Thứ Bảy, tháng 10 21, 2006

Bàn tay hình chiếc lá


Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Con bé đứng giữa trời mưa. Nó bị mù. Mưa bé thôi. Cơn mưa phùn dai dẳng thường có vào dịp cuối năm. Những giọt nước li ti bám vào mặt, vào quần áo, lâu dần cũng đủ lớn chảy thành từng dòng. May không lạnh lắm, nhưng sự ẩm ướt kéo dài, đường phố bẩn thỉu và bầu trời u ám gây cảm giác nặng nề, khó chịu.

Nó cũng hẵng còn bé. Nhìn bề ngoài, người ta chỉ đoán khoảng bảy, tám tuổi. Nhưng có thể nó đã mười, thậm chí mười lăm. Những đứa trẻ ăn mày như nó khó đoán tuổi lắm. Nhất là khi lại mù và trông khá tiều tụy. Nó đứng đầu ngõ chợ, dưới gốc cây bàng chưa kịp ra lá, nên mưa dù nhỏ, quần áo nó vẫn ướt sũng từ bao giờ. Tại sao nó không vào đứng dưới hàng hiên hiệu thuốc bên cạnh? Có thể chủ cửa hàng không cho. Có thể vì mù, nó không biết. Cũng có thể cần cây bàng để tựa, vì nó đứng chứ không ngồi, mà có lẽ đã đứng như thế từ lâu và sẽ còn lâu nữa.

Ngồi làm việc ở phòng mình trên tầng hai ngôi nhà đối diện, tôi lặng lẽ quan sát nó. Nó đứng yên, hầu như bất động, người co lại để chống đỡ với mưa gió. Nếu nó đứng trên chạng ba cây bàng thì có thể nghĩ đó là một con cú đang thiu thiu ngủ. Hình như nó cũng đang thiu thiu ngủ. Nó chìa bàn tay trái trước mặt. Một bàn tay nhỏ bé, khum khum, màu vàng nhợt vì bẩn và vì đau ốm, trông giống những chiếc lá bàng nửa xanh nửa vàng rụng đầy dưới chân. Nó đeo cái bị hay cái túi gì đấy sau lưng. Bên dưới là chiếc mủng tre với mấy tờ giấy bạc nhàu nát và một ít thức ăn được người ta vứt cho từ bao giờ. Cả tiền và thức ăn đều ướt. Cũng bẩn và lạnh như chính nó. Tôi thấy nó luôn im lặng, khác hẳn những người ăn mày lắm lời ta thường gặp. Nó chỉ đứng thế, bất động, trừ một lần có chiếc xích lô chở hàng cồng kềnh va vào làm nó phải bám lấy thân cây mới không bị ngã. Sau đó nó trở lại tư thế cũ. Đôi mắt mù trắng đục vô cảm nhìn phía trước, cùng hướng với bàn tay hình chiếc lá bàng héo úa.

Vốn dễ xúc động và hay phân tán tư tưởng, từ khi thấy nó, tôi chẳng thể tập trung làm việc được nữa. Tôi đang viết một truyện ngắn có hậu, có nắng ấm, cây xanh và nhiều khuôn mặt hạnh phúc. Tôi hơi khó chịu vì nó làm hỏng một ngày làm việc của tôi, vô tình cứ bắt tôi chú ý đến nó. Ngõ chợ luôn đông người ra vào, mà tôi chẳng thấy ai cho nó gì. Nó cũng chẳng mở mồm xin ai cái gì. Chỉ chìa tay đứng thế. Và chiếc lá bàn tay ấy chẳng nhận được gì ngoài những giọt mưa li ti nhão nhoẹt...

Bất chợt, thay cho truyện ngắn đầy nắng ấm và hạnh phúc định viết, tự lúc nào không biết, trong đầu tôi đã hình thành một bài thơ buồn. Bài thơ về nó, cái con bé ăn mày tội nghiệp ấy.

BÀN TAY HÌNH CHIẾC LÁ

Trời mưa phùn lất phất,
Gió lạnh thổi suốt ngày.
Em bé mù hành khất
Đứng bên đường, chìa tay.

Bàn tay em để ngỏ,
Suốt từ sáng đến trưa
Chỉ xin được ít gió,
Chỉ được cho ít mưa.

Bàn tay như chiếc lá
Bị gió ngắt lìa cành,
Dù nhăn nheo, tàn tạ,
Nhưng hình như còn xanh.

Cuộc đời này oan trái
Đã cướp hết của em,
Chỉ trớ trêu chừa lại
Bàn tay chiếc lá mềm.

Mưa phùn, mưa buồn bã...
Em trơ trọi giữa đời.
Bàn tay hình chiếc lá
Đầy những giọt mưa rơi...

Cảnh đã buồn. Bài thơ ngẫu hứng này càng làm tôi buồn thêm. Buồn vì sự bất lực của bản thân và sự vô bổ của cái nghề văn chương trót cả đời đeo đuổi. Bài thơ có thể chân thành và xúc động. Nhưng không lẽ mang xuống đường đọc cho nó nghe, để nó biết tôi thương nó thế nào? Cả bài thơ và tình thương ấy của tôi có làm nó đỡ lạnh và no hơn không? Tôi ngồi đây, trong căn phòng tiện nghi ấm áp, no đủ và hạnh phúc, để viết về nó, một đứa bé ăn mày mù cả hai mắt, trạc tuổi con tôi, đứa con mà tôi đang vất vả bắt không được ăn những thứ béo bổ để khỏi phát phì! Cả tôi và vợ tôi cũng đang phát phì vì ăn quá nhiều và quá ngon.

Vậy phải chăng tôi đã viết những dòng chân thành mà giả dối? Thậm chí đạo đức giả? Không lẽ thực sự tôi không thể làm được điều gì để giúp nó, chính xác hơn là giúp mình thoát khỏi những mặc cảm trên? Tất nhiên là có. Tôi có thể - và dự định chốc nữa sẽ làm ngay - cho nó ít tiền, ít thức ăn như nhà tôi từng cho nhiều người cơ nhỡ khác. Nhưng sau đấy thì sao? Những đứa khác như nó, mà chắc không ít ở cái thành phố rộng lớn này, thì sao? Phải chăng với ít tiền, ít thức ăn ấy, tôi có thể mua được sự thanh thản cho lòng mình để viết tiếp câu chuyện đầy nắng và hạnh phúc kia của tôi?


Tôi cứ quẩn quanh mãi với những ý nghĩ không mấy vui vẻ ấy. Trong khi đó, con bé vẫn đứng yên bất động bên gốc bàng với bàn tay nhỏ xíu đang chìa ra phía trước. Trên lòng bàn tay khum khum như chiếc lá ấy vẫn chẳng có gì ngoài những giọt mưa nhỏ và lạnh.

Thành phố đã lên đèn. Thậm chí ngõ chợ cũng bắt đầu thưa người. Người mù không phân biệt được ánh sáng và bóng tối, nhưng nhờ một giác quan đặc biệt nào đó, họ biết rõ lúc nào là đêm và ngày. Con bé này cũng vậy. Nó đang đi về nhà. Chẳng ai biết nó từ đâu tới và bây giờ đang đi về đâu. Nhưng nó đang đi. Nghĩa là quả có một nơi nào đấy mà nó có thể đến, có thể gọi là "nhà". Như những người mù khác, nó đi chậm chạp, rờ rẫm. Không có gậy, chỉ thỉnh thoảng quờ quờ tay trước mặt. Nó đã rẽ qua mấy phố nhưng vẫn tiếp tục đi. Nghĩa là "nhà" của nó phải xa lắm, và nó phải quen đường lắm mới không bị lạc.

Trên vỉa hè một đường phố nọ, nó bỗng vấp phải cái gì mềm mềm. Nó đứng lại suy nghĩ một chốc rồi cúi xuống đưa cả hai tay sờ sờ cái vật mềm mềm ấy. Đó là một bà già đang nằm sóng soài trên mặt hè phố bẩn thỉu và ẩm ướt. Không biết bà lão nằm đây trong tư thế ấy tự bao giờ. Mái tóc bạc xõa tung, dính đầy bùn. Quần áo cũng ướt và dính đầy bùn... Có lẽ con bé đoán hiểu được chuyện gì đã xẩy ra. Nó để ngón tay trỏ sát mũi bà lão. Còn thở, nhưng rất yếu. Nó lắc lắc, gọi mấy lần, nhưng không thấy đáp lại. Nó cố hết sức vực bà lão dậy, kéo lê mấy bước, rồi cho tựa lưng vào bức tường gần đó. Nó lấy mảnh giẻ trong bị lau mặt mũi, tay chân cho bà lão.

Chừng ấy việc đủ làm nó mệt, nên nó cũng ngồi tựa vào tường để nghỉ. Nó lấy mấy mẩu bánh mì sũng nước nhét vào miệng bà lão. Lúc đầu bà lão không ăn, nhưng nó vừa dỗ như dỗ em, vừa bón từng mẩu nhỏ. Bà lão bắt đầu ăn và dần dần tỉnh lại. Rồi nó rờ rẫm tìm đến vòi nước công cộng để uống đỡ khát và mang về cho bà lão một cốc.

Đó là một bà lão ăn mày, hơn bảy mươi tuổi, mắt sáng nhưng rất yếu, lại mắc chứng suy tim nên thỉnh thoảng bỗng ngất đi như vậy. Bà ngất, nằm đấy từ lúc mới xế chiều. Nghĩa là bà đã nằm trong tư thế ấy, ngay trên mặt hè đông người qua lại hơn năm giờ đồng hồ. Thế mà chẳng ai vấp phải bà. Vì ai cũng mắt sáng nên họ nhìn thấy và né sang bên. Nhiều người quả có dừng lại, lắc đầu ái ngại. Nhiều người cũng tỏ ý thương bà, nhưng họ nghĩ đây là việc của công an, của các tổ chức nhân đạo. Mà họ thì đang bận, thương đấy, muốn giúp đấy, nhưng... Thế là họ đi tiếp, dù trong lòng không phải không gợn chút băn khoăn. Suy cho cùng, cũng chẳng trách được họ. Chỉ tội con bé mù. Vì nó mù nên đã vấp phải bà lão, phải vất vả dựng bà dậy, chăm sóc, cho ăn uống.

Tối ấy, con bé chẳng "về nhà" nữa, mà cùng bà lão ăn mày ôm nhau nằm co quắp dưới mái hiên có bức tường nơi hai người vừa tựa lưng nghỉ. May không bị ai đuổi.

Hôm sau, và những ngày tiếp theo, từ cửa sổ phòng mình, tôi lại thấy con bé mù đứng chìa tay bên gốc cây bàng đầu ngõ chợ như cũ. Vẫn bàn tay hình chiếc lá ấy. Vẫn cái dáng bất động, nhẫn nhục và chiếc mủng tre ấy. Khác chăng, bây giờ mưa đã tạnh. Trời bắt đầu hửng nắng. Nhưng bây giờ luôn ở bên em là bà lão ăn mày đã làm em vấp, được em cứu sống và từ nay, với đôi mắt sáng của mình, sẽ cùng em dựa vào nhau để tồn tại trong cuộc đời này. Cuộc đời với hầu hết những con người khỏe mạnh, mắt sáng, giàu lòng nhân ái nhưng quá bận, quá vội, thành ra đôi khi quá hờ hững với người khác.

Còn tôi, tôi vẫn không sao viết nổi truyện ngắn có hậu, có nắng ấm và những khuôn mặt hạnh phúc kia. Tôi cứ vấn vương mãi với những suy nghĩ chẳng đâu vào đâu về đủ mọi chuyện, về thiên chức nhà văn, về tình người, tình đời, về cả sự bất lực của mình. Và trong tâm trạng buồn buồn day dứt như thế, tôi đã viết một bài thơ như sau về bà lão ăn mày ấy.

VẤP

Đêm, lất phất mưa phùn.
Một bà già bé nhỏ
Quần áo lấm đất bùn
Nằm ngang trên hè phố.

Bà ngã xuống ở đây
Phải chăng vì đói, mệt?
Ốm? Một giờ? Cả ngày?
Hay phải chăng đã chết?

Phố đông người, ồn ào
Hình như ai cũng vội,
Thế mà không người nào
Vấp phải bà, dù tối.

Người tiếp người đi qua,
Bà già vẫn nằm đấy.
Không ai vấp phải bà,
Cả chính tôi cũng vậy.

Mãi lúc sau, đang đi
Nơi sáng đèn, đường vắng,
Tôi bỗng vấp cái gì
Rất đau và rất nặng.

Thì ra, chính nỗi đau,
Lương tâm và xấu hổ
Làm tôi vấp... Cúi đầu,
Tôi bước đi giữa phố...

Nguồn từ: http://www.thaibatan.com

Không có nhận xét nào: