Thứ Bảy, tháng 10 14, 2006

Có gì đâu mà rộn_William Shakespeare ( Hồi 1 )


Dịch theo nguyên bản Anh văn: MUCH ADO ABOUT NOTHING trong THE COMPLETE WORKS OF WILLIAM SHAKESPEARE do W. J. CRAIG chủ biên. Nhà xuất bản HUMPHREY MILFORD OXFORD UNIVERSITY PRESS, 1913.

TIỂU DẪNCÓ GÌ ĐÂU MÀ RỘN

Vở kịch được viết vào khoảng 1598 – 1599 và in lần đầu tiên năm 1600.

Câu chuyện về một người đàn bà trong trắng, thủy chung bị vu oan, rồi do đó mà tai họa giáng xuống đầu, tình duyên tan vỡ khá phổ biến trong văn học châu Âu thời Phục hưng. Nó xuất hiện trong tác phẩm Chàng Rôlăng giận dữ của nhà văn Ariôxtô người Italia từ đầu thế kỉ XVI, rồi sau đó được Banđêlô, cũng nhà văn Italia lấy lại dưới một hình thức khác trong truyện ngắn Timbrêô và Phênixia năm 1554.

Đề tài này được công chúng Anh thời bấy giờ rất thích thú, chứng cớ là từ năm 1565 đến năm 1591 câu chuyện của Ariôxto được dịch ra ít nhất đến bốn lần và dựng thành kịch diễn cho nữ hoàng Êlidabet xem năm 1582 (văn bản hiện không còn và không rõ ai soạn thảo). Nhà thơ Anh nổi tiếng thời Phục hưng, Etmơn Xpenxơ, cũng viết lại truyện này trong cuốn Nữ hoàng quần tiên năm 1590.

Không biết Sêchxpia đã trực tiếp lấy nguồn từ đâu, nhưng về mặt chi tiết thì vở kịch của ông gần gũi nhất với truyện ngắn của Banđêlô, mà nhà soạn kịch Anh đã đọc qua nguyên văn tiếng Italia hoặc qua bản dịch ra tiếng Pháp của Belơphorext (1582).

Có điều chắc chắn là, cũng như trong nhiều trường hợp khác, Sếchxpia đã nhào nặn các chất liệu có trong tay, biến những câu chuyện u ám đến từ đất Italia thành một vở hài kịch tươi vui, tràn đầy sức sống lạc quan. Chúng ta biết rằng, trong sáng tác của mình, Sếchxpia còn trở lại đề tài này trong vở Ôtenlô nổi tiếng. Nhưng Ôtenlô thuộc thể loại bi kịch, tức thuộc giai đoạn của những đổ vỡ to lớn trong tâm hồn của người nghệ sĩ khi va chạm phải những xung đột gay gắt, không giải quyết được của thực tại xã hội. Trong những năm viết Có gì đâu mà rộn, nhà nghệ sĩ Sếchxpia đang có một cái nhìn khác, tươi tắn hơn, về cuộc đời.

Câu chuyện trung tâm của vở kịch xoay quanh cuộc tình duyện giữa Claođiô, chàng quý tộc trẻ tuổi ở Phlôrăngxơ và nàng Hirô, congái của thống đốc xứ Mexina, Lêônatô. Đôi trai tài gái sắc đến ngày hạnh phúc thì phong ba bỗng nổi dậy: do ghen ghét và tự ái, tên Đôn Jon bày mưu vu cáo nàng Hirô, cố làm cho vị hôn phu thấy rằng vị hôn thê là một người đàn bà dối trá, bội bạc, đêm đêm vẫn thầm lén tiếp một người khách lạ. Claođiô giận dữ xỉ vả Hirô trước mặt mọi người và tuyên bố cắt đứt cuộc tình duyên. Người con gái đức hạnh bị vu oan chết ngất giữa ngày vui. Nhưng do một sự tình cờ, cái âm mưu xấu xa kia bị phát giác. Đôn Jon chạy trốn; Claođiô hối hận vì sai lầm của mình, đồng ý lấy một cô cháu gái của Lêônatô để chuộc tội. Nhưng đó lại chính là nàng Hirô! (Ngwời ta giả làm như Hirô đã chết để tránh tiếng nhục, nhưng nàng sống lại với yêu khi thanh danh trở lại. Tòan là chuyện vớ vẩn mà đang vui hóa buồn, hạnh phúc thành đau thương, rồi cũng vì ngẫu nhiên mà buồn thành vui, tang tóc chuyển thành hoan lạc, đúng là “ầm ĩ vì chuyện không đâu”, “có gì đâu mà rộn”!

Nhưng những nhân vật thuộc tuyến chính này của vở kịch đều nhợt nhạt. Đôn Jon kẻ gieo họa ở đây, còn lâu mới sánh được Lagô trong Ôtenlô về chiều sâu tính cách, về bản lĩnh trong hành động. Hắn như con rắn, phun nọc độc, rồi biến mất nhưng người ta không hiểu thật rõ vì sao. Còn nàng Hirô thì đúng là con gái nhà lành, đoan chính, nhu mì, nhưng bất lực, yếu đuối, không có sức mạnh trong tâm hồn như người đồng cảnh là Đexđêmôna. Những nhân vật khác liên quan đến câu chuyên trung tâm này như Lêônatô, Aniôniô, em của Lêônatô, Đôn Pêđrô, ông hoàng xứ Erơgôn, được khắc họa rõ ràng hơn, có tính cách đậm nét hơn, nhưng tất cả bọn họ không tạo ra bản sắc hài hước của vở kịch.

Có gì đâu mà rộn có thể được dùng để làm dẫn chứng cho trường hợp cốt truyện, đề tài không làm nên cái hứng thú cơ bản của một tác phẩm nghệ thuật. Cũng như trong một số vở kịch khác của Sếchxpia, ở đây, mấy nhân vật phụ nhảy lên hàng đầu và chiếm ngay được sự quan tâm chú ý của người đọc và người xem.

Xét về mặt vị trí trong vở kịch, các nhân vật Biniđich và Biơtrix cơ nhiệm vụ làm tôn lên các hình tượng mang màu sắc lãng mạn thuộc tuyến trung tâm là Claođiô và Hirô. Nhưng chính hình tượng của họ lại tỏ ra sắc sảo hơn, sinh động, hơn, điều này khiến cho họ trở thành nhân vật không chỉ của tuyến hài hước trong vở kịch, mà gắn bó với ý nghĩa có sức vang động của tòan bộ tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà họ có mặt từ cảnh đầu tiên đến cảnh cuối cùng của vở kịch. Vận mệnh của họ cũng được giải quyết song song với số phận trớ trêu của các nhân vật trung tâm. Nhưng nếu Claođiô và Hirô là nhân vật của một hài kịch tình huống thì họ là nhân vật đích thực của một hài kịch tính cách: mâu thuẫn giữa họ nảy sinh từ tính cách của họ, họ không là nạn nhân hay anh hùng của một hoàn cảnh khách quan hay xung đột xã hội nào cả.

Biniđich và Biơtrix thuộc loại nhân vật hài hước xuất sắc nhất mà Sếchxpia đã sáng tạo ra. Họ có cá tính rất rõ nét: thông minh, sắc cạnh, hay châm biếm, tự cho mình cao hơn những người xung quanh, ít nhất cũng trong một chuyện – tình yêu. Chàng Biniđich thề nguyền sẽ chết như một gã trai tân, còn nàng Biơtrix thì quyết không hạ mình xuống là kẻ nô lệ tình cảm cho bất cứ gã đàn ông nào. Nét tính cách độc đáo, có phần bất bình thường này khiến cho họ khác biệt với những người xung quanh. Nhưng đó cũng chính là khởi điểm để họ gần gũi nhau: họ thầm phục nhau, mặc dầu vẫn gay gắt với nhau trong sự đối địch bên ngoài.

Đôi trai gái sinh ra để yêu nhau này phải trải qua một thời kì mâu thuẫn, công kích lẫn nhau. Trí tuệ tinh vi, minh mẫn của họ bay ra thành những lời nói sắc cạnh như tên bắn, lộ ra qua những hành động tỉnh táo, kịp thời, rất đúng chỗ. Họ như đua tài với nhau trong cái trò chơi của trí thông minh này, và cái hài của vở kịch chứa chấp khá nhiều trong những lời đối đáp của họ, trong thái độ của họ đối với nhau.

Trí tuệ sắc sảo của họ có làm cho chúng ta vui, đôi khi bật lên thành tiếng cười sảng khoái, nhưng chưa làm cho chúng ta yêu họ. Mối thiện cảm đối với họ chỉ nẩy ra ở trong ta khi ta thấy bản chất tâm hồn của họ: những con người cao thượng dũng cảm vị tha, biết xót xa vì nỗi bất hạnh của người khác... Cái hài hước đạt đến đỉnh cảm – mà cũng là đỉnh cao của thiện cảm chúng ta- khi những nhân vật vốn thù ghét tình yêu này lại rơi vào cạm bẫy của chính tình yêu! Một mình trí tuệ không đủ làm cho họ hạnh phúc, họ chỉ thực sự sung sướng khi nghe trái tim mình thổn thức. Họ đâu có nhận ra rằng họ đang là đối tượng lừa dối trong một trò đùa của những người xung quanh: tưởng rằng người kia đang đau khổ vì mình, họ đâm ra thương cảm, xúc động, và từ đấy đi đến tình yêu chỉ là một bước nhỏ, hai người vốn đã mến phục nhau về tài, về trí xưa nay. Họ thông minh, tỉnh táo ở đâu, chứ trong truyện này thì họ cũng mê mẩn tâm thần như bất cứ người nào khác! Tình cảm tự nhiên trong con người đã thắng lợi, chủ nghĩa nhân vặt thời Phục hưng lại một lần nữa cất tiếng nói dõng dạc, tự tin trong sáng tác của nhà thơ Anh vĩ đại. Ở đây cúng lại là chuyện đùa hóa thật, bỡn cợt thành nghiêm trang, và số phận của Biniđich và Biơtrix hình như được quyết định bằng những việc tình cờ trong cuộc sống. Tuy vậy, như trên kia đã nói, sự gần gũi giữa hai nhân vật này bắt nguồn sâu sắc từ sự đồng dạng về tính cách của họ. Tình cảm chân thành bổ sung cho trí tuệ cứng lạnh ban đầu đã biến họ thành những nhân vật người hơn, ấm áp hơn đáng yêu hơn. Về mặt ý nghĩa, cuộc tình duyên của họ thực sự đứng ở trung tâm của vở kịch. Không phải không có lí do khi mà ngay từ thuở sinh thời của Sếchxpia, vở kịch đã từng được biểu diễn ở cung đình Luân đôn dưới cái nhan đề Biniđich và Biơtrix, và sau này, trong việc dàn dựng Có gì đâu mà rộn, nhiều nhà đạo diễn đã cố tình thu bớt các tình tiết thuộc tuyến chính Claođiô – Hirô.

Nếu như Binđich và Biơtrix là những nhân vật của hài kịch cao cấp, thì cái hài hước có màu sắc hề kịch lại gắn liền với những nhân vật bình dân hơn, mấy viên chức nhỏ và mấy người gác đêm. Họ có nhiều tật xấu ngây ngô, nên hóa ra buồn cười. Sếchxpia đã lấy những nhân vật này từ thực tế cuộc sống nước Anh thời ấy để đưa vào một cốt truyện gốc gác từ Italia. Nổi bật lên ở đây là gã Dogberi, dốt nát, ngu xuẩn, nhưng lại làm ra vẻ quan trọng thích nói chữ, tuôn ra hàng tràng những danh từ chuyên môn mà gã không hiểu nên lẫn lộn lung tung. Gã ích kỉ, thiển cận, ngu si đến độc ác. Biết trước hết về cái mưu mô bần tiện của Đôn Jon nhằm vu cáo nàng Hirô, gã không làm gì hết để cứu vớt cô gái, mà lại cứ nằng nặc đòi ghi vào biên bản hỏi cung việc kẻ bị bắt gọi là “con lừa”! Thế nhưng – đúng là một điều phi lí nực cười, chính sự ngu xuẩn của gã lại đưa đến chỗ minh oan được cho cô gái vô tội. Điều mà bao nhiêu người thông minh sắc sảo xung quanh Hirô không làm nổi, nhưng nhân vật tầm thường, thấp kém này lại làm được. Do tình cờ mà mấy người gác đêm phát giác ra được âm mưu và những kẻ tội phạm. Họ tích cực góp phần vào v iệc làm cho ánh sáng của chân lí cuối cùng phải bừng lên. Chính họ là những “anh hùng” thực sự của vở kịch. Lại chuyện ngẫu nhiên mà có ý nghĩa trọng đại trong cuộc đời, hay là tư tưởng nhân dân của Sếchxpia, trong vở kịch này lại giành một thắng lợi mới?

NHÂN VẬT

ĐÔN PÊĐRÔ Hoàng tử xứ Erơgôn.
ĐÔN JON Em trai, con ngoài hôn thú của bố Đôn Pêđrô
CLAOĐIÔ Quý tộc trẻ miền Florenx.
BINĐICH Quý tộc trẻ miền Pađua
LÊÔNATÔ Thống đốc thành phố Mexina
ANTÔNIÔ Em trai Lêônatô.
BALTHAZA Người hầu của Đôn Pêđrô
BÔRAKIƠ Đi theo Đôn Jon
CONREĐ Đi theo Đôn Jon
ĐÔGBERI Cảnh sát trưởng
VƠJ Phó cảnh sát trưởng
(1)
MỤC SƯ FRANXIX
Một thư kí
(2)
Một tiểu đồng
HIRÔ Con gái Lêônatô
BIƠTRIX Cháu gái Lêônatô
MAGƠRIT Thị nữ của Hirô
ƠXULƠ Thị nữ của Hirô
Sứ giả, gác đêm và người hầu các loại
Địa điểm: Thành phố Mexina


HỒI MỘT

CẢNH 1

Trước của nhà LêônatôLêônatô, Hêrô, Biơtrix và nhiều người khác ra cùng với một sứ giả.

LÊÔNATÔ – Theo thư này, ta được biết Hoàng tử Đôn Pêđrô xứ Erơgơn sẽ tới Mexina đêm nay.

SỨ GIẢ – Giờ này, hoàng tử đã đến rất gần rồi. Khi tiện nhân cáo từ Hoàng tử thì người chỉ còn cách đây không đầy ba dặm.

LÊÔNATÔ – Trong trận này, các ngươi mất bao nhiêu dũng sĩ?

SỨ GIẢ – Nói chung, cũng ít thôi và không có ai thuộc loại nổi danh.

LÊÔNATÔ – Chiến thắng càng thêm hiển hách gấp đôi khi người lập nên công trạng thu quân về toàn vẹn. Ta thấy trong thư này nói Đôn Pêđrô trọng thưởng rất cao một tráng sĩ miền Florenx tên gọi Claođiô.

SỨ GIẢ – Chàng rất xứng đáng được như vậy và Đôn Pêđrô ghi công thế cũng rất phải. Chàng đã hành động vượt trên tầm hứa hẹn của tuổi đời mình, dáng dấp như cừu non mà làm nên chiến tích của mãnh hổ. Quả thực chàng đã lập công tốt đẹp hơn là người ta chờ đợi, đến nỗi kẻ hèn này không biết kể lại với ngài như thế nào cho vừa.

LÊÔNATÔ – Chàng có một người chú ở thành phố Mexina này, hẳn ông ta rất sung sướng về chuyện đó.

SỨ GIẢ – Tiện nhân đã đưa thư từ đến cho ông, và ông tỏ ra rất vui mừng. Thậm chí, niềm vui đó có thể thành thiếu khiêm tốn nếu không điểm chút ngậm ngùi.

LÊÔNATÔ – Ông ta có òa lên khóc không?

SỨ GIẢ – Rất nhiều ạ.

LÊÔNATÔ – Đáng yêu sao, nỗi lòng chan chứa mến thương ấy! Không có diện mạo nào chân thật hơn những bộ mặt được rửa bằng nước mắt như vậy. Khóc khi vui sướng, điều đó biết bao lần đẹp đẽ hơn là mừng, vui trước cảnh sầu khóc.

BIƠTRIX – Xin cho biết công tử Huênh Hoang
(1) có từ chiến trận trở về hay không?

SỨ GIẢ – Thư tiểu thư, tôi không được biết người nào tên là thế. Trong mọi binh chủng không hề có ai mang tên đó.

LÊÔNATÔ – Cháu định hỏi ai vậy?

HIRÔ – Em con muốn nói công tử Biơtrix vùng Pađua đấy ạ.

SỨ GIẢ – A! Chàng có trở về đấy và vẫn vui tính như bao giờ.

BIƠTRIX – Anh ta trương bảng Mexina này, thách thần Ái tình
(1) đầu cung. Và anh hề của bác tôi nhân đọc bảng, bèn thay mặt thần Ái tình thách lại anh ta dùng tên nỏ bắn chim. Xin sứ giả cho biết trong các trận chiến đấu này, anh ta đã giết và ăn thịt bao nhiêu người? Mà thôi, anh ta đã giết bao nhiêu mạng? Bởi vì, nói thực tình, tôi đã hứa sẽ ăn tất cả những gì anh ta giết được.

LÊÔNATÔ – Quả thật, cháu quá nặng lời với công tử Biơtrix đấy. Nhưng rồi chàng ta sẽ giáp mặt cháu cho mà xem, bác tin chắc thế.

SỨ GIẢ – Chàng đã phục vụ tốt trong các đợt chiến trận này, thưa tiểu thư.

BIƠTRIX – Các ông có lương thực mốc meo và anh ta đã giúp vào việc đánh chén số lương thực ấy chứ gì. Anh ta là một thực khách rất quả cảm. Anh ta có cái dạ dày tuyệt hảo.

SỨ GIẢ – Đồng thời cũng là một chiến binh cừ nữa, thưa tiểu thư.

BIƠTRIX – Một chiến binh cừ so với đàn bà. Nhưng so với một đấng trượng phu thì anh ta là cái gì?

SỨ GIẢ – Một đấng trượng phu so với một đấng trượng phu, một trang nam tử so với một trang nam tử. Đầy mọi đức tính cao quý
(2)

BIƠTRIX – Quả đúng như vậy. Anh ta là một người được nhồi đầy, không hơn không kém. Có điều là vật liệu dùng để nhồi... ờ, mà chúng ta đều là người trần cả thôi.

LÊÔNATÔ – Sứ giả, người chớ nên hiểu lầm cháu gái ta. Giữa công tử Biniđich và nó, có một thứ chiến tranh vui nhộn. Hai bên không bao giờ gặp nhau mà không xảy ra một cuộc đấu trí.

BIƠTRIX – Hỡi ôi! Anh ta chẳng sơ múi gì ở đó cả. Trong cuộc đụng độ gần đây anh ta có năm lính gác
(1) thì bị đánh què mất bốn, và bây giờ tòan bộ con người anh ta chỉ còn một linh giác chi phối! Cho nên nếu anh ta có đủ linh giác đặng sưởi ấm bản thân, thì cứ để anh ta đeo đẳng lấy nó cho khỏi giống với con ngựa mình cuỡi. Bởi vì đó là tất cả của cải còn sót lại nơi anh ta, để được coi là một sinh vật có lí trí. Hiện giờ anh bạn ta là ai? Chả là mỗi tháng anh ta lại có một người anh em kết nghĩa mà.

SỨ GIẢ – Có thể nào lại thế?

BIƠTRIX – Rất dễ có thể như vậy. Tín nghĩa nơi anh ta cũng như kiểu mũ đội đầu: thoắt cái đã đổi thay.

SỨ GIẢ – Thưa tiểu thư, tôi thấy bậc vương tôn công tử ấy không nằm trong kinh sử của tiểu thư.

BIƠTRIX – Đúng vậy. Và nếu có thì thà tôi đốt quách sách vở bút nghiên đi còn hơn. Nhưng xin sứ giả hãy cho biết hiện ai là bạn của anh ta? Chẳng lẽ không có chàng trai trẻ ba hoa khoác lác nào đồng hành với anh ta tới chốn ma vương quỷ sứ hay sao?

SỨ GIẢ – Chàng thường hay bầu bạn nhất với Claođiô cao quý chính trực.

BIƠTRIX – Ôi, lạy Chúa! Anh ta sẽ bám lấy chàng như trùng bệnh mất thôi: mắc phải anh ta còn nhanh hơn mắc dịch và kẻ bị nhiễm sẽ lập tức hóa dại. Cầu Chúa giúp chàng Claođiô cao quý! Nếu chàng mắc bệnh Biniđich, thì sẽ phải tốn nghìn bạc mới mong cứu chữa nổi.

SỨ GIẢ – Thưa tiểu thư, tôi muốn được kết bạn với tiểu thư.

BIƠTRIX – Xin mời bạn.

LÊÔNATÔ – Thế thì cháu sẽ không bao giờ hóa dại, cháu gái của ta ạ.

BIƠTRIX – Vâng, trừ phi đến tháng giêng nóng nực.

SỨ GIẢ – Đôn Pêđrô đã đến.

Đôn Pêđrô, Đôn Jon, Claođiô, Biniđich và một số người khác ra.

ĐÔN PÊĐRÔ – Hảo tôn ông Lêônatô, ngài đang rước lấy phiền hà đó. Thói thường, thế gian này, người ta tránh sự tốn kém, còn ngài lại chuốc lấy nó.

LÊÔNATÔ – Chẳng bao giờ sự phiền hà lại tới tệ xá dưới dáng hình của điện hạ, bởi lẽ một khi phiền hà đi khỏi, yên vui tất sẽ trở lại. Đằng này, khi nào điện hạ giã biệt tôi, sầu bi sẽ lưu trú và hoan lạc sẽ ra đi.

ĐÔN PÊĐRÔ – Ngài gánh lấy trách nhiệm một cách quá ư vui vẻ và tự nguyện (Chỉ Hirô) – hình như đây là lệnh ái thì phải.

LÊÔNATÔ – Mẹ nó đã nhiều lần bảo tôi thế.

BINIĐICH – Thưa đại nhân, phải chăng ngài đã ngờ vực điều đó đến nỗi phải hỏi lại phu nhân?

LÊÔNATÔ – Không, công tử Biniđich ạ. Bởi vì hồi đó, cậu mới là một đứa con nít.

ĐÔN PÊĐRÔ – Biniđich, người được câu trả lời thật đích đáng nhé. Qua đó, bọn ta có thể đoán ra tính cách ngươi lúc trưởng thành như hiện giờ. Quả thật, tiểu thư đúng là dòng dõi con nhà. Thưa tiểu thư, hãy sung sướng vì nàng giống hệt người cha đáng tôn kính của mình.

BINIĐICH – Đành rằng đại nhân Lêônatô là cha nàng, nhưng ví bằng có giống cha đến thế, hẳn nàng cũng chẳng muốn mang đầu ông trên vai mình, cho dù có được cả thành Mexina để bù lại.

BIƠTRIX – Ông Biniđich, tôi không hiểu tại sao ông vẫn cứ nói hoài. Có ai để ý đến ông đâu.

BINIĐICH – Ồ! Tiểu thư Kiêu kì thân mến, côn vẫn còn sống đây ư?

BIƠTRIX – Có lẽ nào Kiêu kì lại chết khi mà nó có sẵn thức ăn như ông Biniđich để tự nuôi dưỡng mình? Ngay cả tính xã giao nếu thấy ông xuất hiện, ắt cũng phải biến thành kiêu kì.

BINIĐICH – Thế thì tính xã giao là một tên phản phúc. Nhưng chắc chắn rằng tôi được tất cả các bậc tiểu thư yêu mến, trừ cô ra. Và tôi ước gì trong lòng mình không có một trái tim sắt đá. Bởi vì, nói thật tình, tôi chẳng yêu ai cả.

BIƠTRIX – Thật hạnh phúc lớn cho phụ nữ. Nếu không, họ sẽ bị rẩy rà với một kẻ cầu hôn tệ hại. Cảm ơn Chúa và cái máu hàn của tôi, về mặt này tôi cũng giống tính ông: tôi thà nghe con chó của tôi sủa quạ còn hơn nghe một người đàn ông thề thốt yêu đương với mình.

BINIĐICH – Cầu Chúa giữ sao cho tiểu thư trước sau vẫn một ý ấy. Như vậy sẽ tránh cho một trang nam tử nào đó cái sổ tiền định là bị cào toạc mặt.

BIƠTRIX – Nếu đó là một bộ mặt giống như mặt ông thì có bị cào cũng chẳng thể xấu đi hơn.

BINIĐICH – Chà, cô quả là một người dạy vẹt hiếm có.

BIƠTRIX – Một con chim nói giọng tôi còn hơn một con thú nói giọng ông.

BINIĐICH – Ước gì con ngựa của tôi phóng nhanh và dẻo dai như lưỡi cô. Nhưng mà, nhân danh Chúa, xin cô cứ tiếp tục múa lưỡi. Tôi xin hết lời.

BIƠTRIX – Bao giờ ông cũng kết thúc bằng ngón ngựa đá hậu. Tôi biết tong ông rồi.

ĐÔN PÊĐRÔ – Ngài Lêônatô, tóm lại là thế này: Claođiô và Biniđich này, ông bạn Lêônatô thân mến của ta đã mời tất cả các người. Ta nói với ông là chúng ta sẽ ở lại đây ít nhất một tháng và ông nhiệt thành mong có cơ hội lưu chân chúng ta lâu hơn nữa. Ta dám thề rằng ông không hề giả dối, mà mời tự đáy lòng.

LÊÔNATÔ – Thưa điện hạ, nếu thề vậy, điện hạ sẽ không lo mang tiếng là thề cá trê chui ống (Với Đôn Jon) – Cho phép tôi được chúc mừng các hạ nhân việc hòa giải với lệnh huynh. Tôi xin dành tất cả niềm kính trọng cho các hạ.

ĐÔN JON – Cảm ơn ngài. Tôi vốn không nhiều lời, nhưng tôi xin đa tạ ngài.

LÊÔNATÔ – Xin mời điện hạ đi trước.

ĐÔN PÊĐRÔ – Ngài Lêônatô, xin đưa tay cho tôi. Chúng ta cùng đi.

Tất cả cùng vào, trừ Biniđich và Claođiô.

CLAOĐIÔ – Biniđich, cậu có để ý con gái Lêônatô tiên sinh không?

BINIĐICH – Tôi không để ý cô ta, nhưng tôi có nhìn cô ta.

CLAOĐIÔ – Rõ là một tiểu thư thùy mị phải không?

BINIĐICH – Bạn lấy tư cách một người trung thực hỏi tôi để biết nhận định chân thành giản dị của tôi, hay bạn muốn tôi nói theo thói quen của tôi với tư cách là một kẻ chuyên đành hanh với nữ giới?

CLAOĐIÔ – Không, mình đề nghị cậu nhận định cho đúng mức.

BINIĐICH – A, nói thật tình, tôi nghĩ cô ta quá thấp đối với một lời ca ngợi cao siêu, quá ủ ê đối với một lời ca ngợi tươi sáng, quá nhỏ bé đối với một lời ca ngợi lớn. Tôi chỉ có thể khen cô ta một điều này, nếu cô khác đi thì ắt là không xinh, và vì cô không khác đi mà chỉ giống như mình, nên tôi không thích.

CLAOĐIÔ – Cậu tưởng mình đùa chắc. Mình xin cậu hãy nói cho mình hay, thực tình, cậu thấy nàng thế nào.

BINIĐICH – Bạn muốn mua cô ta hay sao mà điều tra kĩ thế?

CLAOĐIÔ – Chẳng lẽ thế gian này lại có thể mua được thứ châu ngọc quý giá như thế sao?

BINIĐICH – Được chứ, và cả hộp đựng nữa. Nhưng bạn nói vậy với vầng trán u sầu hay là bạn đóng vai chàng Jếch – ba – lơn với chúng tôi rằng thần Ái tình là tay phát hiện thỏ rừng cừ khôi và Vơlken là một bác phó mộc hiếm có
(1)? Nào, phải lấy giọng ra sao mới hòa được vào bản tình ca của bạn đây?

CLAOĐIÔ – Dưới mắt mình, nàng là tiểu thư dịu dàng nhất mà mình từng thấy.

BINIĐICH – Mắt tôi không cần đeo kính vẫn tinh tường, ấy thế mà tôi chẳng hề thấy như bạn. Em họ cô ta, nếu không thần nanh đỏ mỏ, thì còn đẹp hơn cô ta nhiều ví như ngày đầu tháng năm, so với ngày cuối tháng chạp vậy. Nhưng tôi hi vọng bạn không có ý đồ muốn trở thành đức lang quân đấy chứ?

CLAOĐIÔ – Tuy mình đã thề không làm thế, nhưng nếu Hirô ưng làm vợ mình, thì mình chưa dám chắc lắm.

BINIĐICH – Thật quả đã đến nước ấy rồi ư? Chẳng lẽ thế gian này không còn lấy một người đàn ông nào vững tâm đội mũ mà không thắc thỏm nữa sao
(1). Dễ thường mình sẽ chẳng bao giờ được thấy một gã độc thân sáu mươi tuổi nữa sao? Thôi, cứ việc: nếu cậu cần chui cố vào ách, thì hãy mang lấy dấu hằn của cái ách và ru rú xó nhà, thở ngắn than dài tiếc những ngày chủ nhật trôi qua. Kìa! Đôn Pêđrô đang quay lại tìm cậu đấy.

Đôn Pêđrô trở ra.

ĐÔN PÊĐRÔ – Có điều gì bí mật giữ chân các ngươi ở đây, khiến các ngươi không đi theo Lêônatô vậy?

BINIĐICH – Tôi những muốn điện hạ cưỡng bức tôi phải nói ra.

ĐÔN PÊĐRÔ – Ta ra lệnh cho ngươi phải phục tòng.

BINIĐICH – Anh nghe đây, bá tước Claođiô. Tôi có thể giữ bí mật như một người câm. Xin anh hãy tin thế. Nhưng vì sự phục tòng, xin anh chú ý điều đó, đây là vì sự phục tòng mà tôi phải nói. Thưa, anh ta đang yêu. Yêu ai? Điện hạ sẽ hỏi thế. Xin chú ý câu trả lời của anh ta ngắn ngủn biết mấy: yêu Hirô, cô con gái ngắn ngủn của Lêônatô.

CLAOĐIÔ – Nếu đúng thế, thì cứ phát biểu thế.

BINIĐICH – Y như trong câu chuyện cổ tích: “Không phải thế, mà trước kia cũng chẳng phải thế. Nhưng quả tình, cầu Chúa đừng để cho như thế”
(2) .

CLAOĐIÔ – Nếu tình tôi không sớm đổi thay thì xin Chúa cứ cho được nguyên như thế.

ĐÔN PÊĐRÔ – Amen, cầu cho như vậy, nếu ngươi yêu nàng. Vì nàng rất xứng đáng được như vậy.

CLAOĐIÔ – Điện hạ nói vậy là để nhử tôi.

ĐÔN PÊĐRÔ – Với lòng chân thành, ta nghĩ sao nói vậy.

CLAOĐIÔ – Và với lòng trung thực, thưa điện hạ, tôi cũng đã nói lên ý nghĩ của mình.

BINIĐICH – Và với cả sự chân thành và trung thực của tôi, nhân đôi lên, thưa điện hạ, tôi cũng thế.

CLAOĐIÔ – Xin thưa rằng tôi cảm thấy yêu nàng.

ĐÔN PÊĐRÔ – Xin nói rằng ta biết nàng thật xứng đáng.

BINIĐICH – Xin thưa rằng tôi không hề cảm thấy làm sao lại nên yêu cô ta, cũng chẳng biết làm sao cô ta lại xứng đáng được thế. Và đó là ý kiến chôn chặt trong tôi, lửa nung cũng chẳng chảy. Dù chết trên dàn hỏa thiêu, tôi vẫn một mực nghĩ thế.

ĐÔN PÊĐRÔ – Người bao giờ cũng là một kẻ tà giáo ngoan cố chống cái đẹp.

CLAOĐIÔ – Và chẳng bao giờ giữ nổi vai trò của mình mà không giở thói ương ngạnh.

BINIĐICH – Đành rằng một người đàn bà đã hoài thai ra tôi, tôi xin đội ơn bà. Đành rằng bà đã nuôi nấng dạy dỗ tôi, tôi cũng lại xin bái lạy quỵ quỳ tạ ơn bà. Nhưng đến cái nước phải chịu để tiếng huýt gió gọi chó săn xói vào giữa trán, hoặc đeo lủng lẳng tù và vào một chiếc đai lưng vô hình, thì xin tất cả các bà các cô thứ lỗi cho tôi
(1). Bởi lẽ tôi không muốn xúc phạm các bà các cô bằng sự nghi ngờ, nên tôi sẽ tự cho mình cái quyền không tin ai trong bọn họ. Và cuối cùng – bởi cuối cùng nên hoàn tất hơn(1) – tôi vẫn cứ sống độc thân.

ĐÔN PÊĐRÔ – Từ giờ đến lúc chết, thế nào ta cũng có dịp được thấy ngươi mặt xanh nanh vàng vì yêu cho mà xem.

BINIĐICH – Vì giận giữ, vì ốm đau hay vì đói thì có thể, thưa điện hạ. Nhưng không thể vì yêu. Nếu có bao giờ điện hạ đủ bằng chứng rằng tôi hao tổn khí huyết vì yêu đương đến mức uống rượu cũng không bù lại được, thì xin hãy lấy ngòi bút của một tên làm tình ca chọc lòi mắt tôi ra và đem treo tôi lên cửa một nhà chứa làm biểu tượng cho thần Ái tình mù lòa.

ĐÔN PÊĐRÔ – Được, nếu ngươi thất tín, ngươi sẽ bị bêu danh làm gương cho thiên hạ đó.

BINIĐICH – Nếu vậy, xin hãy treo tôi trong rọ mây như một con mèo làm mục tiêu tập bắn. Và hãy vỗ vào vai kẻ nào bắn trúng mà gọi hắn là Ađam
(2)

ĐÔN PÊĐRÔ – Ờ, để rồi xem:

“Rồi cũng đến lúc chú bò rừng đeo ách”
(3)

BINIĐICH – Chú bò rừng thì có thể thế. Nhưng nếu gã Biniđich có tri giác cũng mang ách thì xin hãy bẻ sừng bò mà cắn lên trán tôi và hãy cho vẽ hình tôi thật gớm ghiếc rồi để ở phía dưới bằng chữ lớn “Tại đây, các bạn có thể thấy Biniđich, anh chàng có vợ, nhưng người ta vẫn thường viết: “Ở đây có ngựa tốt cho thuê” vậy.

CLAOĐIÔ – Nếu điều đó xảy ra, cậu sẽ thành một gã điên có sừng.

ĐÔN PÊĐRÔ – Này, nếu thần Ái tình không tiêu thụ hết bó tên ở Vơnizơ thì chắc ít nữa, ngươi sẽ bị động tim đấy.

BINIĐICH – Tôi chờ đợi khi đó sẽ động đất luôn thể.

ĐÔN PÊĐRÔ – Ờ, rồi người sẽ đầu hàng đúng lúc chứ gì. Trong lúc chờ đợi, công tử Biniđich, ngươi hãy trở lại nhà leto: hãy thay mặt ta nói với ông rằng ta sẽ không sai hẹn dự bữa ăn tối với ông đâu. Bởi vì, quả là ông ta đã chuẩn bị linh đình lắm.

BINIĐICH – Tôi có gần đủ tư cách làm nhiệm vụ sứ thần ấy. Vậy tôi xin phó thác chư vị cho...

CLAOĐIÔ – ... Sự che chở của Chúa. Viết tại nhà tôi (nếu tôi có nhà cửa tử tế)....

ĐÔN PÊĐRÔ – Ngày mồng sáu tháng bảy. Thân yêu, Biniđich
(1)

BINIĐICH – Này, đừng có giễu, đừng có giễu. Cái thân bài diễn từ của chư vị cũng có khi viền những mảnh hoa lá thêu thùa đính không chặt. Cố muốn tiếp tục chê cười những sáo ngữ kết thúc cũ kĩ, thì hãy xét kĩ lương tâm mình đã. Thôi nhé, xin tạm biệt chư vị.

Vào

CLAOĐIÔ – Trình vương chủ, giờ đây người có thể tri ân cho tôi.

ĐÔN PÊĐRÔ – Lòng ưu ái của ta coi ngươi là tôn sư. Chỉ cần ngươi dạy bảo cho nó cách thức, ngươi sẽ thấy nó rất giàu năng khiếu để tiếp nhận bất cứ bài học khó khăn nào khả dĩ giúp được cho ngươi.

CLAOĐIÔ – Thưa điện hạ, Lêônatô có người con trai nào không?

ĐÔN PÊĐRÔ – Ngoài Hirô ra, ông không có người con nào khác. Nàng là người kế thừa duy nhất của ông. Phải chăng ngươi đã đem lòng cảm mến nàng, Claođiô?

CLAOĐIÔ – Ôi, thưa điện hạ, khi người ra quân tiến hành cuộc chinh chiến giờ đây đã kết thúc, tôi đã nhìn nàng bằng con mắt ái mộ của kẻ chiến binh, nhưng trên vai còn mang nặng một nhiệm vụ gay go hơn việc dấn mình theo tiếng gọi của tình yêu. Nhưng giờ đây, tôi đã trở về, và những ý nghĩ về binh lửa can qua đã bay đi, nhường chỗ cho lũ lượt những khát khao êm ái và thanh tao cuồn cuộn đổ về, tất cả đều nhắc nhỏ tôi rằng nàng Hirô tươi trẻ thật xiết bao kiều diễm, rằng tôi đã mến nàng từ buổi xuất chinh.

ĐÔN PÊĐRÔ – Người sắp sửa giống hệt một gã si tình, tuôn ra những lời lẽ tràng giang đại hải, làm mệt người nghe. Nếu ngươi yêu nàng Hirô xinh đẹp, thì hãy nâng niu mối tình ấy. Ta sẽ nói cho nàng và cha nàng biết và ngươi sẽ được nàng. Có đúng ngươi quanh co vặn vẹo câu chuyện đẹp đẽ này là nhằm mục đích ấy không?

CLAOĐIÔ – Điện hạ thoáng nhìn đã biết tâm bệnh và ban cho phương thuốc tình yêu mới ngọt ngào làm sao! Sở dĩ tôi kể lể dài dòng là để làm cho mối tình của mình đỡ có vẻ đột ngột quá.

ĐÔN PÊĐRÔ – Hà tất cái cầu phải rộng hơn con sông? Lí do chính đáng nhất là sự cần thiết. Này nhé, cứ cái gì được việc tức là thích hợp; ngươi yêu, thế thì ta sẽ tìm phương thuốc hợp với ngươi. Ta được biết đêm nay sẽ có cuộc liên hoan: ta sẽ cải trang đóng giả làm ngươi và xưng là Claođiô với nàng Hirô xinh đẹp. Và ta sẽ cởi mở trái tim, trút nõi niềm vào lòng nàng, đem sức mạnh và chấn động mãnh liệt của câu chuyện mối tình ta cầm tù tại nàng. Rồi sau đó, ta sẽ thổ lộ với cha nàng. Và kết cục, nàng sẽ thuộc về ngươi. Ta hãy tiến hành điều đó ngay lập tức đi thôi.

Cùng vào

CẢNH 2
Một căn phòng trong nhà Lêônatô Lêônatô và Antôniô ra, gặp nhau.

LÊÔNATÔ – Chào chú! Cháu tôi, con trai chú, đâu rồi? Cháu nó đã kiếm được ban nhạc chưa?

ANTÔNIÔ – Nó đang bận bịu với việc đó. Nhưng, anh ạ, tôi có thể nói cho anh nghe những tin kì lạ mà anh chưa từng mơ tưởng tới.

LÊÔNATÔ – Tin có tốt lành không?

ANTÔNIÔ – Cái đó còn tùy diễn biến nhưng tiền đầu là tốt. Xem bề ngoài thì tỏ ra đại cát đấy. Ông hoàng và Claođiô dạo bước trên một lối đi um tùm trong vườn cây của tôi, thành thử một tên gia nhân nhà tôi nghe lỏm được phần lớn câu chuyện. Hoàng tử thổ lộ với Claođiô rằng người đã đem lòng yêu cháu gái con anh và định đêm nay sẽ tỏ tình trong một điệu khiêu vũ. Và nếu thấy là cháu nó đồng ý, người tính sẽ nắm luôn thời cơ và bày tỏ ngay với anh về chuyện ấy.

LÊÔNATÔ – Tên gia nhân kể cho chủ biết chuyện này có tinh khôn không?

ANTÔNIÔ – Một gã rất sắc sảo. Tôi sẽ cho tìm hắn để đích thân anh hỏi cho rõ ràng.

LÊÔNATÔ – Không, không. Ta sẽ coi đó như một giấc mơ cho đến khi nào tự nó hiển hiện ra. Nhưng tôi sẽ báo cho cháu nó biết để nó chuẩn bị đối đáp cho tốt hơn, nếu đúng là như vậy. Chú hãy đến nói cho cháu nó hay (Mấy người đi ngang qua sân khấu) – Các chú, việc gì cần làm, các chú biết cả rồi đấy. (Với một người trong bọn)
(*) – Ồ, xin lỗi anh bạn (Với một người khác)(*) – Hãy cùng đi với ta, ta sẽ cần đến bàn tay khéo léo của chú (Với một người thứ ba)(*) – Chú mình, hãy cố gắng trong lúc bận rộn này.

Cùng vào

CẢNH 3

Một căn phòng khác trong nhà Lêônatô Đôn Jon và Conred ra.

CONREĐ – Ngài làm sao vậy, thưa các hạ? Tại sao ngài lại u sầu quá độ như thế?

ĐÔN JON – Không thước nào đo được hoàn cảnh đẻ ra nông nỗi này. Cho nên nỗi sầu này không có biên giới.

CONREĐ – Ngài nên nghe theo lí trí.

ĐÔN JON – Nếu ta nghe theo nó thì có lợi gì?

CONREĐ – Nếu không phải là một liều thuốc giải cứu ngay lập tức thì chí ít cũng là một sự kiên nhẫn chịu đựng.

ĐÔN JON – Ta lấy làm lạ là ngươi sinh ra với sao Thổ chiếu mệnh – theo như lời ngươi nói – mà lại đi ứng dụng một phương thuốc tinh thần vào một chứng bệnh nan y. Ta vốn là kẻ không biết tự che giấu: có chuyện không vui thì ta phải buồn, dù ai pha trò cũng không nhếch mép; đói là ăn liền, không việc gì phải chờ đợi chiều theo ý ai; vui thì cười vang, chẳng cần lựa theo tâm trạng người nào hết.

CONREĐ – Phải, nhưng các hạ không nên phơi bày cả ruột gan ra như thế chừng nào ngài còn bị giám sát. Vừa qua, các hạ đã chống lại lệnh huynh. Và hoàng tử vừa mới chấp nhận các hạ trở lại trong ân sủng. Cho nên ngài chỉ có thể cắm rễ thực sự bằng cái thời tiết tốt đẹp mà ngài tự tạo cho mình. Ngài cần gây mùa hợp tiết trời để gặt cho tốt.

ĐÔN JON – Ta thà làm con sâu trên hàng rào còn hơn làm đóa hồng trong ân sủng của ông ta. Và thà bị tất cả khinh rẻ, còn hợp với khí huyết ta hơn là làm duyên dáng để đoạt lấy sự ưu ái của ai. Không ai có thể bảo ta là kẻ xu nịnh chính cống, nhưng cũng chẳng cần chối cãi việc ta là một gã độc ác thẳng thừng. Người ta tin ta với một cái rọ bịt mồm và giải phóng ta với một cái còng chân. Cho nên ta đã quyết không hót trong lồng. Nếu ta có mồm, ta phải cắn. Nếu ta có tự do, ta sẽ làm theo ý thích của ta. Trong khi chờ đợi, hãy để ta cứ là ta và đừng tìm cách làm ta khác đi.

CONREĐ – Các hạ không thể lợi dụng nỗi bất mãn của mình sao?

ĐÔN JON – Ta đang tận dụng nó, bởi vì ta chỉ vận dụng có nó mà thôi. Ai đến đây nhỉ?

Bôrakiô ra
Có tin tức gì không, Bôrakiô?

BÔRAKIÔ – Tôi ở bữa dạ yến đằng kia, Lêônatô đãi hoàng tử lệnh huynh thật đế vương. Và tôi có thể báo tin cho các hạ biết là người ta đang dự định làm một đám cưới.

ĐÔN JON – Liệu đó rồi có thành mầm mống tai họa không? Tên điên rồ nào dám đâm đầu vào đính hôn để chuốc lấy lo lắng vậy?

BÔRAKIÔ – À, đó là cánh tay phải của lệnh huynh.

ĐÔN JON – Ai kia? Anh chàng Claođiô tuyệt vời ấy à?

BÔRAKIÔ – Chính hắn.

ĐÔN JON – Một gã nịnh đầm chính cống! Và ai, ai là người hắn nhòm ngó?
BÔRAKIÔ – À Hirô, con gái và người thừa tự leto.

ĐÔN JON – Một con vịt bầu lạch bà lạch bạch! Làm sao ngươi biết được chuyện ấy?

BÔRAKIÔ – Được giao việc tẩy uế, tôi đang hun một căn phòng ẩm mốc, thì hoàng tử và Claođiô tay nắm tay đi đến, đang bàn bạc điều gì quan trọng. Tôi liền nấp sau một tấm màn và nghe thấy họ nhất trí rằng hoàng tử sẽ đích thân tán Hirô và sau khi thành công, sẽ nhường cho bá tước Claođiô.

ĐÔN JON – Nào, nào, ta hãy tới đó đi. Đây có thể là điều làm khây nỗi bất hạnh của ta. Gã trai trẻ mới phất ấy đoạt hết vinh quang trên sự sụp đổ của ta. Nếu ta có thể ngáng trở hắn bằng bất cứ cách nào thì cũng là tốt. Cả hai người đều bảo đảm sẽ giúp ta chứ?

CONREĐ và BÔRAKIÔ – Đến hơi thở cuối cùng thưa các hạ.

ĐÔN JON – Chúng ta hãy đến chỗ dạ yến. Ta càng xuống thế bao nhiêu họ càng thích chí bấy nhiêu. Giá mà đầu bếp tâm đầu ý hợp với ta
(1)! Ta đi thăm dò xem cần phải làm gì chứ nhỉ?

BÔRAKIÔ – Chúng tôi sẽ xin phụng sự các hạ.

Cùng vào.
Người dịch: NGUYỄN ĐỨC NAM

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chào bạn. Bạn có thể cho mình đường lick của truyện Much Ado about Nothing của Shakespeare ko? Mình đang cần nó. Nếu bạn tìm ra thì gửi về điạ chỉ nicholas_tse_007@hotmail.com. Thank bạn nhiều.