Thứ Hai, tháng 11 13, 2006

Giàn nhạc giao hưởng_Cấu trúc và các nhạc cụ

Các bạn ạ khi Ánh Sao sưu tầm bài viết này thì một số hình ảnh và link đã bị hỏng nên các bạn sẽ không dễ dàng và nhanh tróng hiểu được toàn bộ nội dung của bài viết, nhưng không sao dần dần chúng ta sẽ biết tất, chỉ cần chúng ta có tình yêu thực sự với nhạc cổ điển nói chung và giàn nhạc giao hưởng nói riêng, Ánh sao đã lược bớt một số link mà không dùng được chỉ đưa ra hai link này theo gợi ý của tác giả để các bạn thử tự tìm hiểu xem sao:

Đi nghe nhạc sống là một điều lý thú. Tuy thưởng thức âm nhạc chỉ cần thính giác thôi, nhưng được xem các nhạc sĩ chơi đàn thì thật sự tăng thêm phần sống động của bản nhạc, vì lẽ thường tình là con người thi’ch “mắt thấy tai nghe”. Đi nghe nhạc cổ điển, một hình thức thưởng thức âm nhạc, và còn là một đóng góp văn hóa, vì nhạc cổ điển ít thông dụng với quần chúng, mà nhạc cổ điển là một văn hóa tuyệt diệu của loài người, cần được duy trì mạnh mẽ. Thời nay nhạc cổ điển không còn là nhạc của giới thượng lưu nữa, nhưng nhiều người vẫn có thái độ e dè với loại nhạc này, vì tính cách phức tạp của nó. Bài viết này xin trình bày phần cấu trúc của một giàn nhạc cổ điển. Khi quý vị hiểu rõ hơn về các thành phần của một giàn nhạc giao hưởng, thì hy vọng không bị lóa mắt bởi tính cách vĩ đại của giàn nhạc - sao mà lắm người, lắm đàn thế? - mong rằng quý vị sẽ thoải mái hơn để để tâm trí thưởng thức một bản nhạc cổ điển trình tấu với một giàn nhạc đại hòa tấu, hay giàn nhạc giao hưởng, tiếng Anh gọi là Symphony Orchestra.

Thường chỉ có tỉnh lớn mới có được một giàn nhạc giao hưởng, vậy giàn nhạc giao hưởng còn nói lên sự trưởng thành của một tỉnh, và công trình của rất nhiều người mới thành lập được một giàn nhạc giao hưởng. Năm nay 2004, tại quận Cam, tiểu bang California, nơi có nhiều người Việt định cư nhiều nhất trên thế giới, giàn nhạc giao hưởng của vùng, gọi là Pacific Symphony Orchestra (PSO) được 25 tuổi. PSO là giàn nhạc lớn thứ ba trong tiểu bang, đứng sau hai giàn nhạc của thành phố Los Angeles và San Francisco. Năm 2001, giàn nhạc đã được đề cử giải Grammy, qua hai bản concerti cho đàn piano của Luka Foss thâu âm với hai tay đàn piano tài danh, Jon Nakamatsu và Yakov Kasman. Năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 20 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, nhạc sĩ Elliot Goldenthal đã phát hành tấu khúc "For Water Paper: A Vietnam Oratorio", dưới quyền điều khiển của nhạc trưởng Carl St Clair, tiếng đàn cello của Yo-Yo Ma, giàn nhạc giao hưởng PSO, và ca đoàn Pacific Chorale. Điểm đặc biệt là giàn nhạc được phụ thêm với các đàn bầu, đàn tranh của Việt Nam ta. Thật là một niềm vui sướng được thấy các nhạc cụ Việt Nam chơi trong giàn nhạc giao hưởng lớn, tạo cho tấu khúc âm thanh ấm nồng và réo rắt của phương Đông. Ngoài hai buổi trình tấu thông thường cho một bản nhạc, lần đó PSO đã có một buổi trình tấu đặc biệt dành riêng cho cộng đồng Việt Nam.

Trong bài giới thiệu giàn nhạc nhân dịp kỷ niệm 25 năm, PSO đã cho in một sơ đồ cấu trúc giàn nhạc. Từ đó, người viết lấy ý và tìm hiểu thêm về cấu trúc, các thành phần của một giàn nhạc, các loại đàn khác nhau được sử dụng trong một giàn giao hưởng. Mong rằng qua bài viết, quý bạn sẽ yêu thích nhạc cổ điển hơn, vì nhạc cổ điển rất phong phú về âm điệu và một người yêu nhạc thì không thể không yêu nhạc cổ điển.

Sơ đồ của một giàn nhạc, vị trí các chỗ ngồi của nhạc công

Âm thanh của giàn nhạc đại hòa tấu tùy thuộc rất nhiều vào cách sắp xếp vị trí của các nhạc công trên sân khấu. Mỗi bận trình diễn, các thành viên của giàn nhạc đều có một chỗ ngồi đã được định sẳn. Tùy theo tấu khúc mà giàn nhạc có đầy đủ số nhạc công hay chỉ có một phần mà thôi. Các nhạc cụ cũng tùy thuộc vào bản nhạc, nhất là các nhạc cụ của bộ gõ (percussion). Các nhạc công ngồi theo nhóm, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng, conductor.

Đứng giữa sân khấu, có khi còn đứng trên cái bục cao là nhạc trưởng. Ai cũng hiểu nhạc trưởng điều khiển giàn nhạc. Nhưng vai trò của người nhạc trưởng còn rộng rãi hơn nhiều . Phải nói nhạc trưởng là linh hồn của giàn nhạc. Ông là người thiết lập chương trình trình diễn cho toàn năm, chọn lựa các bản nhạc trình tấu, chọn lựa những nhạc sĩ để trình diễn các tấu khúc solo với giàn nhạc. Cùng với giám đốc của trung tâm nghệ thuật (sân nhà của giàn nhạc giao hưởng), nhạc trưởng phát huy và chỉ đạo con đường nghệ thuật cho giàn nhạc, và còn cho tỉnh nữa, nếu tỉnh chưa trưởng thành trên mặt âm nhạc. Tất nhiên, vai trò quan trọng của ông là hướng dẫn những buổi thực tập, tìm hiểu sâu xa các bản nhạc, điều khiển giàn nhạc, quyết định các phần kỹ thuật cho bản nhạc, tỷ như những nhạc khí nào tấu vào các đoạn khởi đầu và phần chấm dứt của bản nhạc.

Giàn nhạc giao hưởng gồm có bốn nhóm nhạc cụ sau đây:
1. Bộ Đàn Đây: violin (vỹ cầm), viola, cello & double bass
2. Bộ Đàn Gió: flute (sáo), oboe, bassoon, clarinet
3. Bộ Kèn Đồng: horn, trumpet, trombone, tuba
4. Bộ Gõ: timpani, xylophone, cymbals, triangle, snare drum, Bass Drum, woodblocks, gongs (chiêng), chimes.

1. Bộ Đàn Đây(Strings) gồm có violins, viola, cello, double bass, luôn là nhóm ngồi hàng đầu trong giàn nhạc trên sâu khấu, vì đàn giây là âm thanh chính của toàn bộ giàn nhạc.

Hàng đầu bên tay trái của nhạc trưởng là nhóm đàn vỹ cầm nhất (first violins). Nhóm vỹ cầm nhị (second violins) và nhóm violas được xếp bên tay phải, làm thành một bán vòng tròn chung quanh nhạc trưởng. Nhóm đàn cello ngồi phía tay mặt của nhạc trưởng, ngồi sau nhóm đàn vỹ cầm, có lúc lại được xếp ngồi chính giữa giàn nhạc. Nhóm đàn double bass ngồi phía sau. Theo mô hình của giàn nhạc Pacific Symphony Orchestra (PSO), thì nhạc trưởng St Clair xếp nhóm violas phía ngoài cùng, bên tay mặt ông, và nhóm đàn cellos ngồi vào trong, sau nhóm violas, vì ông muốn khán giả tận hưởng âm vang của tiếng đàn violas, nếu không âm thanh đàn violas nhỏ hơn, và sẽ bị át bởi đàn cellos, âm của đàn cellos mạnh hơn. (Sơ đồ giàn nhạc PSO sẽ cho lên sau).

Mỗi nhạc công được xếp vào một chỗ nhất định, tùy tấu khúc. Trong bộ đàn dây, các nhạc công được xếp thành từng cặp. Theo giàn nhạc PSO ta thấy có tất cả 14 nhạc công trong nhóm vỹ cầm nhất, và 12 nhạc công trong nhóm Vỹ Cầm Nhị. Cũng thế nhóm nhạc công Cellos, violas và double bass đều có một số chẳn nhạc công. Tạm dùng từ nhạc công để phân biệt nhạc sĩ sáng tác, nhưng phải nói các “nhạc công” được tuyển vào trong một trong giàn nhạc đại hoà tấu là những người đã có bằng cấp âm nhạc cao, ít nhất là bằng cử nhân về âm nhạc, chuyên về bộ môn mà người đó chọn.

2. Bộ Đàn Gió (Woodwinds) gồm có flute (sáo), oboe, bassoon và clarinets, là nhóm đàn kế tiếp, ngồi sau bộ đàn dây, thường họp thành một hình vuông nằm vào vị trí chính giữa giàn nhạc .

3. Kế tiếp là Bộ nhạc cụ Kèn Đồng (Brass). Thường thì nhóm kèn horns ngồi phía tay trái của nhạc trưởng, và các kèn đồng khác ngồi phía tay phải, nhưng cũng có lúc các nhạc công chơi kèn horns được xếp thành một hàng dài và các nhạc cụ kèn đồng trong cùng bộ xếp thành hàng phía sau. Thường hai bộ kèn đồng và kèn gió được xếp ngồi trên các bục cao hơn bộ đàn dây để khán giả có thể trông thấy họ, vì vị trí hai bộ này ở vào phần cuối sân khấu.

4. Cuối cùng là Bộ Gõ (Percussion). Nhóm này được xếp bên tay trái hay vào hàng cuối của giàn nhạc. Trống timpani có thể ở vào vị trí đối diên kèn đồng và đàn dây, để cân bằng âm thanh thấp nhất của giàn nhạc. Vị trí của các đàn gõ khác được xếp đặt tuỳ theo tấu khúc. Nhạc công chơi đàn gõ có thể chơi nhiều loại đàn cùng một lúc, vì thế các nhạc cụ này phải xếp gần nhau để nhạc công dễ dàng điều khiển các nhạc cụ.

Mỗi nhóm nhạc cụ đều có một một nhạc công trưởng, và được xếp vào ngồi ghế đầu của nhóm. Người này còn có bổn phận sắp xếp các nhạc công trong nhóm mình chơi tuỳ đoạn của tấu khúc.
1. Bộ Đàn Dây (Strings)

Bộ Đàn Dây có bốn loại: vỹ cầm (violin), viola, cello và double bass. Đây là nhóm quy tụ nhiều nhạc sĩ nhất trong một giàn nhạc đại hoà tấu, con số lên đến 60 người. Trong giàn nhạc PSO thì con số này là 58 nhạc sĩ. Cần nhiều như vậy vì âm thanh đàn dây là chính, và âm thanh cần hòa điệu với các âm thanh của các bộ đàn khác, nếu ít quá âm thanh đàn dây sẽ bị lấn bởi âm vang các nhạc cụ khác. Tất cả nhạc cụ đàn dây đều được làm bằng gỗ, có dây trên mặt, hình dạng giống nhau, nhưng khác nhau về kích thước. Nhạc sĩ chơi đàn bằng thanh cây gọi là bow, khi dùng cây để khẩy dây đàn, gọi là bowing. Thanh "bow" này được một nhà chuyên môn tên là François Tourte đưa đến mức tuyệt hảo, và từ đó những nhà làm bow khác dựa vào mà sản xuất các thanh cây, với những cây đàn mắc tiền, thanh cây bow rất đẹp. Cây bow làm bằng gỗ pernambuco, Nam Mỹ, và cũng là tên của một vùng xứ Brazil. Cây bow của đàn vỹ cầm và đàn violia thường dài 73 hay 75cm, và của đàn cello lại ngắn hơn chỉ dài 72-73 cm. Khi mua cây đàn, tất nhiên là cây đàn và thanh bow phải được bán chung, nhưng phần đông cây bow được sản xuất riêng qua những nhà chuyên môn làm bow.

a. Vỹ cầm – violin

Đàn violin là đàn nhỏ nhất trong các loại đàn dây, vì dây ngắn nhất, nhưng số nhạc công trong nhóm nhiều hơn hết, và gồm có hai nhóm: Nhóm vỹ cầm nhất (first violins), chơi nhạc với âm độ cao hơn hết, và nhóm vỹ cầm nhị (second violins), chơi nhạc âm độ cao thứ nhì sau nhóm đàn vỹ cầm nhất.

Ghế đầu tiên là ghế chính của một nhóm đàn, tỉ như ghế chính của đàn dây, ghế chính clarinet, hay viola ..., có nghĩa là người nhạc công này là trưởng của nhóm nhạc cụ đó.

Nhạc công trưởng của nhóm vỹ cầm nhất rất quan trọng, tiếng anh gọi là concermaster (đàn ông) hay concertmistress (đàn bà), danh từ xuất phát từ thế kỷ 18, khi concertmaster là người lãnh đạo giàn nhạc. Thời đó chưa có nhạc trưởng như bây giờ. Đó là người bắt đầu hay chấm dứt một buổi trình tấu, và có trách nhiệm hướng dẫn những buổi tập dượt với giàn nhạc. Thời nay vai trò của người nhạc sĩ này vẫn quan trọng, đó là người làm việc cận kề với nhạc trưởng để hòa hợp tất cả những nhạc cụ đàn dây, và cũng chọn cách thức chơi đàn. Concertmaster/concertmistress bắt đầu buổi trình diễn bằng cách so dây đàn với nhạc công chơi oboe. Concertmaster sẽ hỏi nhạc công oboe để so nốt A cho đồng đều nhau, là một điều rất quan trọng cho vai trò người nhạc trưởng.

Nhóm vỹ cầm nhất có con số nhạc công nhiều hơn hết trong nhóm đàn dây, và cũng nhiều hơn hết trong giàn nhạc. Với PSO, nhóm này có 16 người tất cả.

Ngồi sau nhóm Vỹ cầm nhất hay ngồi hàng bên trái của nhạc trưởng là nhóm Vỹ cầm Nhị. Trong PSO con số của nhóm này là 12 người. Nhạc sĩ chơi đàn violin hay, thường được mời đánh solo với giàn nhạc vì có nhiều tấu khúc được soạn riêng cho violin solo. Đã có nhiều nhạc sĩ nổi danh chơi đàn violin rất cừ, trong đó có Midori, chơi đàn lúc 3 tuổi.

b. Viola

Đàn viola lớn hơn và nặng hơn đàn violin một tí, là dụng cụ quan trọng trong giàn nhạc, nhưng không bao giờ chơi solo một mình: không có nhạc sĩ biểu diễn đàn viola đánh đơn cùng với giàn nhạc, trông khi đó có nhiều khúc tấu đặc biệt soạn riêng để các nhạc sĩ violin hay cello tấu với dàn nhạc giao hưởng. Âm thanh của đàn viola ấm hơn và được đánh với độ thấp hơn đàn violin (lower pitch). Đàn viola nặng hơn violin và hình dạng rất giống đàn violin. Nhạc sĩ chơi đàn viola cũng tựa như violin, là bỏ lên vai bên trái và khảy đàn từ tay phải. Âm thanh của viola, được ví như giọng alto (giọng nữ trầm) của nhóm đàn violin, nhưng trong một nhóm tứ tấu đàn dây (quartet), viola lại chơi theo giọng tenor (giọng nam cao).

Con số nhạc sĩ của nhóm này là 10-12 người.

c. cello

Đàn cello chơi với âm thanh chùng hơn cả viola, cả một quãng tám (octave) thấp hơn. Dây đàn dài hơn cho nên thân đàn cũng lớn hơn gấp hai đàn viola, vì vậy nhạc sĩ ngồi trên ghế và kẹp đàn giữa đùi, ngoài ra còn có một thân cây nhỏ (endpin) gắn vào phần cuối cây đàn, chóng xuống sàn để giữ thăng bằng cho cây đàn cello. Nhạc sĩ cầm cây bow ở bên tay phải và đánh đàn, đưa qua đưa lại trên dây đàn, cùng lúc đó người nhạc sĩ có thể đổi âm thanh với cây bow hay nhấn dây bằng ngón tay (như chơi guitar).

Còn gọi là violoncello, trong giàn nhạc nhóm cello có số nhạc công ngang bằng với nhóm viola, hay nhóm vỹ cầm nhị (thường là 10, 12 người). Với giàn nhạc thính phòng, âm thanh của cello nghe như điệu bass.

Nhóm cello trong giàn nhạc giao hưởng mang đến cho bản nhạc một âm thanh ấm nồng. Ngồi chung với nhau, người các nhạc sĩ nghiêng qua, nghiêng lại về một phía rất nhịp nhàng, và cây endpin này đã giúp cho các nhạc sĩ dễ dàng sử dụng nhạc cụ hơi lớn này của họ. Thuở ban đầu, trước năm 1800 các nhạc cụ lớn như cello, double bass chưa có cây endpin, cho nên thật là một điều khó cho nhạc sĩ giữ thăng bằng các nhạc cụ này.

Cello có âm vực phủ rộng cả trầm trung và cao và dễ át các loại đàn khác, cho nên nhạc trưởng Saint Clair đã cho nhóm violas ngồi ra ngoài để khán giả có thể tận hưởng âm thanh nhạc cụ viola, tránh bị lấn áp bởi âm thanh nhóm đàn cello.

d. Double Bass.

Nhóm cuối của Đàn Dây, là double bass, cũng là cây đàn dây lớn nhất trong dãy nhạc cụ này. Thường cây đàn này cao 6 feet. Người chơi đàn phải đứng và giữ cây đàn cho thăng bằng, và đánh đàn như tựa như cây cello. Cây double bass lớn nhất cao 16 feet, được Paul de Wit tạo ra, để đón mừng ngày hội âm nhạc tại Cincinnati năm 1889. Một cây đàn double bass thông thường có bốn giây chạy qua mặt đàn.

Quý vị cũng đoán được qua cái tên, double bass -còn được gọi là bass Viol, hay contrabass - có một âm vực thấp nhất trong bộ Đàn Dây.

Nhóm đàn dây là nhóm lớn nhất của một giàn nhạc đại hòa tấu, với một âm thanh dễ nhận, nhưng phải có các bộ đàn khác thì mới tạo được sự phong phú đa dạng về hòa âm, và độ vang của nhiều nhạc cụ.

2. Bộ Đàn Gió (Woodwinds)

Bộ nhạc cụ đàn gió, Anh Ngữ là Woodwinds, tiếng Pháp là "Instruments à Vent Bois." Trước hết, bàn về từ "Đàn Gió". Giàn nhạc giao hưởng cũng như nhạc cổ điển, còn rất mới với VN ta, cho nên trong trường hợp Woodwinds, bộ này có nhiều cách gọi khác nhau, chưa thống nhất. Có người gọi "Bộ Đàn Gió", Gió từ chữ Wind của Anh ngữ, còn Pháp ngữ là Vent, tức các nhạc cụ dùng gió để tạo thành âm thanh. Còn có người lại gọi là "Bộ Gỗ", từ chữ Wood, có nghĩa là gỗ, vì ngày xưa tất cả nhạc khí trong bộ đều làm bằng gỗ, nhưng thời bây giờ các nhạc cụ này có thể làm bằng gỗ, kim khí, xương thú vật, hay ngà voi.

Có ngươi lại gọi bộ đàn Woodwinds là "Bộ Đàn Ống", vì các nhạc cụ đều có hình dài của cái ống, gọi như vậy là gọi theo hình dạng để phân biệt với nhóm kèn đồng cũng thổi hơi vào cây đàn, gây chấn động tạo thành âm thanh.

Tóm lại, các nhạc cụ của "Bộ Đàn Gió" gồm có các nhạc khí có hình dài, và các nhạc sĩ thổi gió hay hơi vào, tạo thành âm thanh, và nhờ các dạng khác biệt nhau nên các âm thanh mang một sắc thái riêng biệt. Trong giàn nhạc đại hoà tấu, bộ đàn gió gồm có sáo (flute), kèn o-bô (oboe), kèn clarinet và kèn bassoon. Thỉnh thoảng còn có kèn saxophone nữa.

Trong giàn nhạc PSO, bộ đàn gió được xếp ngồi chính giữa sân khấu, họp thành hình chữ nhật, và ngồi sau Bộ Đàn Giây.

a/ Sáo (flute) - piccolo
Sáo là một trong những cây đàn xưa nhất từ Âu sang Á, có lẽ xuất hiện từ đầu từ thế kỷ thứ 9, trước TC. Sáo là một cây đàn quan trọng cho bất cứ dòng nhạc nào, từ cổ điển, đến thời thượng, tới nhạc jazz. Ban đầu, sáo được đẽo từ gỗ, tre, trúc, thân cây sậy, đến thời nay thì sáo được làm bằng nhiều loại kim khí khác nhau, tùy âm thanh người ta muốn tạo ra . Các kim khí dùng làm sáo là bạc, vàng, đồng (như đồng tiền, nghĩa là hợp kim của niken, đồng, kẽm). Có khi sáo được làm bằng bạch kim, nhưng rất hiếm, chỉ để trưng bày. Còn nếu làm bằng gỗ thì từ loại gỗ tên là "grenadilla", một loại gỗ cứng ở Congo bên Phi Châu được coi như là tốt nhất cho cây sáo. Có người tin rằng sáo làm bằng vàng, mới tạo một âm thanh hay hơn cả, nhưng các nhà khoa học gia đã chứng minh là hơi gió thổi vào mới là nguyên nhân chính của thanh âm hay/dở của một cây sáo, thế nên một cây sáo làm bằng bạc, trong đó có lát vàng được các nhạc sĩ chuộng hơn cả, vì dễ giữ gìn và bảo đảm một chất lượng âm thanh tốt.

Cây sáo chế tạo ở Âu Châu - là cây sáo dùng cho giàn nhạc giao hưởng - có ba phần nối nhau: phần đầu, mình, và thân cuối, các phần có thể tháo rời và ghép lại rất thuận tiện trong việc mang sáo đi trình diễn. Người thổi sáo kề môi vào lỗ hỏng khoét ở đầu cây sáo, tay bịt vài cái lỗ hỏng trên thân sáo lại, và tùy đó mà âm vực lên xuống trầm bổng khác nhau. Tiếng Anh, Pháp sáo gọi là Flute, bắt nguồn từ tiếng Latin, flutus, có nghĩa là hơi thở. Cách thổi sáo thông thường nhất là cầm cây sáo ngang với mặt đất. Còn cách thổi cầm sáo chiều dọc thì không phổ thông nữa.

Sáo là loại đàn có âm thanh cao trong giàn nhạc, và thường chơi các giai điệu nhanh, linh hoạt. Sáo còn có tính cách réo rắc nên còn chơi các nốt kéo dài, đánh chung với đàn vỹ cầm nghe rất trữ tình.

Cây đàn piccolo tiếng Ý có nghĩa là cây sáo nhỏ. Piccolo giống đàn sáo như hệt, chỉ nhỏ hơn về hình dạng, và âm thanh. Học sáo hay piccolo cũng giống nhau, từ nốt cho đến cách nhấn tay, cách thổi. Âm thanh của piccolo cao hơn một quãng tám. Chỉ cần một cây piccolo trong giàn nhạc thôi cũng đủ nghe rõ ràng âm thanh của nó. Bản nhạc nổi tiếng có tấu khúc sáo nghe rất rõ, đó là bản Nutcracker của Tchaikovskỵ

Họ hàng nhà sáo còn có các cây sáo âm vực thấp hơn, đó là các sáo: alto, bass và octobass, dùng để kết hợp với các đàn khác trong bộ như oboe và clarinet..

Mỗi giàn nhạc thường có hai, ba hay bốn của mỗi loại kèn hay sáo. Trong một tấu khúc, mỗi loại đàn gió sẽ dạo chung với nhau một đoạn, thế nên âm thanh tạo bởi các loại đàn gió này sẽ được nghe rõ ràng.

b/ Clarinet.
Lịch sử của đàn clarinet bắt đầu từ đàn chalumeau, là một loại đàn ống dài, xuất phát từ thời trung cổ, đến ngày nay qua bao nhiêu đổi thay clarinet đã biến dạng và đã có thể chơi được nhiều âm vực khác nhau trong một giàn nhạc giao hưởng.

Clarinet đạt được ngôi vị quan trọng trong giàn nhạ giao hưởng vào thời kỳ lãng mạn (romantic), nhưng cho đến thế kỷ 20 thì kỹ thuật làm đàn clarinet mới đạt tới mức tân kỳ qua những cải tiến về âm vực và kỹ thuật của cây đàn. Âm thanh của đàn dễ dàng hoà điệu với các đàn dây và mọi đàn khác trong cùng bộ đàn gió. Clarinet có một nhạc cụ thông dụng cho nhiều loại nhạc khác nhau, từ opera, cổ điển, nhạc pop, jazz, nhạc thính phòng. Các giàn nhạc nho nhỏ của trường trung học thường đào tạo một số nhạc sĩ tương lai chơi clarinet.

Người nhạc sĩ chơi đàn clarinet thổi hơi bằng cách chu môi vào lưỡi kèn, gọi là reed, cắm trên đầu nhạc cụ, làm chấn động cột không khí trong thân ống. Đó cũng là cách thổi của đàn oboe và basson. Vậy trong bộ đàn gió, trừ sáo ra, các đàn khác đều thổi từ một cái lưỡi kép hoặc đôi.

Clarinet là nhạc cụ có thể thay đổi được cường độ từ mạnh sang nhẹ và ngược lại, chuyển âm vực từ lớn tới nhỏ dần dần rất tinh tế, và clarinet có thể chơi rất nhiều quãng nhạc khác nhau trong một giàn nhạc. Kỹ thuật của clarinet khá linh hoạt, nhanh, tương tự như cây sáo. Có ba loại đàn clarinet: c-clarinet, b-clarinet, e-clarinet, vì thế phạm vi hoạt động của đàn clarinet rộng rãi, các nhà soạn nhạc dễ dàng viết thêm đoạn cho đàn charinet.

c/ Oboe -
English horn Oboe từ chữ Hautbois của Pháp mà ra, được chế tạo thế kỷ thứ 17 bởi hai nhạc sĩ Pháp Jean Hotteterre và Michel Dnaican Philidor, chế biến từ một cây đàn shawn (tạm dịch là hồ lô) thường được chơi ở ngoài trời, thay bằng cây đàn âm thanh cao, nhưng không vang to, mục đích để chơi trong nhà . Người ta bắt đầu chơi đàn oboes thời vua Louis 14, tới năm 1700, thì nhiều giàn nhạc đã có thêm một cặp đàn oboe, và bắt đầu từ đó đạy cách thức chơi oboe.
Đàn oboe là loaị đàn double-reed, tức lưỡi đôi, ban đầu thô sơ, nhưng hiện nay cây đàn oboe đã được thiết kế lại tinh vi để có thể chơi những gam nửa cung của thế kỷ 19.

Hình dạng đàn oboe trông giống clarinet lắm, nhưng âm thanh khác hẳn, mang âm săc thái khoan thai, lâng lâng, mượt mà. Đàn oboe làm bằng gỗ, nhạc công thổi hơi vào lưỡi gắn ở miệng đàn. Oboe là cây đàn nhạc sĩ trưởng nhóm vỹ cầm nhất dùng để so tiếng đàn lúc bắt đầu buổi trình tấu.

Tựa như sáo và piccolo, English horn (cor anglais) là cùng cây đàn anh em với oboe, bắt đầu có mặt trong giàn nhạc thời Baroque. English horn, dịch nôm na là kèn Anh, nhưng cây đàn không xuất phát từ Anh mà cũng chẳng phải là cây kèn. Đây là trường hợp gọi sai và vì người ta dùng từ quen nên nó chết với cái tên đó. Cho đến thời Haydn và Wagner thì người ta không dùng English horn là bao nhiêu, phải đợi đến giữa thế kỷ 19, English horn mới có chỗ đứng trong giàn nhạc, với các nhạc sĩ Berlioz và Meyerbeer.

Âm thanh của Cor Anglais tựa như oboe, càng lên vực cao lại khó phân biệt oboe và cor anglais, vực thấp thì Cor Anglais nghe ấm và mạnh hơn.

d/ Bassoon - Contrabassoon

Bassoon là cây đàn gió lớn hơn hết trong bộ, chỉ thua contrabassoon, cùng chủng loại với bassoon. Nói chung, âm thanh của bassoon lớn hơn và trầm hơn đàn oboe, tạo thành âm vực bass của Bộ đàn gió. Bassoon làm bằng gỗ với các nút bằng kim khí, thân cây đàn dài, cong vài vòng, trong rất đặc biệt, có lưỡi đôi, (double reed) gắn bên thân cây đàn và nhạc sĩ thổi vào để tạo âm thanh.

Người nhạc sĩ chơi bassoon phải để thân đàn qua một bên, đàn có thể dài tới đùi. Đàn khá nặng cho nên được móc bằng dây và nhạc sĩ ngồi lên trên dây. Bassoon có thể chơi những nốt rất trầm, có khi có âm thanh ồ ồ, thoạt nghe có vẻ buồn cười, nhưng chơi được âm thanh thấp nhất của bassoon khg phải dễ, phải lấy hơi dài mới có được âm thanh trầm nhất của cây đàn contrabassoon.

Bassoon tiếng Pháp là "fagott", được sử dụng từ thế kỷ 14, có nghĩa là những cây gọp lại nhau. Lịch sử của bassoon xuất phát từ nhiều loại kèn ống, dài cổ xưa. Âm thanh của kèn bassoon vang dội nên người Pháp dùng chơi nhạc quân hành, hay chơi ngoài trời trong các hội hè. Đến thế kỷ 18 thì cây đàn đã được chế tạo lại để chơi nhạc thính phòng, cùng dạo với đàn phong cầm (organ) trong nhà thờ.

Nhà thơ Schubart đã diễn tả đàn bassoon như sau: “Một cây đàn có âm thanh hùng dũng, lại có âm sắc thanh cao, trang nhã của hoàng cung, và còn có thể chơi trong các tấu khúc opera. Bassoon tạo tính cách trang nghiêm của một bản nhạc, nhưng lại có âm điệu vui tươi của một điệu nhảy”.
Trong hình trên, các nhạc sĩ đang thổi cây đàn bassoon qua một cái lưỡi, được móc vào cây đàn, gọi là reed (Reed có tác dụng tạo âm thanh). Trừ cây sáo ra, các nhạc cụ trong bộ đàn gió đều có một cây reed móc vào thân cây đàn, hay miệng đàn. Đó cũng là điểm khác biệt mà người ta đã chia ra hai loại nhạc cụ "Đàn Gió" và "Kèn Đồng".
Đàn contrabassoon, còn gọi là double bassoon dài gấp hai đàn bassoon, nếu kéo dài ra có thể lên đến 5m, cho nên đàn được xếp cong vòng vài lần. Âm thanh thấp hơn đàn bassoon một quãng tám, nhưng nốt nhạc cũng giống như bassoon vậy. Contrabasooon nghe ồ ồ rất rõ trong một tấu khúc. Bạn có thể tìm thấy tiếng đàn bassoon, double bassoon trong tấu khúc của Mahler.

Các thời kỳ của âm nhạc cổ điển và sự tăng trưởng của giàn nhạc giao hưởng

1. Renaissance (1450-1600). Thời Phục Hưng. Chữ Renaissance, tiếng Pháp có nghĩa là Tái Sanh. Đó là thời kỳ người ta trở về với âm nhạc, âm nhạc được trọng vọng, âm nhạc được phục hưng tính chất nghệ thuật của nó. Song song với sự khám phá về khoa học, con người đua nhau học hỏi về lịch sử, văn hóa, khoa học và âm nhạc. Âm nhạc được hiểu là một nghệ thuật làm phong phú đời sống . Đi học âm nhạc trở thành một điều cần thiết. Lúc này âm nhạc được dạy tại gia hay tại nhà thờ. Phần đông các nhà soạn nhạc thời Phục Hưng chú tâm làm nhạc cho nhà thờ, hoặc lấy ý từ những câu chuyện nhạc đã có từ các thời trước. Các nhạc sĩ bắt đầu được trọng vọng về tài năng của họ .

Các bản nhạc có khung nhạc, với các nốt được in ra giấy với mục đích giáo dục, và như thế âm nhạc bắt đầu được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp, chứ không riêng gì cho một giới nào. Các nhạc cụ được biết đến, nhạc khiêu vũ rất thịnh hành. Giàn nhạc giao hưởng thành hình từ nhạc thính phòng với các đàn dây là chính như violin, viola và cellos, cùng các nhạc cụ đã có từ trước là sáo, oboe và kèn của thời xưa.

2. Thời Baroque (1600-1750), thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18. Chỉ hơn một thế kỷ thôi, âm nhạc trong thời Baroque đã tiến một bước dài, số lượng nhạc sáng tác thật nhiều. Thời baroque, âm nhạc mang phong cách hoa mỹ, kiểu cọ, lộng lẫy. Các nhà soạn nhạc sáng tác theo chỉ thị của các ông hoàng và các vị lãnh đạo tôn giáo, vậy công việc chính của các nhà soạn nhạc là phục vụ cho các ông chủ, chứ chưa phải là sáng tác thuần theo cảm xúc hay nghệ thuật. Đôi lúc các ông chủ lại đòi hỏi các sáng tác phải ra đời trong 1 thời gian ngắn, mà lại phải hay hơn các sáng tác đã có. Kết quả đã có nhiều bản nhạc thật cầu kỳ, có tính cách phô trương. Tuy vậy không thiếu những bản nhạc bất hủ ra đời, diễn tả lòng đam mê của các nhạc sĩ, tiêu biểu là danh tài âm nhạc Bach, nổi tiếng với nhiều tấu khúc tuyệt xảo cho các đàn keyboard, như organ., rồi Vivaldi với tấu khúc "The Four Seasons", Georg Friederich Händel của Anh quốc với các bản oratorio (thánh ca), Pachelbel, của Đức với các tấu khúc viết cho đàn organ.

Baroque còn được xem là thời kỳ đinh nghĩa ngôn ngữ căn bản của âm nhạc, mà những thời đại sau dựa theo đó mà học hỏi và sáng tác. Baroque là thời khai sinh ra những bản concerto, có nghĩa là tấu khúc soạn riêng cho một nhạc cụ, nhạc sĩ chơi solo chung với giàn nhạc . Ngòai ra cũng là thời nhạc được soạn cho giọng hát, nhạc kịch opera rấ thịh hành, và nhạc khiêu vũ vẫn phổ thông.

Giàn nhạc giao hưởng của thời Baroque có thêm hai nhạc cụ quan trọng mang đặc tính của thời này là đàn harpsichord và organ (phong cầm), là hai loại đàn có âm điệu phù hợp cho các bản thánh ca, thường có mặt trong nhà thờ. Các bản nhạc gọi là Oratorio được sáng tác rất nhiều. (oratoria - nhạc viết cho thánh kinh)

3. Thời Cổ điển (1750-1820). Âm nhạc vào giai đoạn có trật tự, luật lệ rõ ràng. Nhạc là một nghệ thuật chính xác. Âm nhạc và kỹ thuật đi đôi, âm nhạc được viết dựa theo truyền thống, là những thể điệu, cung cách đã định sẵn. Các nhà soạn nhạc phần đông vẫn làm việc cho hoàng gia hay giới thượng lưu.

Thời đó thành phố Vienna của Áo là trung tâm hoạt động âm nhạc. Các nhạc sĩ tương lai từ mọi nơi đổ tới Vienna để học nhạc của các giáo sư âm nhạc tại đây. Thành Vienne là nơi phải có mặt đến nỗi âm nhạc soạn thời đó còn có danh hiệu là "âm nhạc thành Vienne". Nói chung tại các nước Âu châu, các buổi hoà tấu công cộng trở thành phổ thông hơn trong quần chúng. Tại các tỉnh lớn, các nhà hát được thành lập để trình diễn nhạc kịch opera cùng các đại hoà tấu cho công chúng xem. Ngòai nhạc Opera rất phổ thông, các nhà soạn nhạc sáng tác nhiều tấu khúc giao hưởng phức tạp. Các tấu khúc concertos (viết cho một nhạc cụ) và sonatas (nhạc khg có giọng hát, thí dụ nhạc khiêu vũ) rất thịnh hành.

Giàn nhạc giao hưởng tăng trưởng về số nhạc sĩ và nhạc cụ, nhiều nhạc cụ đặc biệt xuất hiện, chưa từng thấy từ trước. Số nhạc công trong giàn nhạc tăng với hai nhóm violins, bộ gõ xuất hiện với trống timpani, có thêm kèn french horn, kèn bassoon, và sự xuất hiện của nhạc trưởng, người điều khiển giàn nhạc .

Cổ Điển là thời của Beethoven với tấu khúc nổi tiếng Symphony #5, Haydn với Symphony #97, sử dụng một giàn nhạc với nhiều âm thanh từ các đàn giây phong phú, réo rắc, tới các đàn gió và nhiều các đàn gõ như trống, chiêng, kèn đủ cả. Tất nhiên không thể nào bỏ sót thiên tài Mozart với nhiều tấu khúc bất hủ.

4. Thời Lãng Mạn (1820-1910). Thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Thời Lãng Mạn cũng là thời âm nhạc phát triển mạnh. Từ nền tảng đã được đặt ra của thời Cổ Điển, các nhạc sĩ giờ đây sáng tác nhạc theo cảm xúc. Không bị gò bó bởi thời gian, bởi quyền thế những ý tưởng mới lạ nẩy sinh. Âm nhạc là một dấng bước phiêu lưu với nhiều tưởng tượng. Song song, thính giả quần chúng đã hiểu biết thêm về âm nhạc, và bắt đầu trọng những tài năng cá nhân, nhận thức những bản nhạc được viết ra từ cảm xúc. Nhạc sĩ có cơ hội diễn tả tình cảm qua sáng tác của họ cũng như sinh sống với nghề nghệ thuật.

Trong xã hội, đây là thời cách mạng chính trị lên cao điểm. Cái nhìn của con người thay đổi qua sự hiểu biết thêm về thế giới chung quanh mình, và các nhạc sĩ cũng tìm hướng đi mới, khác lạ hơn thời trước để thể hiện qua âm nhạc. Nhiều nhân tài đã xuất hiện từ nhiều vùng khác nhau, khg phải đổ xô về một vùng như Vienna. Từ các quốc gia của họ, các nhạc sĩ diễn tả những cảm xúc về thời cuộc, về đổi thay trong lịch sử, những thử thách, những biến cố đã xảy ra trên quê hương họ. Nhạc diễn tả tình yêu nước, thể hiện dân tộc tính qua các thể điểu dân ca lồng vào các tấu khúc của nhạc giao hưởng.

Giàn nhạc đại hoà tấu tăng trưởng, với các nhạc cụ được chế biến tân kỳ hơn và thích hợp với các âm vực phong phú của các tấu khúc mang dân tộc tính. Các nhà soạn nhạc có cơ hội phô trương tài năng của mình với các tấu khúc hoà âm giữa các nhạc cụ. Nhiều loại trống, đàn khác nhau được đưa vào giàn nhạc: đàn dương cầm, đàn harp, đàn piccolo, đàn clarinet gia nhập nhóm đàn gió, còn có các loại kèn như tuba, trombone, kèn đồng diễn tả những đoạn quân hành, thôi thúc, mạnh mẽ như lòng người thời đó.

Tchaikovsky có tấu khúc Overture, với tiếng trống, chiêng, thể hiển quân đội Nga ăn mừng chiến thắng, chận đứng cuộc xâm lăng của quân đội Napoleon năm 1812 .

Beethoven and Schubert, là hai nhạc sĩ chuyển tiếp của thời Baroque qua thời Lãng Mạn. Ngòai ra còn có vô số nhạc sĩ danh tiếng như Chopin, Berlioz, Johannes Brahms, Grieg, , Robert Schumann, Wagner, Mahler, Debussy ...

5. Thời Hiện Đại – Thế kỷ 20 cho đến bây giờ. Là thời của chúng ta. Nhạc Hiện Đại còn gọi là nhạc của Thế Kỷ 20. Cùng với kỹ thuật và khoa học, âm nhạc phản ảnh thế giới mỗi ngày một đổi. Nhạc Cổ Điển vẫn có một chỗ đứng vững vàng trong thế giới âm nhạc, khác với nhiều ý tưởng cho rằng nhạc cổ điển xuống dốc. Các trường âm nhạc cũng như các thày dạy nhạc thường chọn nhạc cổ điển để dạy cho giới trẻ bắt đầu học âm nhạc, vì căn bản vững vàng của nhạc cổ điển. Các giàn nhạc nổi tiếng xưa vẫn sống mạnh. Các vùng và thành phố lớn đều có một giàn nhạc giao hưởng, nói lên sự lớn mạnh của cộng đồng trong vùng. Giàn nhạc giao hưởng lớn có từ Âu sang Á, từ Vienna, Paris, New York, Boston, Philadelphia, Toronto, Hồng Kông, Beijing, và VN.

Âm nhạc được thể hiện qua nhiều phong cách, có nhà soạn nhạc chọn lối rất cổ điển, theo khuôn khổ thời baroque, lãng mạn hay cổ điển. Còn có nhiều nhạc sĩ lại thể hiện nhạc theo ý tưởng riêng của họ, hòa thêm các thể lọai nhạc như jazz, rock, country vào các sáng tác giao hưởng của mình. Ngòai ra còn có những bản nhạc sáng tác cho phim, được thể hiện qua giàn nhạc giao hưởng.

Giàn nhạc đại hòa tấu có thêm nhiều nhạc cụ mới lạ để trình bày những tấu khúc đặc biệt, như kèn saxophone, các đàn của bộ gõ, chiêng, các loại trống khác nhau, đàn euphonorium ...

Vậy âm nhạc giao hưởng không có giới hạn, chỉ tùy thuộc vào trí tưởng tượng và tài năng của con người. Nhạc cổ điển không phải chỉ dừng chân vào một thời mà thôi.

Tác giả: TVMT

Biên tập: Ánh Sao

Nguồn ảnh và bài: trang web dactrung

Không có nhận xét nào: