướng điên lên”. ”Chị làm nghề này lâu chưa?” “Một năm nay, nhưng tôi chỉ làm khi có thời gian rảnh rỗi, vì còn phải làm việc tám giờ mỗi ngày cho văn phòng công ty "Phone Sex" trong thành phố”. Được hỏi về chuyện huấn luyện, Cheri nói: “Đây là loại công việc chủ yếu đòi hỏi khả năng cá nhân, nên vai trò huấn luyện nghề nghiệp không đáng kể”. Còn về chuyện yêu nghề thì “tôi đoán chắc là có tới 90% phụ nữ làm nghề này chẳng thích thú công việc chút nào”. Tới đây, cuộc đối thoại bị đột ngột cắt, và giọng ghi âm sẵn loan báo là nếu khách hàng chịu bấm mã số bí mật, sẽ nhận được một cuốn tạp chí tình dục miễn phí”.

Dịch vụ tình dục qua điện thoại thời gian gần đây trở thành nghề kinh doanh béo bở, thu hút nhiều công ty lớn nhỏ và vô số các cô bà muốn kiếm thêm, có thể chỉ bằng lời, mà cũng có thể cả bằng cái khác nữa, vì không ít khách sau khi nói chuyện qua điện thoại muốn được trực tiếp gặp người đẹp đằng kia đầu dây để “cụ thể hoá” những điều mình nghe. Chỉ cần hai bên đồng ý, ngả giá và hẹn gặp đâu đấy là nhu cầu được thỏa mãn. Tuy nhiên, dư luận xã hội cũng ngày càng lớn tiếng lên án loại dịch vụ gây tranh cãi này, đặc biệt từ phía các tổ chức bảo vệ nữ quyền, các hội phụ huynh, các tổ chức tôn giáo và cả một số chính khách.

Tôi lật tiếp tập báo. Suốt mấy trang sau đó là mục quảng cáo dịch vụ bạn đường (escort services). Lại những cặp đùi dài, những bộ ngực đồ sộ, những cặp môi cháy bỏng chờ đợi và những lời mời chào táo bạo. Loại quảng cáo dịch vụ này tôi từng gặp ở nhiều nước, đặc biệt tại khách sạn các nước Bắc Âu, và thường do các công ty cung cấp, với lời hứa đáp ứng mọi yêu cầu của khách về màu da, lứa tuổi, độ gầy béo và tính cách. Ở đây, ít ra trong số báo đang đọc, tôi thấy hầu hết người mời chào là cá nhân đủ mọi tầng lớp. Có thể đó là một nữ sinh viên đang kỳ nghỉ cuối năm hoặc tốt nghiệp xong chưa có việc và muốn kiếm tiền bằng cách làm bạn với du khách tới Los Angeles để giúp họ thăm thú nơi này nơi nọ, hoặc chiều ý họ trong các chuyện khác, nếu có yêu cầu. Có thể đó là những phụ nữ chuyên sống bằng nghề này và thực chất họ là những “gái gọi” (call girls) như trong các khách sạn. Còn nếu khách là phụ nữ, những phụ nữ cô đơn, yếu đuối giữa một thành phố khổng lồ sôi động, thì họ có thể tìm ở đây những người đàn ông lịch duyệt, khoẻ mạnh để làm bạn trong một thời gian dài ngắn tuỳ ý thích và túi tiền. Cả những người đồng tình luyến ái cũng không bị bỏ quên. Có vô số quảng cáo với lời đề nghị được phục vụ họ. Thậm chí nếu khách cô đơn đến mức chỉ một người phục vụ chưa đủ, thì họ có thể yêu cầu hai người một lúc. Tôi đọc trong báo thấy có đoạn ghi: “Chúng tôi là hai cô gái đẹp thường đi đôi với nhau và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách”. Trong quảng cáo không thấy nói giá cả, chắc sẽ thỏa thuận sau.

Tiếp theo là mục “Riêng tư” (Personal). Thú thật, nhiều khi tôi đọc mà không còn tin vào mắt mình. Xin nêu đây một vài thí dụ: “Tôi là một phụ nữ có chồng, đùi rắn, ngực nở và rất “máu”. Tôi thích tiền và những mối tình vụng trộm. Đề nghị giữ kín mọi chuyện. Hãy gọi cho tôi theo số máy...”. “Tôi là người đồng tình luyến ái, sẵn sàng phục vụ cả nam lẫn nữ. Xin gọi theo số...”. “Một phụ nữ goá chồng, đã có tuổi, cần một người đàn ông khoẻ mạnh. Tiền thù lao 500 đến 700 đôla mỗi tuần, tuỳ chất lượng phục vụ. Xin gọi theo số máy...” Hoặc: “Tôi là một thanh niên chưa vợ, khoẻ về tình dục, sẵn sàng nhận lời mời của các cô các bà, không phân biệt màu da, tuổi tác. Nhưng xin nói trước: Sẽ không có chuyện tiền nong! Điện thoại của tôi là...” Vân vân và vân vân.

Tôi thở dài đặt tờ báo xuống bàn, nói với anh bạn Mỹ:

“Nước Mỹ của anh kỳ thật! Tôi chẳng biết nói gì hơn nữa”.

Biết được tâm trạng tôi, anh đáp:

“Không riêng anh mà nhiều người nước ngoài, đặc biệt từ các nước châu Á, đều có nhận xét tương tự. Nhưng đó là một thực tế của nước Mỹ, được luật pháp cho phép và tồn tại nhiều năm nay. Ai không thích thì không làm theo hoặc cứ lên án. Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà nói ở Mỹ mọi cái đều được cho phép. Như anh biết, luật pháp nước Mỹ rất nghiêm và rõ ràng. Vả lại, loại báo này cũng chỉ có ở Hôliut, nếu đem vào khu trung tâm Los Angeles, giá bán sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn thế. Vì chính quyền không khuyến khích người đọc.

Còn nhiều điểm cần tranh cãi, nhưng phải thừa nhận anh đúng khi nói pháp luật Mỹ nghiêm, dù có nhiều cái làm ta khó hiểu. Cách đây không lâu, một tài tử điện ảnh nổi tiếng bị bắt và giam ở đồn cảnh sát một đêm vì tội “cư xử không đẹp mắt nơi công cộng”, do lỡ để người khác nhìn thấy cái của quý ấy của mình “chứ không phải vì tội mua dâm như một số báo của ta đưa tin. Các băng video tình dục của hệ thống “Pay Tivi” (Tivi mất tiền) đều chiếu vào lúc đêm khuya, với dòng chữ cấm trẻ em xem, và rằng các diễn viên đóng trong những phim này đều tự nguyện và trên mười tám tuổi. Còn ở công sở hoặc nơi công cộng, nếu anh có ý sàm sỡ với phụ nữ, thậm chí chỉ bằng lời nói, anh có thể bị đưa ra tòa, bị mất việc, sụp đổ công danh hoặc khuynh gia bại sản vì những món tiền “bồi thường danh dự” khổng lồ. Đơn giản do anh đã “quấy rối tình dục” người khác, là điều bị trừng phạt rất nặng ở Mỹ. Gần đây tôi có đọc ở tờ Paris Match một bài phóng sự của nữ phóng viên Marie - Gisèle Landes-Fuss về vấn đề này ở Mỹ, cụ thể là ở Los Angeles. Xin được trích một số đoạn dưới đây từ bài báo đó.

“Tháng chín vừa rồi, Tối cao Pháp viện Los Angeles xử cho cô Pam thắng kiện, và ông chủ Ngân hàng Nông nghiệp nơi cô làm việc đã phải bồi thường 200.000 đô-la vì tội “xâm phạm sức khoẻ tinh thần”, hay như cô nói, “đã có hành vi quấy rối tình dục” đối với cô. Vậy những hành vi ấy là gì? Là việc ông chủ thỉnh thoảng nhắn qua màn hình máy vi tính của cô những câu như “Tôi cần nói chuyện với cô”, hoặc “Chúng ta sẽ đi ăn nhé ?” hoặc tờ giấy kẹp trước kính ô tô: “Tối nay cô rảnh không?” Cuối cùng, cách đây sáu tháng là tội ông đã dám nói thẳng với cô: “Anh yêu em!”.

Nghe thật kì cục, đúng không các bạn, nhưng đó là sự thật. Ở Mỹ vừa có đạo luật mới qui định từ nay tiền bồi thường cho các nạn nhân bị quấy rối tình dục sẽ tăng gấp đôi, và không ít phụ nữ phát tài nhờ “kinh doanh” nghề này. Một viên cảnh sát mỉm cười mỉa mai, bảo tôi: “Phụ nữ Mỹ ngày nay đúng là những kẻ khủng bố!” Rồi anh ta chìa ra một cuốn sách có nhan đề: “Làm thế nào để đưa ra tòa người đã quấy rối bạn về tinh thần và moi được của hắn thật nhiều tiền?”

“Trên đại lộ Santa Monica (Holiut) 300 phụ nữ đang rầm rộ biểu tình phản đối hãng bia Stroth vì tội đã quảng cáo trên truyền hình cảnh năm người đẹp mặc bikini ngồi uống bia trên bãi biển. Một phụ nữ tóc đỏ ở hàng đầu gào to: “Hỡi các nhân viên của hãng Stroth, hãy lên án lũ heo giám đốc của mình! Trò quảng cáo của chúng rõ ràng là khuyến khích việc quấy rối tình dục!” “Một lần nữa chúng ta bị xem như đồ vật!” - Một bà khác dáng người to lớn nói. Trên bộ ngực đồ sộ như muốn xé toạc chiếc áo thun của bà có tấm biểu ngữ: “Tôi không chỉ có dạ con mà còn có một bộ óc!” “Lũ khốn nạn, chúng sẽ phải trả giá đắt! Chúng ta sẽ bắt chúng nôn ra một triệu đôla!” - một phụ nữ nào đó thét lên cuồng nhiệt”.

“Hôm trước, ngay ở tầng dưới ngôi nhà tôi đang ở, một bà hét toáng lên với hai nhân viên cảnh sát đang giữ chặt chồng bà, một người đàn ông lực lưỡng: “Con heo này lại bắt tôi ngủ với hắn. Đây là lần thứ ba trong tháng này! Hắn đã kéo tôi vào phòng ngủ, mặc dù tôi không muốn. Đó là trò quấy rối tình dục, nhưng không xong với tôi đâu! Ngày mai tôi sẽ tìm luật sư và đưa hắn ra tòa. Tôi sẽ lột hết khoản tiền tiết kiệm của hắn!” Bây giờ nạn nhân chính là ông chồng, với một mắt tím bầm, chỗ lông mày đang chảy máu vì vừa lĩnh nguyên một... cái bếp lò!”...

Thế đấy, nước Mĩ là thế đấy! Luật pháp cho phép người vợ được ngang nhiên quảng cáo bán dâm, nhưng cũng cho phép bà ta đưa chồng ra tòa vì tội “quấy rối tình dục” để lột hết số tiền tiết kiệm ít ỏi của ông ta.

Cuối cùng, món gà quay và đậu phụ Tàu cũng được đưa tới. Chúng tôi lặng lẽ ăn. Bên ngoài, Hôliut đã lên đèn từ lâu. Hôliut ban đêm thật đẹp, thật mờ ảo và quyến rũ với cả biển đèn mầu luôn nhấp nháy. Đâu đó tiếng nhạc xập xình vọng lại. Tôi có cảm giác như Hôliut chỉ sống động vào ban đêm, còn ban ngày chỉ là quãng thời gian buồn tẻ với những hoạt động kiếm sống của giới người nghèo.

“Nào ta đi”, anh bạn người Mĩ nói khi chúng tôi ăn xong, hất đầu chỉ về phía một hộp đêm lớn có hình một phụ nữ trần truồng bằng đèn ống đỏ rực.

“Ừ, thì đi”, tôi đáp, bước theo anh, không phải không tò mò muốn biết những gì đang diễn ra sau ngọn đèn ấy.

3
“Hôliut chỉ sống vào ban đêm”, ai đó đã nói như vậy khi chúng tôi mới từ San Fransisco tới Los Angeles.

Có lẽ đúng thế. Ban ngày Hôliut khá yên tĩnh, vắng người, thậm chí có vẻ như uể oải, ngái ngủ. Phải chăng chính vì chỉ sống vào ban đêm mới nên ở đây “Hollywood by Night” đã trở thành một thuật ngữ riêng để nói về các hoạt động giải trí vô cùng phong phú của nó. Cái đập vào mắt trước tiên là biển đèn màu rực rỡ, tạo nên một không khí vừa huyền ảo, quyến rũ, vừa dâm dật, sôi động. Chữ “sống” ở đây tất nhiên chỉ hàm ý khía cạnh ăn chơi. Đó là các nhà hàng của đủ mọi dân tộc, các rạp hát, rạp chiếu bóng, các câu lạc bộ và hộp đêm (Night Club) với những “show” thoát y vũ (striptease) khêu gợi. Tuy nhiên, ở Hôliut không có nhà chứa, ít ra là công khai. Thứ này chỉ được pháp luật cho phép hoạt động hợp pháp ở Las Vegas, tiểu bang Nevada bên cạnh.

Người Ý có câu: “Mọi con đường đều dẫn tới thành La Mã”. Ở Mỹ người ta nói: “Khách ăn chơi không thể không đến Hôliut và Las Vegas!” Las Vegas thì chưa có dịp đến, nhưng bây giờ chúng tôi đang ở Hôliut và muốn tìm hiểu cuộc sống ăn chơi của nó.

Địa điểm chúng tôi chọn là “Crazy Horse” (Ngựa điên), một trong vô số hộp đêm “bình dân” nằm ngay trên đại lộ Beverly.

Đón chúng tôi ở cửa không phải “những con ngựa điên” mà là hình cô gái khỏa thân bằng đèn mầu. Đó là một tòa nhà lớn nhiều tầng, chỉ tầng trệt dành cho các “show” thoát y, không hiểu các tầng trên được sử dụng vào mục đích gì. Tôi đọc ở tấm biển cạnh cửa ra vào: “Mở cửa từ 12 giờ trưa đến 6 giờ sáng. Cấm người dưới tuổi 18”.

Anh bạn Mỹ tới quầy mua vé. Tôi tò mò hỏi:

- Chắc phải đắt lắm nhỉ?

- Không. Đây là tiệm bình dân mà. 10 đôla vé vào cửa, trong đó có hai cốc bia hơi không mất tiền. Hôm nay tôi đãi anh!

Ở Mỹ giá một cốc bia hơi khoảng 3 đến 3 đô-la rưỡi. Vậy quả là không đắt. Trước đấy tôi đọc báo thấy nói vé vào cửa tiệm “Gold Club” (Câu lạc bộ vàng) tương tự ở Las Vegas là 15 đô-la. Ai muốn vào phòng VIP phải chi thêm 100 đô-la nữa. Còn muốn có một vũ nữ nhảy riêng cho riêng mình xem thì phải chấp nhận giá 150 đô-la mỗi giờ. Đấy là chưa kể tiền ăn uống, tiền “boa”, và cả tiền thoả thuận khi mời nàng đi đâu đó để làm nốt các công đoạn còn lại.

Để “hâm nóng” cho khách trước khi vào xem thoát y vũ, phía ngoài người ta bố trí một gian phòng nhỏ bày bán la liệt các băng hình, tranh ảnh khiêu dâm và các dụng cụ tình dục đủ loại, tất nhiên cũng theo phương thức tự chọn như ở các Sex Shop (cửa hàng tình dục) khác.

Trực phòng này là một ông già người Hoa bé nhỏ, mắt lại cận nặng và có nét mặt buồn buồn, chán đời, không hợp chút nào với quang cảnh xung quanh. Tôi nhìn mà thương cho ông già ốm yếu, tội nghiệp này, khi phải suốt ngày ngồi bên một đống những thứ quái đản có lẽ đã trở nên hoàn toàn xa lạ với ông. Đó là hàng dãy dài các giá trưng bày cái của quý ấy của đàn ông, đủ màu sắc, chất liệu và đủ cỡ, từ loại tí hon cho đến khổng lồ hoặc siêu khổng lồ. Bên cạnh là hàng tá những hình người đàn bà bằng cao su cũng đủ cỡ, đủ màu và có nước da, tóc giả trông như thật. Thường những hình người này được gói trong hộp, khách chỉ nhìn thấy tóc, mặt và “bộ phận nhạy cảm” qua lớp giấy bóng. Trên hộp ghi giá, tính năng và những lời quảng cáo của hãng sản xuất. Đại khái như: “Nàng biết rên rỉ, có độ ấm, độ rung, cảm giác như thật hoặc hơn thật. Khuyết điểm duy nhất của nàng là còn chưa biết tâm sự cùng bạn, nhưng bù lại, nàng ngoan ngoãn và đặc biệt không bao giờ vòi tiền bạn!” Giá từ 50 đến một vài trăm đô-la, tuỳ chất lượng. Người ít tiền có thể chỉ mua mỗi “cái ấy” của phụ nữ, vì các nhà sản xuất đã tính đến đối tượng này. Lạ là trong khi tôi ngượng ngùng chỉ dám đi ngang rất nhanh xem cho biết, thì người Mỹ thản nhiên vào "mua hàng”, thản nhiên sờ mó, xem xét trước sau, chọn cái này, bỏ cái kia, và cũng thản nhiên như vậy, trả tiền rồi xách “hàng” đi ra, như mua chiếc bút hay quả bóng bay vậy. Nghe nói có Sex Shop còn bán cả những chiếc máy làm tình. Tôi cố mà không hình dung nổi hình thù và cách hoạt động của các “phát minh” quái đản ấy.

Trái hẳn với ông già người Hoa hom hem ở phòng ngoài, đứng gác cạnh chiếc cửa quay dẫn vào phòng thoát y vũ là một gã hộ pháp da đen với chiếc cổ bạnh, đôi mắt vàng, lừ đừ và hơi lồi. Không chút khách khí và cũng chẳng nói lời nào, anh ta giật chiếc máy ảnh tôi đang cầm trên tay, vứt lên bàn. Tôi không hiểu, định phản đối. Nhưng nhìn dáng vẻ hung tợn pha chất kẻ cướp và nắm đấm khổng lồ của anh ta, nên không dám. Anh bạn Mỹ giải thích ở đây không được chụp ảnh.

Chúng tôi đi vào, và lập tức chìm ngập trong mớ hỗn độn những ánh đèn màu luôn nhấp nháy, trong làn khói thuốc lá mù mịt đặc biệt trong tiếng nhạc kích động, to muốn thủng màng nhĩ. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Gọi là phòng nhưng đây là cả một gian lớn rộng hàng trăm mét vuông, chia làm bốn khu, mỗi khu có một chiếc bục cao khoảng một mét, hình vuông hoặc bầu dục, rộng mươi mét vuông để các vũ nữ nhảy. Ngoài ra còn có mấy chiếc lồng sắt mạ kền trắng tinh như lồng khỉ, để họ nhào lộn, uốn éo trong ấy. Trên mỗi bục nhảy và trong mỗi lồng như vậy có một chiếc cột sắt cũng được mạ kền để vũ nữ leo trèo hoặc bám vào khi thực hiện những động tác “ngoạn mục”. Vì bốn phía tường được ốp gương nên có cảm giác phòng rất rộng, có rất nhiều người biểu diễn, khách nhìn hướng nào cũng nhìn thấy. Lúc ấy mới gần chín giờ, có lẽ chưa phải giờ cao điểm, nên khách thưa, nhiều bàn trống. Khách toàn đàn ông, vừa uống bia, rượu, vừa hau háu nhìn các cô gái loã lồ uốn éo trên bàn hoặc vừa nhảy vừa leo trèo trong lòng sắt, hệt như những chú khỉ trong chuồng thú. Cũng có bàn người ta chỉ ngồi nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng mới để mắt đến các vũ nữ.

Chúng tôi chọn một chỗ xa xa. Một cô phục vụ (ăn mặc kín đáo) bê ra hai vại bia, tỏ vẻ thất vọng khi thấy không ai gọi gì thêm. Anh bạn Mỹ nhắc tôi uống từ từ, vì ở đây cứ thấy cốc không là người ta tự động mang bia đến, tất nhiên tính tiền với giá gấp đôi, gấp ba bên ngoài. Chừng nào cốc còn bia, có thể ngồi bao lâu tuỳ thích. Tôi không biết tổng cộng có bao nhiêu vũ nữ ở đây, nhưng trung bình cứ năm cô “phục vụ” một bục nhảy. Mỗi cô ra hai lần, luân phiên nhau cho đến hết rồi chuyển sang bàn khác. Mỗi lần khoảng 5 đến 7 phút, tức là vừa hết một bản nhạc. Lần đầu bước ra còn chút ít quần áo trên người, lượn vòng, uốn éo một chốc, sao cho khi nhạc dứt thì các thứ quần áo ấy thay nhau rụng hết khỏi người. Lần thứ ba bước ra thì hoàn toàn trần truồng.

Kia, nhạc lại nổi. Một cô gái tóc vàng mũm mĩm xuất hiện từ sau bức mành vải nhung sẫm đỏ. Đây là lần nhảy thứ hai của cô. Sau khi đi một vòng quanh bàn, cố tình rung bộ ngực được độn silicôn to một cách quái dị và cặp mông đồ sộ, bằng một động tác nhanh nhẹn bất ngờ, cô ta leo tót lên chiếc cột mạ kền rồi lộn ngược, đầu tụt xuống, hai chân mở rộng, quay vòng để ai cũng nhìn thấy rõ cái cô muốn cho thấy. Có người xuýt xoa, có người vỗ tay, và quan trọng hơn cả, một số mở ví lấy ra những tờ một, năm, hoặc thậm chí mười đô la ném lên bàn, trước chỗ mình ngồi. Cô gái đi một vòng nữa, lần này chỉ dừng lại những chỗ có tiền, vừa “cảm ơn” vừa uốn éo làm trò, khoe hết những gì cần khoe với người đã cho tiền, thời gian tất nhiên tuỳ giá trị tiền cho. Không hiểu người Mỹ họ nghĩ gì, nhưng tôi, một người đã có tuổi, lại quen với một môi trường văn hoá và phong cách sống khác, tôi thấy nhiều động tác của cô ta thật tục tĩu, nếu không muốn nói có tính xúc phạm, cho cả bản thân cô lẫn người xem. Hóa ra, chỉ cần một đô-la, những cô gái trẻ trung, xinh đẹp kia của nước Mỹ (quả nhiều cô rất xinh đẹp, với thân hình tuyệt diệu) có thể phô cái cần giấu nhất của đàn bà cho bất kỳ ai xem, không phân biệt màu da, chủng tộc.

- Anh có hay tới những chỗ thế này không? - tôi thành thật hỏi người bạn Mỹ.

- Không, - anh đáp. - Hôm nay tôi đến đây là vì anh đấy.

- Những người Mỹ tử tế khác thì sao?

- Đây không thuộc khái niệm tử tế hay không tử tế, mà là sở thích cá nhân. Nhưng nói chung, trừ những trường hợp đặc biệt như tôi và anh hôm nay, những người tự trọng ít khi xem những trò này. Các chính khách nếu bị bắt gặp ở đây có thể sẽ gặp phiền toái trong con đường công danh.
Tôi nhìn quanh: quả đúng khách ở đây có vẻ không “xịn” lắm. Không người nào mặc comlê đeo cà vạt. Phần lớn là thanh niên mặc áo da, dáng anh chị. Nhiều người có vẻ dân lao động gốc Nam Mỹ và một số, ít hơn, gốc châu Á. Có thể đây chỉ là hộp đêm bình dân. Tôi để ý thấy một người đàn ông đứng tuổi có vẻ chán đời, hình như đang say, cứ luôn tay ném tiền lên bàn nhưng lạ rất thờ ơ với các vũ nữ. Thành ra bao nhiêu cố gắng của các cô kia đều cho mấy anh choai choai ngồi cạnh xem ghé.

Quay lại với cô gái tóc vàng mũm mĩm. Bằng những động tác cực kỳ khéo léo, cô ta đang dùng chân, hoặc tay nhặt những tờ giấy bạc rồi cũng khéo léo như vậy dắt vào dây cao su buộc ngang đùi. Khi cô ta nhặt hết tiền cũng là lúc bản nhạc chấm dứt. Có cô cứ để tiền ngổn ngang trên sàn, khi biểu diễn xong cả hai lần mới quay ra lấy.

Các quy định hộp đêm Mỹ nghe nói rất nghiêm. Trong bất kì trường hợp nào khách cũng không được chạm vào người vũ nữ (khoảng cách gần nhất không quá 12 cm). Chỉ ở Las Vegas, khi vũ nữ nhảy phục vụ khách tại các bàn ăn, gọi là lap dancing (nhảy lên đùi), khách mới được dắt tiền boa vào sợi dây cao su trên đùi các cô. Giám sát việc này là một tốp đông đảo các nhân viên bảo vệ, tất cả đều thuộc loại to con, dữ tướng và liên lạc với nhau bằng máy bộ đàm.

Chắc để khách đỡ đơn điệu, người ta bố trí luân phiên nhảy các vũ nữ có thân hình, màu da, độ gầy béo và “kĩ thuật” khác nhau. Có cô rất gầy, ngực không độn. Có cô đeo đủ loại vòng khuyên trên người, không chỉ ở tai, đầu vũ, rốn mà cả ở chỗ kín nhất nữa. Một cô da đen rực lửa uốn éo xong, nhìn quanh thấy ít tiền boa quá, liền đi một vòng, dừng lại trước từng người để “cảm ơn”, tức là xin tiền boa (trái với quy định chính thức của hộp đêm), nhưng nhiều người thương tình cũng cho.

Tôi nhận thấy một khách ra hiệu cho một vũ nữ khi cô nàng vừa khoác chiếc áo dài bước xuống khỏi bục nhảy. Hai người nói với nhau điều gì đó, và cô ta lại cởi áo dài ra, chỉ còn lại bộ bikini hai mảnh. Sau đó anh kia và cô ta cầm tay nhau đi vào một căn phòng nhỏ, hay nói đúng hơn một ô vuông không tường che phía trước, bên trong chỉ kê chiếc đi văng dài. Độ mươi, mười lăm phút sau họ dắt nhau ra.

- Họ làm gì trong ấy? - tôi hỏi. - Không lẽ...

- Không, không như anh nghĩ đâu, - anh bạn Mỹ đáp. - Đấy chỉ là một loại "dịch vụ bổ sung thôi”, giá 20 đô la.

Rồi anh giải thích rằng vào đấy, khách sẽ ngồi lên xa-lông (không được nằm và vẫn nguyên quần áo), cô kia sẽ nhảy lên lòng anh ta mà uốn éo, cọ xát. Nhưng cả hai không được sử dụng tay, luật quy định nghiêm ngặt như vậy, tuy họ có thể nói chuyện tục tĩu với nhau, (tình dục bằng lời như Sex Phone) cho đến khi khách thoả mãn thì thôi. Còn muốn hành động thực sự thì phải hẹn nhau đi nơi khác. Có người và phương tiện theo dõi để họ không vi phạm quy định này, vì nhỡ có gì, hộp đêm sẽ bị rút giấy phép hoạt động và phạt tiền nặng.

- Nước Mỹ các anh kỳ thật, - tôi thở dài và thốt lên lần nữa. - Vậy những các cô vũ nữ này là ai?

- Là bất kì người nào có đủ điều kiện và muốn làm nghề này. Họ có thể là gái làm tiền, sinh viên, thanh niên mới lớn thất nghiệp hay cả các bà vợ trẻ muốn có thêm thu nhập. Lúc nãy anh không thấy một đôi trai gái vào đây à? Có thể đó là anh chồng đưa vợ “đi làm”, hết giờ lại đến đón về. Đây là một nghề hợp pháp, không phải hoạt động mại dâm và được xã hội chấp nhận...

- Cả gia đình và người thân?

- Cái đó còn tùy, nhưng thường con nhà lành ít khi làm nghề này, dù kiếm được nhiều tiền.

Anh không nói cụ thể thế nào là nhiều. Nhưng một đồng nghiệp của tôi từng đi Mỹ trước đây có nói trung bình mỗi cô được hộp đêm trả khoảng 200 đôla một tối, còn tiền boa cô được hưởng trọn hoặc phải chia phần trăm cho chủ, tuỳ từng nơi.

Chúng tôi rời “Crazy Horse” vào lúc 10 giờ 45, cho kịp chuyến xe buýt trở về trung tâm Los Angeles lúc 11 giờ. Tôi cảm thấy nhẹ hẳn người khi thoát ra khỏi những âm thanh đinh tai nhức óc, những ánh đèn mờ ảo nhấp nháy và màn khói thuốc lá dầy đặc kia. Kì thực tôi cũng chẳng biết nhận xét thế nào những gì được tận mắt thấy hôm nay. Là khách ở đất người, có lẽ không nên đưa ra lời chỉ trích nào về phong tục hoặc cách sống của chủ nhà. Cái gì tốt của người khác ta tiếp thu, những cái không hợp, không tốt chỉ nên biết thế, và cứ mặc họ sống theo cách họ cho là phù hợp.
Ngoài phố, lúc này “Hollywood by night” thật thanh bình, quyến rũ.

Tác giả: Thái Bá Tân

Không có nhận xét nào: