Thứ Tư, tháng 10 11, 2006

Giấc mộng đêm hè_William Shakespeare (Hồi 1)


TIỂU DẪN VỀ GIẤC MỘNG ĐÊM HÈ
Vở kịch này được viết vào khoảng 1595 – 1596 và in lần đầu tiên năm 1600.
Cốt truyện hoàn toàn do Sếchxpia sáng tạo ra, nhưng một số nhân vật và chuyện tình duyên của họ thì tác giả rút ra từ sách cổ đại Hi Lạp và La Mã (Thidiơx và Hipôlita từ Plutac, Pirơmơx và Thidơbi từ Ovit) còn Păc, anh chàng ngỗ nghịch và thế giới quần tiên của Obêrơn và Titania thì đi từ truyền thuyết dân gian Anh vào kịch của Sếchxpia.
Các nhà nghiên cứu phương Tây đã bàn khá nhiều về cái tên của vở kịch. Midsummer Day trong tiếng Anh là ngày lễ Thánh Xanh Giăng, tức ngày 24 tháng Sáu hàng năm. Thành ra A Midsummer Night’s Dream phải dịch đúng ra là Giấc mộng đêm lễ Thánh Xanh Giăng. Nhưng trong vở kịch thì tác giả cho ta biết rằng câu chuyện xảy ra vào đêm hôm trước ngày mồng Một tháng Năm. Vì sao có sự không ăn khớp này? Có nhiều cách giải thích, nhưng ta không cần dừng lại. Chỉ biết rằng cuối cùng người ta thống nhất với nhau rằng vào những đêm ấy của mùa hè, một số loài hoa và cây cỏ bỗng có ma lực thần thông, giống anh linh tiên cốt thường xuất hiện, các cặp tình nhân dễ đắm đuối mơ màng và mọi người trở nên cuồng si rồ dại!

Quả nhiên, Giấc mộng đêm hè dẫn dắt người xem vào một thế giới hoang đường kì ảo, trong đó trí tưởng tượng của nhà thơ tự do bay bổng một cách diệu kì.
Toàn bộ vở kịch như một giấc mơ, giấc mơ giữa rừng khuya, dưới ánh trăng mờ ảo, trong tiếng gió rì rào trên cành lá, người trần sống lẫn quần tiên, mà ai nấy đều tràn đầy sức sống, biến thành những khách tình si, nửa mê nửa tỉnh, tưởng đời là mộng, biến mộng thành đời...

Giấc mộng đêm hè là một vở kịch đầy chất thơ, có lẽ thơ nhất trong các hài kịch của Sếchxpia. Tác giả trộn lẫn ở đây thực và ảo, trữ tình và hài hước, cao cả và kệch cỡm, nghiêm túc và buồn cười. Bàn tay nhà nghệ sĩ đã nhào nặn những chất liệu khác nhau ấy thành một chỉnh thể thống nhất, toàn vẹn.

Trong vở kịch cả hai thế giới – hiện thực và hoang đường – song song tồn tại cùng nhau. Trong từng thế giới lại có những tuyến tình tiết khác nhau.

Cuộc hôn nhân giữa quận công Aten và nữ chúa bộ tộc Amadôn là khung cảnh của toàn bộ câu chuyện. Vở kịch mở đầu trong lâu đài của Thidiơx, bằng việc báo tin về cuộc hôn lễ sắp tiến hành và kết thúc cũng trong lâu đài của Thidiơx bằng một cuộc vui trong chính ngày hôn lễ. Cuộc tình duyên này không hề có sóng gió, không trải qua những xung đột có tính kịch. Đôi trai tài gái sắc này thật xứng đôi vừa lứa, họ yêu nhau tha thiết và nóng lòng chờ đợi ngày hạnh phúc đang đến gần. Đây là thế giới của sự hài hòa tuyệt đối. Những nhân vật này thông minh, tỉnh táo, nhưng hình tượng của họ trong vở kịch nằm ở bình diện thứ hai và được xây dựng một cách tĩnh tại.

Cảnh thanh bình nơi cung điện của Thidiơx lập tức bị phá vỡ khi xuất hiện những cặp tình nhân khác: Laixanđơ và Hecmiơ, Đimitriơx và Hêlen. Đây mới là môtip trung tâm của vở kịch. Những xung đột có tính kịch bắt nguồn từ trái tim sôi nổi yêu đương của họ. Trước hết, có mâu thuẫn giữa hai thế hệ, cha mẹ và con cái, mỗi bên tiêu biểu cho một nền luân lí khác nhau. Igiơx, cha của Hecmiơ, đòi khẳng định quyền đặt đâu con ngồi đấy của kẻ sinh thành và quyền này được pháp luật ủng hộ. Hecmiơ chống lại nguyên tắc đó, nghe theo tiếng gọi của trái tim, đòi được tự do lựa chọn người yêu và bạn đời. Quyết tâm đấu tranh cho hạnh phúc của mình, Hecmiơ và Laixanđơ chạy trốn vào rừng. Bị tình yêu thúc đẩy, Đimitriơx và Hêlen cũng đuổi theo vào đây. Và rừng là một thế giới riêng biệt, đây là nơi thiên nhiên thống trị chứ không phải luật pháp, lệnh cha, hay lề thói xã hội như ở trong đô thành. Chúng không đe dọa cuộc sống con người nữa: tình cảm được tháo cũi sổ lồng, sẽ lộ ra một cách cực kì chân thật, tự do.

Nhưng cũng chính giữa cảnh thiên nhiên hoang dại này, chúng ta bắt gặp một loại nhân vật khác. Đây là thế giới kì ảo của các thần tiên, với vị thống soái Obêrơa và nữ chúa Titania, anh chàng Păc hay đùa cợt và lũ tiên đồng nhởn nhơ. Nếu như trong xã hội loài người, kẻ thống trị dùng pháp luật để bắt mọi người thần phục thì ở đây, trong thế giới thần tiên, Obêrơn lại dùng pháp thuật. Obêrơn cũng mâu thuẫn gay gắt với Titania – sự tranh chấp của họ gần như làm rối loạn cả vũ trụ, – nhưng cuộc xung đột này không gây ra một đổ vỡ tan hoang nào, mà chỉ dẫn đến một trò đùa vui vẻ: bị mê hoặc bởi nhựa tình, Titania yêu say đắm anh chàng thợ dệt Bottơm, ngồi vuốt ve tán tỉnh cái đầu lừa của hắn!

Con người cũng mắc vào cái trò chơi lí thú này của hội quần tiên và người xem được chứng kiến những cảnh vui nhất của vở kịch khi thấy Laixanđơ, dưới tác động của tiên thuật, bỗng nhiên ruồng bỏ Hecmiơ để theo đuổi Hêlen hoặc khi Laixanđơ và Đimitriơx bị Păc đánh lừa, đuổi theo nhau để đấu kiếm ở trong rừng.

Cuối cùng thì mọi lầm lẫn đều qua đi, mọi trở lực bị dẹp tan, tình yêu tự do đã thắng lợi. Thidiơx đồng ý cho hai cặp thanh niên lấy nhau theo ý nguyện và làm lễ cưới đúng vào ngày hôn lễ đế vương. Như vậy vở kịch kết thúc bằng một cuộc hòa giải ở trên trời và ba cuộc hôn nhân ở dưới đất. Thiên nhiên tỏ ra mạnh hơn luật pháp và đạo đức xã hội. Với Giấc mộng đêm hè của Sếchxpia, những quan điểm nhân văn chủ nghĩa của thời kì Phục hưng về vấn đề tình yêu và hôn nhân đã nói thêm một lời khẳng định.

Cũng đến từ thế giới thực và đi vào rừng, ngoài những nhân vật quý tộc, còn có một nhóm nhân vật bình dân: mấy người thợ thủ công diễn tập một vở kịch, chuẩn bị cho cuộc vui ngày hôn lễ ở cung đình Aten. Đây là những con người ngây ngô, chất phác, rất nghiêm túc trong công việc của mình. Nhưng do trình độ và bản chất của họ, do quan niệm của họ về nghệ thuật, họ trở thành những vai hề trong vở kịch. Họ cũng bị lôi cuốn vào trò chơi của hội quần tiên, chứng kiến những sự biến hòa kì ảo mà họ không biết, lại càng không thể hiểu. Khi mà mọi cơn ảo mộng đã qua đi, sự hài hòa đã trở lại trong thế giới thần tiên cũng như trong thế giới người trần thì cuộc trình diễn rất nghiêm trang của họ vẫn là trò vui cho tất cả mọi người trong ngày đại lễ. Mối tình mà họ diễn lại là một bi kịch: Pirơmơx và Thidơbi đều tự sát. Nhưng giữa cái cử tọa ấy, tấn bi kịch này lại được tiếp nhận như một hài kịch. Không phải chỉ là cách trình diễn của mấy anh kép hát này ngây ngô, cổ lỗ, mà chính là vì giữa cái thế giới trong đó những tình cảm tự nhiên của con người vừa thắng lợi một cách huy hoàng, giữa niềm hoan lạc của những cuộc hôn nhân hạnh phúc, cái chết bi thảm và vô duyên của pirơmơx và Thidơbi tỏ ra lạc lõng, khôi hài. Tiếng cười của cử tọa hôm ấy là tiếng cười của cả một thời đại, muốn tống tiễn cái nghệ thuật Trung cổ – cả nội dung lẫn hình thức – đi vào quá khứ, là sự khẳng định một bước tiến mới của loài người trên con đường tự giải phóng mình.
Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng trong vở kịch này, Sếchxpia đã ca ngợi một chiều sự giải phóng tình cảm của con người. Với cái tinh tế của một nghệ sĩ thiên tài, biết nắm bắt cuộc sống từ nhiều phía, Sếchxpia đồng thời cũng chỉ ra những mâu thuẫn nảy sinh trong con người khi tình cảm trở thành động lực chính trong cuộc đời, thống trị tư tưởng và hành động của con người.

Nếu như hoạt động của những người thợ Aten có màu sắc kịch hề thì một nụ cười hài hước, nhẹ nhàng luôn luôn phảng phất đi theo những mối tình chồng chéo, lầm lẫn của hai cặp Laixanđơ – Hecmiơ và Đimitriơx – Hêlen. Tình yêu có thể nâng con người lên đỉnh cao của những chiến công, nhưng trong những trường hợp nhất định, khi bị dục vọng mù quáng chi phối, thì con người có thể lầm lẫn, hành động một cách kì quái điên rồ, trở thành nực cười đối với mọi người xung quanh. Cái thứ nhựa tình mà theo lệnh của vị vua và các loài tiên, anh chàng Păc đặt vào mắt những kẻ si tình đang nằm ngủ, có thể xem như một thứ biểu tượng: cái gì sẽ xẩy ra, nếu người ta không làm chủ được trái tim mình, đột ngột thay đổi tình yêu, hoàn toàn bỏ rơi lí trí khi hành động?

Cái hài hước chủ yếu của vở kịch liên quan đến sự biến đổi đột ngột này trong tình cảm của các nhân vật, khi họ tuân theo một cách mù quáng mãnh lực của tình yêu. Nhưng nụ cười của Sếchxpia ở đây thật hiền lành, độ lượng, không hề có một chút chua chát, độc địa nào. Ở cuối vở kịch, vị quận công Aten luôn luôn tỉnh táo đã chẳng so sánh và đặt ngang hàng “người tình”, “người điên” và... “nhà thơ” đó sao? Họ đều là những người “cuồng nhiệt”, “tràn đầy tưởng tượng”, “nắm bắt được những điều mà trí tuệ lạnh lùng không bao giờ hiểu được”, “tạo ra cho cái hư không một hình hài, một tên tuổi và một nơi trú ngụ”!?

Sếchxpia, tác giả của Giấc mộng đêm hè, chính là một nhà thơ kiểu ấy. Trí tưởng tượng bay bổng của ông đã đưa người xem vào một thế giới huyền ảo, hư hư thực thực. Ngay các nhân vật chính trong vở kịch cũng mỗi người trải qua một giấc mộng. Thần tiên chen lẫn với người trần, gây ra mộng mị bằng pháp thuật. Nhưng chính nữ chúa của loài tiên cũng không tránh được ma lực của nhựa tình, khiến cho tình yêu của nàng đảo điên rối loạn. Mộng lành hay mộng dữ đều có, tùy theo từng người. Nhưng đối với người xem, thì lành hay dữ cũng đều là chuyện nực cười đem lại một niềm vui khoái chá.

Khi mọi người tỉnh dậy thì thanh bình đã trở lại: mộng dữ đã biến đi, còn mộng lành thì lại biến thành sự thực, tất cả là một giấc mộng vàng thật đẹp. Không phải tình cờ mà Sếchxpia trùm lên tất cả vở kịch một ánh trăng đêm huyền diệu. Chỉ có một cảnh xảy ra ban ngày trong vở kịch là cảnh 1 hồi IV, nhưng đây cũng là vào lúc ban mai sớm sủa ở trong rừng. Trước lúc hạ màn, anh chàng Păc hiện ra xin lỗi khán giả, tự xưng là những “hình bóng” và những “ảo ảnh” chập chờn: “Chỉ xin nghĩ rằng các ngài đã ngủ mơ ở nơi đây... Và câu chuyện vô duyên, kém cỏi này không gì hơn là một giấc mơ, vậy xin các ngài đừng lên án...”

Tưởng chừng như đằng sau Păc, nhà soạn kịch cũng hiện ra và mỉm cười, bảo với chúng ta:
“Tất cả những điều bạn vừa thấy diễn ra chỉ là chuyện hoang đường, chỉ là trò đùa của trí tưởng tượng, nhưng trong trò đùa ấy cũng có khá nhiều sự thật”.

NHÂN VẬT
THIDIƠX (Theseus) quận công Aten
IGIƠX (Egeus) cha Hecmiơ
LAIXANĐƠ (Lysander)
ĐIMITRIƠX (Demetrius)
PHILÔXTRÊT (Philostrate) viên quản lí trò vui của Thidiơx
QUYNXƠ (Quince) thợ mộc làm nhà
XNĂC (Snug) thợ mộc làm đồ vật
BOTTOM (Bottom) thợ dệt
PHƠLIÚT (Flute) thợ chữa ống bễ.
XNAO (Snout) thợ hàn nồi.
XTAVELINH (Starveling) thợ may
HIPÔLITA (Hipolyta) nữ chúa Amadôn, đính ước với Thidiơx
HECMIƠ (Hermia) con gái Igiơx, yêu Laixanđơ.
HÊLEN (Helena) yêu Đimitriơx.
ÔBÊRƠN (Oberon) vua trong các vị tiên.
TITANIA (Titania) hoàng hậu trong các vị tiên.
PĂC (Puck) hay là chú Rôbin tốt bụng (Rôbin Goodfellow).
PIDƠ BLOXƠM (Pease – Blossom) (Hoa đậu)
CÔPOÉP (Cobweb) (Mạng nhện) Tiên
MÔTHƠ (Moth) (Bướm đêm)
MAXTIT XIT

PIRƠMƠX
THIDOBI
UÔN
(Mustard – Seed)
(Hạt mù tạc)
(Pyramus)
(Thisbe)
(Wall) (Bức tường)

Nhân vật trong màn xen kẽ do các vai hề đóng
MUNSAIN (Moonshine) (Ánh trăng)
Các vị tiên theo hầu Vua và Hoàng hậu.
Tùy tùng của Thidiơx và Hipôlita.
Chuyện xảy ra ở Aten và một khu rừng gần đấy.

HỒI I - CẢNH 1

Aten – Lâu đài của ThidiơxThidiơx, Hipôlita, Philôxtrêt và tùy tùng ra

THIDIƠX – Nào, hỡi Hipôlita kiều diễm, giờ hợp cẩn của đôi ta đang nhan bước đến gần. Bốn ngày vui sướng nữa là đến tuần trăng mới. Nhưng, ôi, hình như vầng trăng cũ này sao quá chậm tàn phai! Nó trì hoãn những ham muốn của ta, y như một bà mẹ kế hay một bà mẹ góa làm mòn dần gia tài của một gã thanh niên.

HIPÔLITA – Bốn ngày sẽ nhanh chóng chìm sâu vào đêm tối, bốn đêm sẽ trôi nhanh trong mộng ảo, và rồi trăng, như chiếc cung bạc mới giương trên nền trời, sẽ nhìn xuống cái đêm huy hoàng của đôi ta.

THIDIƠX – Này, Philôxtrêt, khanh hãy đến với tuổi trẻ Aten và để cho họ vui chơi thỏa thích. Hãy đánh thức niềm vui rộn ràng và sinh đọng dậy, hãy trả u buồn về cho những đám tang, vì người bạn đường nhợt nhạt xanh xao này không nhập được vào ngày lễ tưng bừng của đôi ta.

Philôxtrêt vào

Hipôlita hỡi, ta đã nói chuyện ân ái cùng nàng với thanh kiếm cầm tay và ta đã giành được tình yêu của nàng mà gây tổn hại cho nàng(1), nhưng ta sẽ cưới nàng theo lối khác, bằng nghi lễ tưng bừng và hoan lạc reo ca.

Igiơx và con gái là Hecmiơ, Laixanđơ và Đimitriơx ra.

IGIƠX – Xin kính chúc Thidiơx, vị quận công lẫy lừng của chúng ta, được dồi dào hạnh phúc!

THIDIƠX – Cám ơn Igiơx hiền khanh, chẳng hay khanh đến có việc gì?

IGIƠX – Tôi đến đây, lòng đầy uất hận, thưa kiện đứa con tôi, cháu Hecmiơ này đây. Hãy bước lên Đimitriơx. Kính thưa Chúa công, tôi đồng ý cho anh chàng này kết duyên cùng cô con gái tôi. Bước lên, Laixanđơ. Còn anh này, thưa Ngài quận công cao quý, đã mê hoặc lòng dạ con tôi. Phải, Laixanđơ, chính mày đã tặng nó những bài thơ và trao đổi những kỉ vật tỏ tình với con ta. Những đêm trăng mày đã đến hát dưới cửa sổ con ta những vần thơ yêu đương vờ vĩnh bằng một giọng điệu giả vờ, và mày đã thầm đoạt tâm trí con ta với những vòng xuyến bằng tóc của chính mày, rồi nào nhẫn, nào trang sức, nào đồ chơi, nào hoa thơm và bánh kẹo, những của ấy lại là những sứ giả có sức mạnh quyến rũ đối với tuổi trẻ non nớt. Mày đã ranh mãnh cướp đoạt trái tin con gái ta và đã biến nàng từ một đứa con ngoan ngoãn biết vâng lời thành một đứa cứng đầu ngang ngược. Thưa Ngài quận công cao quý, nếu như ngay đây, trước mặt Đức ngài, nó vẫn khăng khăng không chịu kết hôn cùng Đimitriơx thì tôi cầu xin cái đặc quyền xưa cũ của thành Aten: vì nó là con tôi, tôi được quyền định đoạt cuộc đời của nó, hoặc phải lấy chàng công tử này hoặc phải chết, theo đúng luật lệ mà chúng ta đã định trước cho trường hợp này(2).

THIDIƠX – Nào, Hecmiơ, cháu nói gì? Hãy suy nghĩ đi, cô gái xinh tươi ạ. Đối với cháu, cha cháu phải như một vị thần linh. Người đã tạo ra vẻ đẹp của cháu, và đối với Người thì cháu chỉ là một hình hài bằng sáp do tay Người nặn ra mà Người có quyền giữ lại hay bóp méo đi. Đimitriơx là một chàng công tử xứng danh đấy chứ.

HECMIƠ – Laixanđơ cũng là một chàng công tử y như vậy.

THIDIƠX – Tự mình chàng thì như thế. Nhưng trong trường hợp này, vì thiếu sự đồng tình của cha cháu, người kia phải được xem là xứng danh hơn.

HECMIƠ – Cháu ao ước rằng cha cháu chỉ nhìn bằng cặp mắt của cháu.

THIDIƠX – lẽ ra thì mắt cháu phải nhìn theo cách suy xét của cha cháu.

HECMIƠ – Cháu cầu xin Đức ngài tha tội. Cháu không hiểu sức mạnh nào đã khiến cho cháu trở nên bạo dạn, hay cháu đã mất hết tính e thẹn của giới mình, nếu như ở đây, trước một ử tọa thế này, cháu giãi bày hết những suy nghĩ của mình. Nhưng cháu cầu xin Đức ngài cho biết điều tai họa nhất mà cháu phải chịu sẽ là gì, nếu như cháu từ chối không kết duyên cùng Đimitriơx?

THIDIƠX – Hoặc là chết, hoặc là khước từ vĩnh viễn xã hội loài người. Vì vậy, chớ nên, Hecmiơ xinh đẹp ơi, hãy dò hỏi những ham muốn của chính mình. Hãy hiểu biết về tuổi thanh xuân của mình, hãy quan sát kỹ máu huyết của mình xem thử, nếu như cháu không thuận tình theo ý cha lựa chọn, cháu có khoác nổi chăng một tấm áo tu hành, vĩnh viễn gửi mình nơi tu viện âm u, trọn đời làm một bà mụ héo hắt, hát những bản thánh ca sầu thảm cho mặt trăng khô héo lạnh lùng. Cực lạc thay những kẻ làm chủ được máu huyết của mình hồng cất hương thơm giữa trần thế còn hạnh phúc hơn bông hoa héo mòn trên cành gai trinh bạch, nảy nở sinh sôi và tàn lụi trong cực lạc cô đơn.

HECMIƠ – Thưa Chúa công, tôi quyết sẽ lớn lên, sống và chết như thế này đây, còn hơn là đem chữ trinh của mình thần phục vị công tử này, chịu đựng một cái ách không hề ham muốn mà lòng tôi không khuất phục.

THIDIƠX – Cứ thảnh thơi mà suy nghĩ. Đến tuần trăng mới nay mai, tức là đến ngày hôn phối giữa ta đây và người yêu của ta để được gắn bó bằng sợi dây chung sống đời đời, đến ngày đó, cháu phải sẵn sàng chịu chết vì không tuân theo ý muốn của thân phụ, hoặc phải kết duyên cùng Đimitriơx như chàng mong muốn, hoặc phải thề nguyền trước bàn thờ nữ thần Đaian(1), cam sống cô đơn và khổ hạnh suốt đời.

ĐIMITRIƠX – Ôi hỡi Hecmiơ dịu dàng, hãy thuận lòng đi thôi. Còn Laixanđơ, anh hãy nhường cái danh hiệu mỏng manh của anh cho quyền hạn vững chắc của tôi.

LAIXANĐƠ – Đimitriơx, anh được thân phụ nàng yêu, xin anh cứ lấy quách ông ta. Hãy để cho tôi được hưởng tình yêu của Hecmiơ.

IGIƠX – Laixanđơ, đồ ngạo mạn! Đúng là ta yêu thương Đimitriơx và lòng yêu thương ấy sẽ để lại cho anh ta cái gì thuộc quyền của ta. Nàng là con ta, và mọi quyền của ta với nó, ta quyết trao lại cho chàng Đimitriơx.

LAIXANĐƠ – Thưa Chúa công, tôi cũng dòng dõi như anh ta, cũng giàu sang như thế. Tình yêu của tôi lại mãnh liệt hơn nhiều. Cuộc đời của tôi mặt nào cũng êm đẹp, nếu không phải là hơn, so với cuộc đời của Đimitriơx, so với cuộc đời của Đimitriơx. Và trên tất cả những niềm kiêu hãnh đó, nàng Hecmiơ xinh đẹp lại yêu tôi. Vậy thì sao tôi lại không thi hành quyền hạn của tôi? Còn Đimitriơx, thì tôi xin nói thẳng điều này vào mặt anh ta, đã từng ve vãn Hêlen, con gái của Nêđa và chiếm đoạt được tâm hồn cô ta. Còn cô ta, một người đàn bà hiền dịu, thì say mê, say mê đắm đuối, say mê đến mức tôn thờ cái anh chàng tội lỗi và bất nhất này.

THIDIƠX – Ta phải thú nhận rằng ta đã nghe nói nhiều đến chuyện ấy và định bụng có mấy lời với Đimitriơx, nhưng vì quá bận bịu với những việc riêng tư, ta quên khuấy đi mất. Nhưng này, Đimitriơx, lại đây và cả Igiơx nữa, lại đây, các người hãy đi cùng ta, ta có đôi điều muốn chỉ bảo riêng cho cả hai người. Còn Hecmiơ xinh đẹp, cháu phải gắng sức thế nào để khuôn những mơ ước của mình theo ý muốn của phụ thân, bằng không, luật lệ thành Aten, mà chúng ta đây không có cách nào giảm nhẹ, sẽ buộc cháu phải chết hoặc nhận lời thề nguyền sống cô độc suốt đời. Đi thôi, Hipôlita yêu kiều, em thấy thế nào? Đimitriơx và Igiơx, hãy cùng đi luôn, ta có việc phải nhờ đến các người trong cuộc hôn lễ và phải bàn bạc đôi điều liên quan mật thiết đến các người.

IGIƠX – Chúng tôi xin theo hầu Ngài, hân hạnh được làm nghĩa vụ.

Thidiơx, Hipôlita, Igiơx, Đimitriơx và tùy tùng vào...

LAIXANĐƠ – Thế nào, hỡi em yêu, sao má em xanh xao làm vậy? Vì lí do gì mà những đó hồng trên ấy chóng nhạt phai?

HECMIƠ – Tựa như vì thiếu mưa, mà em có thể để cho tuôn ra từ giông bão của mắt em.

LAIXANĐƠ – Ôi, theo những điều anh đã đọc và đã nghe qua chuyện kể hay lịch sử thì tình yêu thực sự có bao giờ êm ả trôi qua. Hoặc là do sự khác biệt về dòng dõi...

HECMIƠ – Ôi đau đớn! Người trên cao mà vương vào người dưới thấp!

LAIXANĐƠ – Hoặc là bị ghép sai về tuổi tác...

HECMIƠ – Ôi tai họa! Kẻ quá già mà đính hôn với người non nớt!

LAIXANĐƠ – Ôi địa ngục! lựa chọn tình yêu theo mắt nhìn của kẻ khác!

LAIXANĐƠ – Hoặc là nếu như có được mối tình đồng cảm trong sự lựa chọn thì chiến tranh, chết chóc hay bệnh hoạn, lại vây quanh lấy nó, khiến nó thoáng qua như một tiếng động, chập chờn như một cái bóng, ngắn ngủi như một giấc mơ, bừng sáng vội vàng như một tia chớp giữa đêm đem, trong khoảng khắc phơi bày ra cả trời lẫn đất và người ta chỉ vừa kịp nói: “Trông kìa!” thì đôi hàm của bóng tối đã nhai nghiến nó đi: những gì ngời sáng tan biến mau chóng vậy thay!

HECMIƠ – Nếu quả là những người yêu nhau thực sự bao giờ cũng phải khổ đâu thì đó là một điều luật của số phận. Chúng ta hãy kiên trì chịu đựng thử thách, vì đó là dấu hiệu thông thường của tình yêu, cũng giống như những tâm sự, những giấc mơ, những tiếng thở dài, những ước mong, những giọt lệ, tất cả đều là những tùy tùng tội nghiệp của sự đắm say.

LAIXANĐƠ – một lời có sức thuyết phục biết bao! Vậy thì, Hecmiơ, hãy nghe anh. Anh có một bà cô góa bụa, làm hủ một gia sản lớn mà lại không con. Bầ ấy quý yêu anh như đứa con duy nhất của mình. Nhà bà cách Aten bảy dặm, ở đấy, anh có thể làm lễ cưới em, hỡi Hecmiơ yêu kiều. Luật lệ độc ác thành Aten không thể đuổi theo ta đến tận chốn ấy. Nếu quả thật em yêu anh thì đêm mai em hãy trốn ra khỏi nhà, anh sẽ đứng chờ em ở trong rừng, cách thành một dặm, nơi có lần anh đã gặp en cùng với Hêlen để đón mừng buổi sáng tháng Năm(1).

HECMIƠ – Anh Laixanđơ tốt lành của em! Em xin thề với anh, có cánh cung mạnh nhất và mũi tên đầu vàng tốt nhất của thần Kiupit(2), có những con chim bồ câu trong trắng của thần Vệ nữ(3). Xe mây của nàng do bồ câu kéo.), thần đan kết các tâm hồn và khuyến khích các tình yêu, có ngọn lửa thiêu cháy nữ hoàng Cactagiơ khi thấy lừa học người Tơroa dong buồm ra đi(4), có tất cả những lời thề ước mà bọn đàn ông xưa nay đã phản bội, nhiều hơn gấp bội những lời thế ước mà người đàn bà xưa nay đã nói ra, em sẽ quyết gặp anh ngày mai, đúng nơi anh đã hẹn.

LAIXANĐƠ – Em yêu ơi, hãy giữ lời. Kìa, Hêlen đã đến.

Hêlen ra.

HECMIƠ – Cầu Chúa phù hộ cho nàng Hêlen xinh đẹp! Chị đi đâu kia?

HÊLEN – Chị gọi tôi là xinh đẹp ư? Xin hãy rút cái từ xinh đẹp ấy đi. Đimitriơx yêu vẻ đẹp của chị. Ôi vẻ đẹp hạnh phúc! Đôi mắt chị là những vì sao lóng lánh, và giọng nói dịu dàng của chị còn thánh thót hơn cả tiếng sơn ca trong tai kẻ mục đồng khi lúa còn đang xanh và những nụ sơn trà bắt đầu nở. Bệnh vốn hay lây, ôi hỡi Hecmiơ xinh đẹp, nếu như vẻ mĩ miều cũng thế thì tôi sẽ được lây bệnh của chị trước khi ra đi. Tóc của tôi sẽ lây tóc chị, mắt của tôi lây cái nhìn của chị và lưỡi của tôi lây cái nhịp điệu dịu dàng trong tiếng nói của chị. Nếu như thế giới là của tôi, thì tôi sẽ cho đi hết, trừ Đimitriơx, để biến thành chị. Ôi, hãy dạy cho tôi cung cách của chị, và bằng thứ nghệ thuật nào chị gây ra nhịp đập của trái tim Đimitriơx!

HECMIƠ – Tôi nhăn nhó với anh ấy, mà anh ấy vẫn yêu tôi.

HÊLEN – Ôi, làm sao cho những cái nhăn nhó của chị truyền được cái tài hoa ấy cho những nụ cười của tôi.

HECMIƠ – Tôi nguyền rủa anh ấy, anh ấy lại hiến dâng tình yêu!

HÊLEN – Ôi, làm sao cho những lời cầu nguyện của tôi cũng lay động được bấy nhiêu xúc cảm.

HECMIƠ – Tôi càng căn ghét, anh ấy càng đeo tôi.

HÊLEN – Tôi càng yêu thương, anh ấy càng căm ghét.

HECMIƠ – Sự cuồng si của anh ấy đâu phải là lỗi của tôi, Hêlen ạ.

HÊLEN – Không phải lỗi của chị, nhưng là vẻ đẹp của chị: ước gì lỗi ấy là của tôi!

HECMIƠ – Chị cứ yên tâm: anh ấy sẽ không nhìn thấy tôi ở đây nữa. anh Laixanđơ và tôi sắp trốn khỏi nơi này. Trước khi quen biết Laixanđơ thành Aten đối với tôi như một thiên đường, ôi, không biết có những gì kì ảo ẩn náu trong mối tình tôi mà nó đã biến thiên đường thành địa ngục!

LAIXANĐƠ – Hêlen này, chúng tôi xin lộ ra với chị dự định này của chúng tôi: đêm mai, khi mà nữ thần Phibi(1) soi mặt bạc trong gương nước, tô điểm các lá cỏ bằng những hòn ngọc nc, vào cái khoảng thời gian vẫn thường che giấu cuộc trốn chạy của những người yêu nay, chúng tôi quyết định trốn ra khỏi cổng thành Aten.

HECMIƠ – Và Laixanđơ cùng tôi sẽ gặp nhau ở khu rừng, nơi mà chị và tôi vẫn thường tới nằm chơi trên những luống hoa anh thảo mềm mại, thổ lộ hết mọi điều dịu ngọt trong tâm can. Rồi từ đó, quay mặt khỏi Aten, chúng tôi sẽ đi tìm những bạn bè mới và những người xa lạ. Xin từ biệt, người bạn dịu hiền trong những cuộc chơi của tôi! Bạn hãy cầu nguyện cho chúng tôi nhé. Và mong rằng số phận may mắn sẽ đem chàng Đimitriơx đến cho bạn! Laixanđơ, hãy nhớ lấy lời. Chúng ta buộc phải không nhìn thấy nhau(2) cho đến nửa đêm mai.

LAIXANĐƠ – Anh sẽ nhớ lời, Hecmiơ của anh.

Hecmiơ vào.

Xin vĩnh biệt Hêlen. Cầu mong rằng Đimitriơx sẽ yêu chị như chịu yêu anh ấy!

HÊLEN – Sao lại có những người hạnh phúc hơn những người khác! Khắp cả thành Aten, ta cũng được mọi người cho là xinh đẹp như nàng, nhưng để làm gì? Đimitriơx không cho là như thế. Chàng không muốn biết điều mà mọi người đều biết, chỉ trừ có mỗi mình chàng. Và chàng lầm lạc, đắm đuối theo cặp mắt của Hecmiơ, cũng như ta lầm lạc khi mê say những đức tính của chàng. Đối với những vật tầm thường và thấp kém hoàn toàn không đáng giá, tình yêu có thể truyền cho hình hài và phẩm cách. Tình yêu không phải nhìn bằng mắt, mà nhìn bằng tưởng tượng. Vì vậy mà người ta vẽ thần Kiupit có cánh bay là một kẻ mù lòa, và trí tưởng tượng của tình yêu lại không ưa sự phán xét. Những cánh bay, chứ không phải những mắt nhìn, đó là biểu tượng của sự vội vàng không căn cứ: người ta bảo Thần tình ái là một đứa trẻ, vì nó thường lầm lẫn khi lựa chọn. Giống như bọn trẻ con ngỗ nghịch không giữ lời cam kết khi nô đùa, Thần tình ái là một đứa bé bội ước ở khắp nơi. Vì trước khi Đimitriơx nhìn thấy cặp mắt của Hecmiơ, chàng tuôn ra bao lời thề thốt nói rằng chàng chỉ thuộc về ta, thế nhưng chỉ vừa cảm thấy hơi nóng của người Hecmiơ thì tất cả những lời thề thốt ấy đã tan ra và biến đi như những hạt mưa đá. Ta sẽ đến báo cho chàng về cuộc trốn chạy của nàng Hecmiơ xinh đẹp đêm mai, chàng sẽ đuổi theo nàng đến khu rừng, và nếu vì đưa tin ấy mà ta được chàng cám ơn thì đó đã là một điều quý hóa. Và giờ đây, để tự thưởng công cho mình, ta trở lại ngay dưới ánh mắt chàng.
Hêlen vào.

CẢNH 2

Aten. Một gian phòng trong nhàQuynxơ. Xnăc, Phơliút, Xnao và Xtavelinh ra.

QUYNXƠ – Cả đội chúng ta đã có mặt đây chưa?

BOTTƠM – Tốt hơn hết là cứ gọi tất. Từng người một, theo đúng danh sách.

QUYNXƠ – Đây là cuốn sổ ghi tên tất cả những người được xem như là thích hợp nhất trong cả Aten để thủ vai trong vở kịch của chúng ta trước mắt Ngài quận công và nữ quận công vào tối ngày hôn lễ.

BOTTƠM – Này bác Pitơ Quynxơ tốt lành ơi, trước hết hãy cho biết vở kịch nói về cái gì đã, rồi đọc tên các nhân vật lên, như thế mới được chứ.

QUYNXƠ – Trời đất, vở kịch của chúng ta là Vở hài kịch bi thảm nhất và cái chết tàn khốc nhất của Pirơmơx và Thidơbi(1).

BOTTƠM – Tớ bảo đảm với các cậu rằng đây là một vở rất hay, vui ra phết... Nào, bác Pitơ Quynxơ tốt lành, cứ theo sổ mà gọi các nhân vật đi... Các cậu đứng thẳng vào.

QUYNXƠ – Tớ gọi thì trả lời nhé... Nic Bottơm,thợ dệt.

BOTTƠM – Có. Nói xem tớ đóng vai gì, rồi hãng tiếp.

QUYNXƠ – Nic Bottơm, cậu được phân vai Pirơmơx.

BOTTƠM – Pirơmơx là loại người nào? Một kẻ si tình hay một tên bạo chúa?

QUYNXƠ – Một kẻ si tình tự sát một cách hào hùng vì tình yêu.

BOTTƠM – Để đóng vai này cho tốt, phải rót ít nhiều nước mắt. Nếu tớ thủ vai, thì khán giả hãy liệu hồn mà xem ắt của mình, tớ sẽ vung lên bão táp và gây ra đồng cảm chừng nào. Qua những người khác đi... Thế nhưng, cái khí chất chính của tớ lại hợp với một vai bạo chúa. Tớ có thể thủ vài Ecquyn(1) như ít người đóng được, hay một vai làm nổ tung mọi vật, và phán ra những lời quyết liệt(2).

Những hòn đá hờn căm

Ầm ầm va chạm

Sẽ đập tan xích khóa

Ở cổng các ngục tù

Và xe mây Phibơx(3)

Sẽ chiếu sáng từ xa

Làm tan tan hợp hợp

Những số phận rủi ro.

Thật tuyệt diệu!... Giờ hãy gọi tên các diễn viên khác đi... Đó là giọng của Ecquyn, giọng của một bạo chúa... Một kẻ si tình thì thống thiết hơn.

QUYNXƠ – Phranxix Phơliút, thợ chữa ống bễ.

PHƠLIÚT – Có, Pitơ Quynxơ.

QUYNXƠ – Cậu phải đóng vai Thidơbi.

PHƠLIÚT – Thidơbi là ai? Một kị sĩ lang thang à?

QUYNXƠ – Đó là vị phu nhân mà Pirơmơx phải yêu.

PHƠLIÚT – Này, nói thực, đừng để tớ đóng vai nữ. Râu tớ đang lên đây này.

QUYNXƠ – Chẳng sao cả. Cậu sẽ đeo mặt nạ khi đóng vai và cậu tha hồ nói giọng kim thật nhỏ.

BOTTƠM – Nếu tớ che được mặt thì cho tớ đóng vai Thidơbi với, tớ sẽ nói bằng một giọng thanh nhỏ nhẹ ghê gớm: “Thidơni, Thidơni”... “Ơi, anh Pirơmơx, người yêu thương mến của em ôi! Thidơbi thân yêu của anh, người đàn bà thân yêu của ânh đây!”

QUYNXƠ – Không, không, cậu phải đóng vai Pirơmơx, còn Phơliút, cậu thì vai Thidơbi.

BOTTƠM – Thôi được, tiếp đi.

QUYNXƠ – Rôbin, Xtavelinh, thợ may.

XTAVELINH – Có, Pitơ Quynxơ ạ.

QUYNXƠ – Rôbin Xtavelinh ạ, cậu phải đóng vai mẹ Thidơbi. Tôm Xnao, thợ hàn nồi.

XNAO – Có, Pitơ Quynxơ.

QUYNXƠ – Cậu đóng vai bố Pirơmơx; còn tớ thì vai bồ Thidơbi. Còn Xnăc, thợ mộc, cậu đóng vai sư tử, tớ hi vọng là vậy.

XNĂC – Cậu đã có cái phần vai sư tử viết ra chưa? Nếu có thì xin cậu cho tớ, vì tớ chậm thuộc lắm.

QUYNXƠ – Cậu có thể ứng khẩu ra, vì chỉ là gầm rú thôi mà.

BOTTƠM – Cho tớ đóng vai sư tử với. Tớ sẽ gầm rú khiến cho ai cũng khoái chí khi nghe tớ. Tớ sẽ gầm rú khiến cho Ngài quận công phải nói: “Để cho hắn gầm rú nữa đi! Để cho hắn gầm rú nữa đi!”

QUYNXƠ – a, nếu cậu làm ghê gớm quá thì nữ quận công và các bà phu nhân sẽ phát hoảng lên, họ sẽ kêu thét lên, và như thế là đủ để treo cổ tất cả bọn ta lên.

TẤT CẢ – Treo cổ tất cả bọn ta, mỗi bà mẹ một thằng con.

BOTTƠM – Các ông bạn của tôi ơi, tớ đồng ý với các cậu rằng nếu ta làm các phu nhân hoảng sợ, thì họ không có cách phán xét nào hơn là treo cổ bọn ta. Nhưng tớ sẽ hạ giọng xuống đến mức tớ sẽ gầm rú một cách dịu dàng y như một con chim bồ câu đang mớm cho con. Tớ sẽ gầm rú y như một con chim họa mi.

QUYNXƠ – Cậu không thể đóng vai nào khác vài Pirơmơx. Vì Pirơmơx là một người có bộ mặt dịu dàng, một người tử tế như người ta ưa thấy vào một ngày hè, một người rất lịch sự, đáng yêu, bởi vậy cậu nhất thiết phải đóng vai Pirơmơx.

BOTTƠM – Được, tớ sẽ lĩnh vai ấy cho. Đóng vai ấy thì bộ râu nào là hợp nhất với tớ?

QUYNXƠ – Cái nào cũng được, tùy ý cậu.

BOTTƠM – Tớ sẽ ra vai hoặc là với một bộ râu màu rơm nhé, một bộ màu da cam rám nhé, một bộ màu đỏ lấm tấm nhé, hoặc là với một bộ râu màu vương miện Pháp, vàng chóe(1).

QUYNXƠ – Mấy cái vương miện Pháp hoàn toàn không có râu, và thế là cậu đóng kịch mặt trơn. Nhưng này các ông tướng ơi, đây là phần vai của các cậu. Và tớ yêu cầu các cậu, van xin các cậu, khuyên can các cậu học kỹ vai của mình cho kịp đêm mai, và gặp tớ dưới ánh trăng, ở khu rừng thuộc lâu đài, cách thành phố một dặm. Bọn ta sẽ tập diễn ở đấy, vì nếu chúng ta gặp nhau trong thành phố thì chúng ta sẽ bị thiên hạ quấy rầy và ý đồ của ta lộ hết. Trong lúc chờ đợi, tớ sẽ lập một bản danh sách các đồ đạc cần cho vở kịch của ta. Tớ van các cậu, đừng quên đấy.

BOTTƠM – Bọn tớ sẽ đến và ở đấy chúng ta sẽ tập diễn thật tự do và hăng hái.

QUYNXƠ – Hãy cố lên. Phải cho thật hoàn hảo. Chào các cậu. Chỗ gặp là cây sồi của quận công.
BOTTƠM – Đủ rồi. Bọn tớ nhất định sẽ y hẹn(1).
Họ vào.
SONG XUÂN dịch

1 nhận xét:

kanh nói...

không có hồi 2 ạ