Thứ Bảy, tháng 10 14, 2006

Hamlet_W. Shakespease ( Hồi 1 )


TIỂU DẪN VỀ HAMLET

Shakespease viết Hamlet vào khoảng năm 1601 theo thể tuồng (melodrame) là hình thức nghệ thuật sân khấu phổ biến ở nước Anh thời bấy giờ; về sau qua nhiều lần trình diễn, tác phẩm bị tam sao thất bản, ông tự tay chỉnh lý dần tác phẩm, văn bản cuối cùng theo thể kịch nói xuất bản năm 1623 được dùng cho đến ngày nay. Kịch bản của Hamlet phỏng theo một truyện dân gian Đan Mạch, truyện này đã được thầy tu Đan Mạch tên là Grammaticut (Saxo Grammaticus sao chép lại từ ba thế kỉ trước; đến năm 1572, nhà biên soạn Pháp tên là Belơforét (Louis de Belleforest) dựa vào đó mà viết Câu chuyện bi thảm thứ năm trong tập truyện của ông. Đây là chuyện một vị thái tử tên là Amlet (Amleth) phải giả điên để tìm cách báo thù cho cha, vì người chú ruột đã giết cha chàng, lấy mẹ chàng và cướp đoạt ngôi vua.

Tuy rằng kịch bản của Shakespease dựa trên câu chuyện đó nhưng chủ đề tư tưởng cũng như tính cách các nhân vật của bi kịch Hamlet hoàn toàn khác hẳn hai bản văn kia. Amlet của Grammaticut là “một con người có thể sánh với thần thánh, làm được những việc tày trời như Hecquyn”. Amlet của Belơforết là một con người có sức “chiến thắng được số mệnh nhờ đức kiên trì nhẫn nại, nêu lên một tấm gương vĩ đại và dũng cảm”. Hamlet của Shakespease không thuộc vào loại những con người tượng trưng đơn giản đó, cũng như chủ đề câu chuyện không phải chỉ là sự trả thù. Dưới ngòi bút của Sêxpia, Hamlet là một điển hình hiện thực phức tạp, một con người đa dạng mà tính cách chủ yếu là hoài nghi, bất bình đối với xã hội trong đó chàng đang sống, chàng đã vùng lên kháng cự cuộc sống đen tối và cuối cùng thành nạn nhân của cuộc sống đó.

Hamlet mở đầu giai đoạn sáng tác bi kịch của Shakespease, là vở kịch có ý nghĩa tâm lý xã hội sâu sắc nhất trong các vở kịch của ông. Ông xây dựng tác phẩm này vào thời kỳ đã từng trải nhiều về cuộc sống, sau hai mươi năm bôn ba chìm nổi trong xã hội nước Anh thời bấy giờ. Đó cũng là thời kỳ mà tích lũy sơ khai của tư bản Anh đang đẻ ra những mâu thuẫn xã hội gay gắt chưa từng thấy, sự cướp đoạt làm giàu của giai cấp tư sản cấu kết với phong kiến đang bần cùng hóa quảng đại nhân dân, đồng tiền vạn năng và cường quyền chà đạp lên công lý, bao nhiêu quan niệm nhân đạo làm giá trị tinh thần của thời đại Phục hưng đổ vỡ trên nền móng thối nát của xã hội tư bản đang thành hình. Con người lý tưởng của thời đại Phục hưng, mà trước đây Shakespease biểu hiện trong các vở kịch của ông, cũng bị tan vỡ theo.

Trong hoàn cảnh xã hội tư sản Anh mới ra đời “mình đã tắm đầy bùn máu” (Kác Mac), một kiểu con người mới cũng ra đời theo: đó là con người đau khổ và bất bình trước thực tế phũ phàng của một xã hội đen tối đầy rẫy tội ác, con người băn khoăn muốn đánh giá lại toàn bộ cuộc sống trước mắt nó. Hamlet chính là hiện thân của kiểu người mới ấy. Bởi thế Hamlet là một nhân vật hết sức đặc biệt và độc đáo, chưa từng có trong nền văn hóa thế giới trước đó, cũng như không thể có nữa về sau này. Đó là một con người vốn thừa kế những tinh hoa của thời đại Phục hưng: bẩm chất thông minh, tư tưởng tự do khoáng đạt, tâm hồn cao quý, tấm lòng nhạy cảm. Xuất thân trong hàng quý tộc mà đã sớm gặp cảnh ngộ đắng cay chua xót, chàng sớm nhìn thấy mặt thật của xã hội, “sự áp bức của kẻ bạo ngược, sự trì chậm của công lý, hỗn xược của cường quyền, miệt thị của kẻ bất tài...”, cho nên trước mắt chàng cả thế giới chỉ là “một ngục thất rộng lớn”, và “Đan Mạch này là một ngục thất đáng ghê tởm nhất”. Thực tế phũ phàng của cuộc sống đã làm cho chàng phải đánh giá lại tất cả mọi quan hệ trong cuộc sống - từ tình họ hàng, tình vợ chồng, cho đến tình mẹ con, và cả đến tình yêu. Thậm chí, trong cơn giày vò của đau khổ, chàng đã có lúc băn khoăn đặt lại cả vấn đề to lớn nhất: “Sống, hay không nên sống...”

Nhân vật hoài nghi Hamlet là một hiện tượng có ý nghĩa lịch sử: đó là lần đầu tiên trong văn học thế giới, một nhân vật dám lên tiếng hoài nghi cả một xã hội và công nhiên lôi nó ra giữa tòa án của công chúng, của nhân loại. Bởi thế, hoài nghi của Hamlet không phải là thứ chủ nghĩa hoài nghi tiêu cực, nó có một tác dụng tích cực đặc biệt, vì nó chính là phát súng đầu tiên của nhân loại bắn vào thành trì của chủ nghĩa tư bản ngay giữa lúc đang xây dựng. Giá trị tư tưởng vĩ đại của vở kịch Hamlet là ở chỗ ấy.

Về mặt nghệ thuật, Shakespease đã xây dựng một nhân vật điển hình rất sinh động, có chiều rộng và chiều sâu, một nhân vật dường như đang sống trong thực tế với toàn bộ cân não và trái tim, ngay cả với tiềm thức nữa. Mặc dầu hoài nghi và mỉa mai công kích tất cả, Hamlet vẫn mang trong người một trái tim yêu đương nồng cháy, một tình bạn chân thành, và trong thâm tâm chàng vẫn tin tưởng ở sự chiến thắng cuối cùng của lẽ phải, của chính nghĩa, bởi vậy hành vi của chàng luôn luôn cao quý, thẳng thắn, đại lượng. Hình tượng Hamlet không ngừng lớn lên trong diễn biến của kịch, bởi vì nội tâm nhân vật có quá trình phát triển sâu sắc của nó. Từ chỗ hoài nghi, chán nản, Hamlet dần dần xác định được nhận thức về thế giới khách quan, tìm lại được nghị lực sống, và để chống lại cái ác, chàng đã trở nên kiên quyết hơn, khôn ngoan hơn. Một nhân vật như thế, thật là phức tạp mà cũng thật là sinh động, hiện thực.

Ngòi bút hiện thực của Shakespease không những chỉ thành công ở nhân vật chính Hamlet, mà còn thành công ở những nhân vật thứ yếu và nhân vật phụ nữa. Bất kỳ nhân vật xuất hiện nhiều hay ít trên sân khấu, ở đâu chúng ta cũng nhìn thấy những con người rất độc đáo và điển hình: Clôđiut, chú ruột của Hamlet là một kẻ nham hiểm, miệng ngoài luôn luôn đường mật mà bụng dạ gươm đao; Pôlôniut, một lão già ti tiện, giả dối lại nghiêm khắc và độc đoán, tính hay giễu cợt mà xiểm nịnh, sâu cay; Giêctrut, một người đàn bà yêu con nhưng sa ngã, nhẹ dạ, yếu đuối; Ôphêlia, một người con gái có trái tim chung thủy, nhưng lại sợ lễ giáo, cường quyền; Hôraxiô, một thư sinh lúc nào cũng nói giọng học thức, một người bạn trung thành và dũng cảm; Ôxric, một vai không quan trọng gì nhưng cũng được vẽ rất rõ nét, khiến người xem thích thú liên tưởng đến bao nhiêu kẻ khác như hắn, đần độn, bất tài, kiểu cách chỉ nhờ giàu sang mà leo được thang danh vọng. Từ cửa miệng của hai người đào huyệt, chúng ta cũng đủ thấy ý nghĩa của quần chúng nhân dân nước Anh thời bấy giờ đối với luật pháp, lễ nghi và cả cái xã hội mà ở đấy “mọi người đều điên cả”.

Cũng như trong các vở kịch khác của Shakespease, ngôn ngữ trong bi kịch Hamlet là một ngôn ngữ rất điêu luyện. Đặc biệt ở đây, để diễn tả tính cách và tâm lý phức tạp của nhân vật trong mỗi tình huống, ngoài việc vận dụng những hình tượng và ẩn dụ rất phong phú, Shakespease đã vận dụng đến cao độ phương tiện nhịp điệu. Ngôn ngữ tinh vi này làm cho tác phẩm toát ra một nội dung triết lý sắc sảo và một màu sắc trữ tình rất nên thơ.
Từ hơn ba thế kỉ nay, vở kịch Hamlet không ngừng làm xúc động quần chúng ở nước Anh cũng như ở khắp các nước khác trên thế giới. Vượt qua thử thách của thời gian và không gian, nó đã lôi cuốn hàng nghìn triệu người, luôn luôn gây được cảm xúc mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân các nước và nêu lên cho mọi người những vấn đề phải suy nghĩ. Sở dĩ có hiện tượng đó là vì xã hội tư bản, từ ngày ra đời ở nước Anh, trải qua thời kỳ thống trị thế giới, cho đến ngày nay tuy đương tàn tạ trên quá phân nửa địa cầu, nhưng vẫn còn là vấn đề thiết cốt mà nhân loại không ngừng phải quan tâm giải quyết. Mặt khác, nhân vật Hamlet là một thành công lớn lao về nghệ thuật, mỗi con người trong thời đại tư bản chủ nghĩa hay đã từng sống trong xã hội tư sản đều có thể nhìn thấy có mình ở trong Hamlet, đều có thể cảm thông với người trong kịch, cùng ngậm ngùi hay cùng căm giận với người trong kịch.

Người ta đã viết rất nhiều để tán tụng và bình luận vở kịch Hamlet. Nhưng các nhà phê bình của giai cấp tư sản đã không nhận thấy chủ đề xã hội của tác phẩm vĩ đại này. Nhiều người trong bọn họ cho rằng chủ đề là sự trả thù, những người khác cho là sự hoài nghi, tựu trung, họ đều không nhận thức được đúng đắn ý nghĩa thời đại to lớn của tác phẩm. Về tính cách của nhân vật Hamlet, nhiều nhà văn và nghệ sĩ tiến bộ trên thế giới đã có những quan điểm không giống nhau. Có người cho rằng Hamlet thiên về suy nghĩ nhiều hơn hành động, nhưng giới sân khấu Liên Xô (cũ) gần đây lại nhấn mạnh khía cạnh hành động của nhân vật. Có người cho bản chất Hamlet bấp bênh yếu đuối, trái lại, đa số nghệ sĩ tiến bộ gần đây diễn đạt Hamlet thành một hình ảnh có dũng khí. Sở dĩ có những điểm khác nhau trong nhận thức về tính cách của Hamlet, vì đây là điển hình anh hùng thuộc thời đại Phục hưng, một nhân vật đặc biệt phức tạp, cho nên mỗi nghệ sĩ chân chính đều có thể hiểu nó ở khía cạnh hợp với thị hiếu và mục tiêu nghệ thuật của mình. Phong trào trình diễn vở kịch này trên sân khấu các nước đã đẻ ra một số diễn viên lừng lẫy tiếng tăm vì tài thể hiện nhân vật Hamlet như các nghệ sĩ Xamôilôp (Liên Xô cũ), Vittôriô Hatxman (Đức), Moitxi (Anbani), Paulơ Cơnfin (Anh)... mỗi người đều có quan điểm và cách thể hiện riêng. Bí quyết thành công của những nghệ sĩ đó là họ đã đứng trên cơ sở chủ nghĩa hiện thực và tư tưởng nhân đạo của Shakespease để phát huy mọi khả năng diễn đạt của mình.

Với bi kịch Hamlet, trong văn học thế giới, Shakespease đã mở đường cho phương pháp xây dựng nhân vật điển hình đa dạng, trên cơ sở phân tích sâu sắc tâm lý của nhân vật và triết lý của cuộc sống. Vì thế, tác phẩm này đã từng làm mẫu học tập và gợi hứng cho nhiều thi hào, văn hào ở các nước. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã nêu lên ảnh hưởng rõ rệt của Hamlet cùng những vở kịch khác của Shakespease trong Picmaliôn của Bơcnơt Sô, Hecmani của Victo Huygô, Bôrit Gôđunôp và Epghêni Ônêghin của Puskin, Fauxtơ và Vecte của G, Sức mạnh bóng tối của Lep Tônxtôi, Khuất Nguyên của Quách Mạt Nhược... (và chính những tác giả đó cũng đã từng công nhận ảnh hưởng to lớn của Shakespease đối với mình).

Đến ngày nay, Hamlet vẫn không hề mất giá trị hiện đại của nó. Ở các nước phương Tây, Hamlet đang chiếm một vị trí quan trọng trong phong trào trình diễn kịch Shakespease sau đại chiến thứ hai, nhằm phục hưng chủ nghĩa hiện thực và phát huy tư tưởng nhân đạo của nhà thơ viết kịch vĩ đại. Ở Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Hamlet không ngừng có thêm những tài năng mới thể hiện nó trên sân khấu và công chúng mới ưa thích nó. Giữa thời kỳ hai hệ thống xã hội song song tồn tại và thi đua trong hòa bình, Hamlet với ý nghĩa phê phán xã hội cũ của nó, vẫn tiếp tục nêu lên cho nhân dân các nước một bài học thấm thía để suy nghĩ và hành động. Như lời nhà phê bình Xô Viết Êmêlianôp nói, “Hamlet, ở thời đại chúng ta, là một vở kịch anh hùng”. Hamlet làm quen với nhân dân Việt Nam kể cũng hơi muộn, nhưng chắc chắn nó sẽ được nhân dân ta ưa thích.

Khi xem bi kịch Hamlet, chúng ta cần tránh khuynh hướng lấy quan điểm của người thời này để chỉ trích quan điểm của người thời xưa. Cần đặt nhân vật Hamlet vào những hoàn cảnh lịch sử của nó mà nhận định. Giữa thời kỳ chủ nghĩa tư bản đang có xu thế hưng thịnh mạnh mẽ ở nước Anh, một nhân vật có tư tưởng hoài nghi và thái độ bất bình như Hamlet là một hiện tượng hết sức đặc biệt, nói lên tầm vĩ đại của tư tưởng nhân đạo của Shakespease. Nếu như Hamlet có lúc đã nói những lời tin tưởng vào định mệnh, thì đó là một điều không thể tránh khỏi, cũng như nhân vật Hamlet không thể nào tránh khỏi bước đường cùng đau xót trong xã hội thời bây giờ. Ngày nay chúng ta đã có tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, dĩ nhiên là chúng ta không còn có lý do để hoài nghi như Hamlet, mà chúng ta nâng cao lòng căm ghét xã hội cũ tiềm tàng trong Hamlet để quyết tâm hơn nữa tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa vĩnh viễn giải phóng con người.

NHÂN VẬT
CLÔĐIUT (Claudius) Vua nước Đan Mạch.
HAMLET (Hamlet) Con vua trước, cháu gọi vua
hiện tại bằng chú.
PÔLÔNIUT (Polonius) Đại thần.
HÔRAXIÔ (Horatio) Bạn của Hamlet.
LAƠCTƠ (Laertes) Con Pôlôniut, anh Ôphêlia.
VÔNTIMAN (Voltemand)
CORNÊLIUT (Cornelius)
RÔDENCRAN (Rosencrantlz)
GHINĐƠNXTƠN (Guildenstern)
ÔXRIC (Osric)

Các quan trong triều
MỘT NHÀ QUÝ PHÁI
MỘT TU SĨ
MACXENLUT (Marcellus) Võ quan.
BƠCNAĐÔ (Bernardo) Võ quan
FRANXIXCÔ (Francisco) Lính
RÂYNANĐÔ (Reynaldo) Người hầu của Pôlôniut.
CÁC ĐÀO KÉP
HAI TÊN HỀ
NHỮNG NGƯỜI ĐÀO HUYỆT
FORTINBRAT (Fortinbras) Hoàng tử nước Na Uy.
MỘT ĐẠI ÚY NA UY.
CÁC SỨ THẦN ANH CÁT LỢI.
GIECTRUT (Gertrude) Hoàng hậu Đan Mạch, mẹ
của Hamlet.
ÔPHÊLIA (Ophelia) Con gái Pôlôniut.
Các đại thần, các vị phu nhân, các võ quan, các sứ giả và quân hầu.
HỒN MA CỦA CHA HAMLET.
Kịch xảy ra tại Đan Mạch.

HỒI I
CẢNH I

Enxơnơ(1). Trên sân thượng trước lâu đài.

Franxixcô đứng gác. Bơcnađô ra, tiến về phía anh.

BƠCNAĐÔ - Ai đó!

FRANXIXCÔ - Không, hãy trả lời tôi. Đứng lại, xưng tên đi!

BƠCNAĐÔ - Thánh thượng vạn tuế(2).

FRANXIXCÔ - Bơcnađô đấy, phải không?

BƠCNAĐÔ - Chính hắn đây.

FRANXIXCÔ - Anh đến đúng giờ gớm nhỉ.

BƠCNAĐÔ - Mười hai giờ khuya rồi đấy, về ngủ đi, Franxixcô!

FRANXIXCÔ - Cám ơn anh đến đổi phiên nhé. Trời rét quá, cóng cả ruột lại.

BƠCNAĐÔ - Cậu đứng canh yên ổn đấy chứ?

FRANXIXCÔ - Yên lắm, lặng ngắt như tờ(3).

BƠCNAĐÔ - Thôi chào cậu, có gặp Hôraxiô và Macxenlut, bọn cùng phiên canh với mình, thì giục họ rảo bước lên nhé!

FRANXIXCÔ - Nghe như các anh ấy đang đến kia. Ai? Đứng lại!

Hôraxiô và Macxenlut ra.

HÔRAXIÔ - Bạn của đất nước này cả.

MACXENLUT - Thần dân của đức vua Đan Mạch đây mà.

FRANXIXCÔ - Thôi chào các anh, tôi về đây.

MACXENLUT - Chào chú, chú thật là chịu khó. Ai đến thay phiên cho thế.

FRANXIXCÔ - Bơcnađô, thôi chào các anh. Franxixcô vào.

MACXENLUT, tiến lên - Ớ, Bơcnađô!

BƠCNAĐÔ - Tôi đây, anh Hôraxiô đấy phải không?

HÔRAXIÔ - Còn ai vào đây nữa.

BƠCNAĐÔ - Chào anh Hôraxiô, chào anh bạn quý Macxenlut.

MACXENLUT - Sao, đêm nay hồn có hiện lên nữa không?

BƠCNAĐÔ - Chẳng thấy gì cả.

MACXENLUT - Hôraxiô cho rằng đó chỉ là ảo tưởng của chúng ta thôi, và nhất định không chịu tin cái cảnh tượng khủng khiếp chúng ta đã từng trông thấy hai đêm liền đó. Vì thế, tôi mời anh ấy cùng canh đêm nay, nếu hồn ma có hiện lên lần nữa thì anh ấy có thể xác minh cho đôi mắt của chúng ta và nói chuyện với hồn ma.

HÔRAXIÔ - Thôi đi, thôi đi! Hồn chẳng hiện ra đâu.

BƠCNAĐÔ - Thì hãy cứ ngồi xuống đây một lát đã nào, để chúng tôi kể lại một lần nữa, chẳng anh lại cứ khăng khăng không chịu nghe những điều chúng tôi đã mắt thấy rành rành hai đêm liền.

HÔRAXIÔ - Thì chúng ta hãy ngồi xuống, nghe Bơcnađô kể lại vậy.

BƠCNAĐÔ - Đêm qua, khi ngôi sao kia, chỉ ngôi sao - từ địa cực đi hết vòng về phía trời Tây, rực sáng cả một khoảng trời như lúc này đây, chuông nhà thờ buông một tiếng, Macxenlut và tôi...

MACXENLUT - Im! Nhìn kìa, hồn lại hiện lên kia kìa.

Hồn ma hiện ra.

BƠCNAĐÔ - Này giống quá, hệt như đức vua đã mất.

MACXENLUT - Hôraxiô, anh là người học thức(4) hãy nói chuyện với hồn ma đi.

BƠCNAĐÔ - Trông có hệt như đức tiên đế không nào? Anh nhìn kỹ xem, anh Hôraxiô.

HÔRAXIÔ - In hệt. Tôi kinh ngạc và sợ hãi phát run lên.

BƠCNAĐÔ - Hình như hồn ma muốn chúng ta hỏi chuyện.

MACXENLUT - Hôraxiô, anh hỏi đi!

HÔRAXIÔ - Ngươi là ai, mà thừa lúc đêm hôm khuya khoắt này hiện hình về, oai phong lẫm liệt, in như đức tiên đế xưa mỗi lần người xuất trận. Vị thượng đế, ta ra lệnh cho ngươi nói lên.

MACXENLUT - Hồn ma phật ý đấy.

BƠCNAĐÔ - Kìa, hồn ma đang đường hoàng đi mất kìa.

HÔRAXIÔ - Đứng lại! Nói đi! Nói lên! Ta ra lệnh cho người nói lên!

Hồn ma biến mất.

MACXENLUT - Hồn ma biến mất rồi, chẳng chịu trả lời đâu.

BƠCNAĐÔ - Thế nào? Anh Hôraxiô, trông anh run sợ, xanh xám cả mặt mày. Có còn là ảo tưởng nữa không? Anh nghĩ thế nào?

HÔRAXIÔ - Lạy Chúa, tôi thật không thể tin có một chuyện như thế, nếu mắt không được thực sự nhìn thấy rõ ràng.

MACXENLUT - Trông có hệt như đức tiên đế không?

HÔRAXIÔ - In hệt, y như anh giống anh thôi. Cũng bộ giáp trụ xưa như khi người chiến đấu với bọn Na Uy tham tàn; cũng một nét cau mày ấy, giận dữ như lúc thương nghị với kẻ địch. Người đã bổ mạnh chùy xuống mặt băng(5). Kỳ lạ quá!

MACXENLUT - Cũng như hai lần trước đây, đúng vào lúc đêm khuya thanh vắng này, trong lúc chúng tôi đương canh, người hiện ra, dáng uy nghi lẫm liệt.

HÔRAXIÔ - Hồn ma hiện lên có ý gì, tôi chẳng rõ; nhưng theo ý tôi, thì đây là điềm báo trước một tai họa bất thường cho đất nước ta.

MACXENLUT - Thôi, ngồi cả xuống đây, rồi bạn nào biết xin nói cho hay: chứ tại sao lại phải tuần phòng nghiêm ngặt, chặt chẽ như thế, làm cho thần dân trong nước đêm đêm phải vất vả, tại sao ngày ngày lại phải đúc thêm súng đồng, phải mua mãi của nước ngoài quân trang, quân dụng; tại sao cứ phải thúc bách phường thợ đóng tàu, bắt họ đầu tắt mặt tối ngày đêm, không nghỉ cả ngày chủ nhật. Có chuyện gì sắp xảy ra mà vội vã đổ mồ hôi, quần quật ngày liền đêm, đêm liền ngày như thế? Bạn nào biết, xin nói cho hay?

HÔRAXIÔ - Tôi biết, ít ra đó cũng là điều hiện nay thiên hạ xì xào bàn tán. Đức tiên đế mà hồn vừa hiện lên cho ta thấy, đã bị tên Fortinbrat xứ Na Uy, vì lòng kiêu căng, hiếu thắng, thách một trận tử chiến; nhưng chính y lại chết dưới lưỡi gươm của Hamlet(6) anh hùng; chiến công ấy đã khiến danh người lừng lẫy khắp cả cái phần thế giới mà chúng ta biết được này. Chiếu theo bản giao ước đã ký kết giữa hai bên, và đúng theo tinh thần hiệp sĩ, một khi y bại trận, thì không những mạng phải mất, mà đất cũng phải nhường cho người chiến thắng. Ngược lại, đức vua ta cũng cam kết sẽ mất cho y một phần đất tương xứng, nếu y thắng. Vậy thì, cứ theo lời giao ước và theo nội dung điều khoản đã nghi, đất đai của Fortinbrat đã thuộc về Hamlet tiên đế rồi. Thế mà ngày nay, con y vốn là một gã không hiểu biết gì về việc đời, bồng bột sôi nổi, đã vơ vét quàng xiên trên biên cương Na Uy một lũ hung đồ vô lại(7) chỉ cần có ăn thì việc gì táo bạo cũng chẳng từ. Âm mưu của chúng không ngoài việc dùng binh lực và những điều khoản cưỡng bức để đoạt lại những đất đai cha y đã để mất. Chuyện này, triều thần ta đã thừa biết. Tôi cho rằng đó chính là nguyên nhân việc phải canh phòng nghiêm ngặt, phải vội vàng hấp tấp, sẵn sàng chuẩn bị trên khắp đất nước chúng ta.

BƠCNAĐÔ - Tôi cũng nghĩ không thể có nguyên nhân nào khác nữa. Rất có thể cũng vì thế, hồn ma mang điềm gở vừa rồi hiện lên trong giờ canh của chúng ta, giáp phục in hệt đức tiên đế là người đã từng và vẫn là đầu mối của những cuộc chiến chinh.

HÔRAXIÔ - Hạt bụi nhỏ cũng đủ làm bận mắt tâm linh chúng ta. Giữa thời quốc gia La Mã phồn thịnh và quang vinh đến cực điểm, mà ngay trước khi Xêda uy quyền lệch đất gục ngã, bao nhiêu mồ mả đều rỗng không; những người chết khoác vải liệm, ú ớ gào rú khắp các nẻo đường La Mã; những vì sao kéo dài đuôi lửa, sương đọng máu, mặt trời quái gở và mặt trăng lạnh lẽo chi phối bờ cõi của Hải vương cũng bệnh hoạn ố vàng vì nguyệt thực như sắp đến ngày tận thế. Những điềm báo trước biến cố hãi hùng ấy, khác nào sứ giả đi trước định mệnh, khúc giáo đầu mở đường cho tai họa sắp xảy ra. Chính những điềm ấy, ngày nay trời đất đang cùng nhau biểu hiện ra trên đất nước chúng ta, cho thần dân ta trông thấy.

Hồn ma lại ra.

Suỵt! Nhìn kia, hồn lại hiện ra đấy. Tôi quyết ra cản đường, dù có bị đánh tan thây chăng nữa.Đứng lại! Hỡi ảo ảnh kia! Nếu hồn có một âm thanh nào, nếu nói lên được, thì nói với ta đi! Nếu có một việc thiện nào đó phải làm, để cho hồn được an ủi mà ta cũng được phúc lành thì nói với ta đi! Nếu hồn biết trước được định mệnh của xứ sở để nhờ đó may ra tránh khỏi tai ương, thì hồn hỡi, hồn hãy nói đi! Hay nếu đúng như người đời thường nói, vì lúc còn sống hồn đã chôn giấu của phi nghĩa trong lòng đất nên giờ đây mới phải vất vưởng nơi trần giới để tìm kiếm, thì hồn cũng cứ nói đi! Đứng lại! Nói đi!

Có tiếng gà gáy.

Chặn nó lại, Macxenlut!

MACXENLUT - Đâm cho nó một mũi thương nhé!

HÔRAXIÔ - Cứ đâm, nếu nó không đứng lại.

BƠCNAĐÔ - Nó đây!

HÔRAXIÔ - Nó đây!

Hồn ma vào.

MACXENLUT - Hồn biến mất rồi! Hồn uy nghi nhường ấy mà chúng ta lại dùng bạo lực để uy hiếp thì thật là sai. Hồn như không khí ấy, bị thương sao được, đâm chém chỉ là vô ích, chẳng qua chỉ là trò đùa tinh quái mà thôi.

BƠCNAĐÔ - Hồn sắp sửa nói gì thì gà vừa gáy sáng.

HÔRAXIÔ - Lúc đó hồn ma chợt rùng mình, như kẻ tội phạm bị lệnh đòi kinh khiếp. Tôi nghe nói tiếng gà gáy như tiếng kèn ban mai uy nghiêm lanh lảnh, đánh thức thần mặt trời trở dậy. Nghe tiếng gọi ấy, thì dù ở ngoài biển cả hay trong lửa cháy, ở dưới đất hay trên không, những linh hồn phiêu lãng cũng đều phải tìm về chốn âm ti. Sự thật vừa rồi là chứng cớ hiển nhiên.

MACXENLUT - Hồn biến đi khi tiếng gà vừa gáy. Có kẻ nói, cứ hàng năm gần đến ngày ăn mừng Chúa giáng sinh thì con chim của bình minh đó cứ gáy suốt đêm không ngớt; bấy giờ chẳng hồn ma nào dám lang thang đây đó. Đêm trong lành; không một vì sao nào hung chiếu, thần tiên mất hết phép, phù thủy mất hết tà thuật; thời gian đó thật là linh thiêng, đầy rẫy phước lành.

HÔRAXIÔ - Tôi cũng nghe nói thế, và cũng có phần tin. Nhưng kìa! Bình minh trong tấm áo đỏ hoe đang bước qua làn sương trên sườn đồi cao phía Đông xa xa. Thôi, chúng ta hãy nghỉ canh. Và nếu các bạn cho tôi là phải thì chúng ta hãy đem những điều mắt thấy đêm nay thuật lại cùng thái tử Hamlet. Vì, tôi cam đoan rằng hồn ma lặng thinh với chúng ta, nhưng sẽ nói cùng thái tử. Chúng ta cùng yêu kính thái tử, chúng ta có nhiệm vụ đem chuyện này kể rõ cho người, các bạn nghĩ thế nào?

MACXENLUT - Nên lắm! Xin cứ làm như thế. Tôi biết sáng hôm nay chúng ta có thể gặp thái tử ở nơi nào tiện hơn cả.

Cùng vào.

CẢNH II

Enxơnơ. Một gian triều đường trong lâu đài.

Tiếng kèn đồng. Vua Đan Mạch Clôđiut, hoàng hậu Giectrut, thái sư Pôlôniut và con trai Laơctơ, Hamlet và Vôntiman, Cornêliut ra.

VUA - Tuy vương huynh Hamlet thân yêu của trẫm mất đi, kỉ niệm hãy còn tươi xanh, đáng lẽ chúng ta phải giữ niềm đau buồn trong lòng, cả đất nước phải rầu rĩ tang tóc; vậy mà lẽ phải với thường tình chẳng dung nhau, thương tiếc người là hợp tình nhưng cũng còn phải nghĩ đến bản thân chúng ta; chính vì thế mà chị dâu trước của trẫm, giờ đây là hoàng hậu, người kế tục ngôi báu của đất nước thượng võ này, trẫm đã cùng người xe duyên, lòng vừa mừng vừa đau, một bên mắt chói ngời hạnh phúc, một bên đau buồn rơi lệ, cười trong tang tóc, khóc trong hôn lễ, bắc cân lên, niềm vui và nỗi buồn thật quá đều nhau. Mà trẫm vẫn không làm gì trái với những lời khuyên rất sáng suốt của các khanh đã tự ý phò trẫm trong việc này. Trẫm cảm ơn tất cả. Bây giờ hãy nói tới việc các khanh đều biết: thằng con của Fortinbrat, hoặc đánh giá thấp thực lực của chúng ta, hoặc cho rằng vương huynh quý mến của trẫm qua đời thì quốc gia ta tất sẽ lung lay không đứng vững, bị huyễn hoặc bởi cái ưu thế tưởng tượng ấy, hắn cứ luôn luôn thư từ phiền nhiễu chúng ta, đòi trả cho hắn những đất đai mà theo đúng luật pháp, cha hắn đã phải mất cho vương huynh anh dũng của trẫm. - Đó là nói về hắn. Bây giờ đến việc của chúng ta và mục đích việc thiết triều hôm nay; công việc ta phải làm là thế này: Trẫm đã viết một lá thư cho quốc vương Na Uy, chú ruột của thằng con trai Fortinbrat, hiện bị tê bại nằm liệt giường không hay biết gì về những mưu toan của thằng cháu, đòi vương phải ngăn chặn lại, vì những binh lính hắn trưng tập để thực hiện mưu đồ đó đều là bầy tôi của vương cả. Này Cornêliut và cả Vôntiman nữa. Trẫm phái hai khanh hãy đem lời thăm hỏi của trẫm tới quốc vương Na Uy. Trong việc giao tiếp các khanh không được tự quyền giải quyết điều gì ngoài những điều đã ghi trong chiếu chỉ này đây. Thôi, hai khanh lên đường. Hãy mau làm tròn bổn phận, nghe!

CORNÊLIUT và VÔNTIMAN - Tâu bệ hạ, lúc nào chúng thần cũng xin hết lòng.

VUA - Trẫm biết rõ hai khanh lắm. Chúc hai khanh lên đường bình an.

Vôntiman và Cornêliut vào.

Thế nào, Laơctơ? Khanh có việc gì thế? Khanh đã nói là có điều muốn tâu xin. Khanh muốn xin gì, Laơctơ? Chẳng bao giờ khanh có điều gì hợp lý cầu xin nhà vua Đan Mạch mà lại uổng lời. Laơctơ, có thế nào khanh cầu xin điều gì mà lại không phải chính là điều trẫm muốn ban cho khanh chứ không để khanh phải yêu cầu? Cái đầu gắn bó với trái tim thế nào, bàn tay có quan hệ với cái miệng thế nào cũng chẳng thể khăng khít bằng trẫm đây đối với cha khanh. Khanh muốn gì nào, Laơctơ?

LAƠCTƠ - Muôn tâu bệ hạ, cúi xin bệ hạ ra ân cho kẻ hạ thần được trở lại đất Pháp. Hạ thần đã vui sướng trở về Đan Mạch để tỏ lòng thần tử trong ngày lễ đăng quang. Nhưng giờ đây, nhiệm vụ của thần đã làm tròn, thần không dám giấu giếm bệ hạ, tâm tư và ý nguyện của thần lại hướng về đất Pháp. Thần cúi xin tâu bày, dám mong bệ hạ lấy lượng bao dung, cho thần được như nguyện.
VUA - Thế thân phụ của khanh đã cho phép chưa? Pôlôniut, ý khanh thế nào?

PÔLÔNIUT - Tâu bệ hạ, thần cứ nấn ná, nhưng vì y khẩn khoản cầu xin mãi, bất đắc dĩ thần phải chuẩn y. Cúi xin Bệ hạ cho phép y được ra đi.

VUA - Laơctơ, khanh khá chọn giờ thuận tiện mà đi, thời gian là tùy ý khanh, thích đi lúc nào cũng được. Quay về phía Hamlet - Thế nào, hoàng điệt Hamlet, con ta...

HAMLET, nói một mình - Hoàng điệt thì hơn đấy, nhưng con thì chưa được đâu!

VUA - Cớ chi những áng mây buồn vấn vương trên vầng trán con làm vậy?

HAMLET - Tâu bệ hạ, có đâu, thần đang ở gần mặt trời lắm mà.

HẬU - Hamlet yêu của mẹ, con hãy vứt bỏ mầu sắc ảm đạm kia đi, con hãy nhìn vua Đan Mạch đây với cặp mắt thân yêu. Đừng ủ rũ cúi tìm chi mãi bóng hình người cha cao quý của con trong cát bụi làm gì. Con há chẳng biết, đó là luật chung của tạo hóa, cái gì có sống phải có chết, tất phải bước qua cõi đời này để đi tới nơi vĩnh viễn.

HAMLET - Đúng thế, tâu lệnh bà, đó là luật chung mà.

HẬU - Đã thế sao con vẫn coi hình như là chuyện lạ lùng?

HAMLET - “Hình như” ư, tâu lệnh bà? Không, thực chứ con nào có biết chuyện “hình như”! Mẹ hiền ơi, chẳng phải chỉ có tấm áo khoác ngoài đen như mực này, bộ tang phục trọng thể con mặc theo tục lệ này, cũng chẳng phải tiếng thở dài não nuột, nhọc nhằn, không, chẳng phải những dòng suối lệ tràn đầy, chẳng phải bộ mặt sầu bi, cũng như những hình thức, những kiểu cách, những bề ngoài thảm thương kia, tất cả đều chẳng nói lên được tâm trạng thực của con. Những điều đó quả thật là chuyện “hình như” vì người ta rất có thể đóng kịch ra như thế. Nhưng còn những điều chứa chất trong đáy lòng con đây, biểu lộ ra ngoài sao được. Những biểu hiện ấy toàn là những tấm áo ngụy trang của niềm đau thương mà thôi.

VUA - Hamlet, cháu làm tròn bổn phận cư tang đối với thân phụ như thế, đủ tỏ bản chất dịu hiền đáng khen của cháu. Nhưng có điều cháu nên biết, là thân phụ cháu cũng đã từng mất thân phụ của người, và chính người thân phụ ấy lại cũng đã mất thân phụ của mình. Kẻ còn sống tất nhiên vì chữ hiếu phải ấp ủ trong một thời gian mối sầu thương tang tóc, nhưng nếu cứ khư khư đau buồn mãi thì đó là một sự ương ngạnh, một niềm đau không xứng đáng với kẻ nam nhi, chẳng thuận lẽ trời, một trái tim yếu mềm, một tâm hồn không kiên định, một trí suy xét tầm thường và ngu muội! Bởi vì cái việc ta đã biết tất phải như thế và cũng tầm thường như mọi sự tầm thường nhất, thì tại sao lại cứ ương ngạnh, ấp ủ mãi trong lòng? Đó là một tội đối với trời, một tội đối với người đã khuất, một tội đối với lẽ thường! Một sự vô lý! Lẽ phải thường tình là mọi người cha đều phải chết; từ khi có cái thi hài đầu tiên cho đến người chết hôm nay, lẽ phải đó luôn luôn kêu lên: “Ấy là việc tất nhiên!” Hãy vứt bỏ nỗi sầu đau vô ích ấy đi và hãy coi trẫm đây như cha đẻ; sao cho thiên hạ thấy rằng con sẽ là người kế tục trực tiếp của ngôi báu này, và lòng ta đối với con cũng như một người cha thương yêu con nhất đời với tình yêu cao quý. Còn việc con muốn trở lại học viện Vitenbơc thì thật trái với ý ta lắm đấy. Ta tha thiết mong con hãy vâng mệnh ta ở lại đây, cho ta được vui lòng đẹp ý. Con là người đứng đầu các triều thần của ta, cháu ruột của ta, con ta...

HẬU - Hamlet con ơi, đừng để mẹ uổng công cầu xin. Mẹ van con, ở lại đây cùng chúng ta, đừng đi Vitenbơc nữa con ạ!

HAMLET - Tâu lệnh bà, con cố hết sức vâng lời lệnh bà.

VUA - Ồ! Câu trả lời đáng yêu và hay làm sao! Con hãy sống trên đất nước Đan Mạch này như chính ta vậy. Nào ta đi thôi, ái khanh. Hamlet tự nguyện vui lòng ở lại làm ta đẹp lòng mãn ý biết bao nhiêu. Để ban thưởng, ta ra lệnh: hôm nay, trên đất nước Đan Mạch này, cứ mỗi tuần rượu hân hoan là tiếng đại bác lại dâng cao lời chúc tụng lên chín tầng mây và tiệc rượu của trẫm sẽ tưng bừng, đất trời sẽ âm vang tiếng súng gầm rền rã. Nào ta đi.

Tiếng kèn đồng. Mọi người vào, trừ Hamlet.

HAMLET - Ôi, thịt da rắn chắc, quá rắn chắc này hãy chảy ra đi, tan ra đi, biến thành một giọt sương! Mong sao đấng bất diệt kia đừng trừng phạt kẻ tự hủy hoại mình. Ôi! Trời hỡi trời! Bao nhiêu lạc thú trên đời này đối với ta sao mà chán chường, nhạt nhẽo và vô vị đến thế! Bẩn thỉu thay là đời, ôi bẩn, bẩn! Chỉ là một cái vườn hoang mọc lên hạt giống độc, đầy rẫy những cây cỏ thối tha. Sự tình đã đưa đến nỗi này! Mới chết được hai tháng! Mà không, làm gì được, nào đã được hai tháng. Một đức vua hiển minh như thế, sánh với kẻ kia khác nào thần Hypêriôn(8) đem đọ với quỷ đêm. Người đã yêu quý mẹ ta, đến nỗi không muốn để gió trời thổi mạnh vào da mặt bà. Trời đất hỡi: ta có nên nhớ lại nữa không? Mẹ ta đã từng bám lấy cổ người, tưởng chừng như càng hưởng thụ lại càng thêm khao khát! Thế mà, chỉ trong một tháng... Thôi... ta đừng nghĩ đến nữa! Nhẹ dạ, đích danh mi là đàn bà! Một tháng trời ngắn ngủi! Đôi giày tang còn chưa mòn gót, mới ngày nào lê theo thi hài người cha đáng thương của ta, khóc như nàng Niôbê(9) đầm đìa giọt lệ; ấy thế mà mẹ ta, chính mẹ ta. Trời hỡi! Một con vật không biết điều hay lẽ phải cũng còn để tang được lâu hơn - mẹ ta đã tái giá cùng chú ta, em ruột của cha ta. Nhưng đem so y với người, có khác gì đem ta sánh với Hecquyn(10)! Mới trong vòng một tháng! Giọt lệ giả dối khóc chồng chưa kịp ráo trong khóe mắt đỏ hoe, thì đã vội bước đi bước nữa. Ôi! Sao quá nhẫn tâm vội vàng đắm mình vào đống gối chăn loạn luân khéo léo đến thế! Như vậy chẳng tốt đâu, trước sau chẳng thể nào tốt được! Nhưng tim ta ơi! Hãy nổ tung ra đi, vì ta bắt buộc cứ phải chịu câm miệng!

Hôraxiô, Macxenlut và Bơcnađô ra.

HÔRAXIÔ - Kình chào điện hạ!

HAMLET - Tôi vui mừng thấy bạn hiền vẫn mạnh giỏi; có phải đúng Hôraxiô đây không? Hay là tôi lẫn mất rồi.

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, chính tôi đây là kẻ tùy tùng lúc nào cũng trung thành cùng điện hạ.

HAMLET - Bạn hiền ơi, tôi xin cùng bạn đổi cái danh hiệu ấy đấy! Hôraxiô, vì cớ gì bạn rời Vitenbơc trở về đây? Trông thấy Macxenlut - Kìa Macxenlut.

MACXENLUT - Thưa điện hạ!

HAMLET - Tôi rất vui lòng được gặp tiên sinh. Xin chào tiên sinh. Với Hôraxiô - Nhưng này, tôi vẫn không hiểu vì cớ gì bạn lại rời Vitenbơc?

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, bởi tính giang hồ lãng tử đấy thôi.

HAMLET - Ngay cả kẻ thù của bạn nói thế, tôi cũng không muốn nghe đâu! Xin đừng cưỡng ép tai tôi phải tin những lời bạn tự bôi xấu mình. Tôi biết bạn không phải là kẻ giang hồ lãng tử. Bạn về Enxơnơ có việc gì? Trước khi bạn rời khỏi xứ này, chúng tôi sẽ chuốc rượu cho bạn thật say sưa.

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, tôi về để dự tang lễ phụ thân người.

HAMLET - Thôi, ông bạn đồng môn ơi, xin đừng giễu tôi nữa. Tôi nghĩ là ông về để dự đám cưới mẹ tôi.

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, quả là đám cưới tiếp liền đám tang gấp quá!

HAMLET - Để tiết kiệm đấy thôi, tiết kiệm đấy thôi! Hôraxiô ạ! Thịt quay trong đám tang sẽ dùng làm đồ nguội trong đám cưới mà. Hôraxiô ơi! Tôi thà gặp kẻ tử thù nguy hiểm nhất ở trên đời, còn hơn phải nhìn thấy cái ngày đó. Phụ thân ơi! Hình như tôi trông thấy phụ thân tôi.

HÔRAXIÔ - Ở đâu kia, điện hạ?

HAMLET - Trong con mắt tâm tư của tôi đây, Hôraxiô ạ.

HÔRAXIÔ - Tôi đã có lần được chiêm ngưỡng dung nhan người. Thật là một đức vua đường bệ.

HAMLET - Một con người, hoàn toàn về mọi phương diện; không bao giờ tôi còn thấy lại được một con người như thế nữa!

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ! Tôi tin là tôi vừa được trông thấy người đêm qua.

HAMLET - Trông thấy à? Ai?

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, đức tiên đế, thân phụ của người.

HAMLET - Đức tiên đế, thân phụ tôi ư?

HÔRAXIÔ - Xin điện hạ cố nén kinh ngạc, và lắng nghe, để tôi xin kể câu chuyện kỳ lạ ấy, có hai tiên sinh đây làm chứng.

HAMLET - Đội ơn Chúa, tôi xin lắng nghe.

HÔRAXIÔ - Luôn hai đêm liền, Macxenlut và Bơcnađô đã được gặp người, trong lúc đứng canh, giữa đêm khuya tịch mịch thanh vắng; một hình dáng giống hệt thân phụ điện hạ, vũ trang từ đầu đến chân, ung dung đường bệ hiện lên trước cặp mắt hoảng hốt, dại đờ của hai người, đi đi lại lại ba lần, chỉ cách chừng một tầm gậy ngắn. Hai người kinh ngạc hãi hùng, chết lặng đi, cứng miệng lại chẳng nói được nửa lời. Hai người đem câu chuyện bí mật, khủng khiếp đó kể lại với tôi. Đêm thứ ba, tôi đã cùng tới canh, đúng giờ ấy, đúng như hình dáng họ tả, bóng ma hiện về: Tôi nhận ra thân phụ của điện hạ. Thật, hai bàn tay tôi đây cũng không thể giống nhau hơn được.

HAMLET - Nhưng ở chỗ nào chứ?

MACXENLUT - Thưa điện hạ, ở trên sân thượng nơi chúng tôi đứng canh.

HAMLET - Thế bạn không nói gì với người à?

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, tôi có hỏi, nhưng hồn chẳng đáp lấy nửa lời. Có một lúc tôi thấy hồn ngửng đầu lên, dường như muốn nói điều gì, nhưng vừa lúc đó thì tiếng gà gáy sáng. Nghe tiếng gáy, hồn vội biến mau, không còn thấy tăm dạng nữa.

HAMLET - Lạ lùng quá thật!

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ kính mến, câu chuyện này hoàn toàn là thực, thực như tôi đang sống lúc này. Chúng tôi nghĩ có bổn phận đem tâu bày cùng điện hạ.

HAMLET - Đúng thế, đúng thế. Các bạn ơi, chuyện này làm cho tôi bối rối, băn khoăn. Đêm nay các bạn có canh nữa không?

MACXENLUT và BƠCNAĐÔ - Thưa điện hạ có ạ?

HAMLET - Vũ trang, các bạn bảo thế à?

MACXENLUT và BƠCNAĐÔ - Thưa điện hạ, vũ trang.

HAMLET - Từ đầu đến chân à?

MACXENLUT và BƠCNAĐÔ - Thưa điện hạ, từ đầu đến chân.

HAMLET - Thế các bạn có nhìn thấy mặt người không?

HÔRAXIÔ - Ồ, thưa điện hạ, có chứ; giáp miện của người lật ngược lên.

HAMLET - Người có vẻ giận dữ không?

HÔRAXIÔ - Nét mặt người có vẻ buồn thương hơn là giận dữ.

HAMLET - Xanh xao hay hồng hào?

HÔRAXIÔ - Thưa, xanh xao lắm.

HAMLET - Người cứ nhìn chòng chọc vào các bạn à?

HÔRAXIÔ - Nhìn chăm chú lắm.

HAMLET - Giá tôi có mặt ở đấy lúc đó nhỉ?

HÔRAXIÔ - Thì điện hạ sẽ phải kinh ngạc!

HAMLET - Giống lắm à? Giống lắm à? Thế hồn có ở lâu không?

HÔRAXIÔ - Trong khoảng thời gian đếm thong thả từ một đến một trăm.

MACXENLUT và BƠCNAĐÔ - Lâu hơn, lâu hơn chứ.

HÔRAXIÔ - Lần tôi gặp, chỉ lâu chừng thế thôi.

HAMLET - Chòm râu người có đốm bạc không? Không chứ?

HÔRAXIÔ - Có, cũng đốm bạc như khi sinh thời người, tôi được bệ kiến, màu đen điểm bạc.

HAMLET - Tôi sẽ đến canh đêm nay. May ra hồn người, lại hiện về nữa chăng?

HÔRAXIÔ - Tôi cam đoan hồn còn hiện về nữa.

HAMLET - Nếu đúng là thân phụ cao quý của tôi, thì tôi quyết hỏi chuyện người, dù địa ngục có mở toang cửa mà lôi tôi xuống, bắt tôi phải câm chăng nữa. Tôi xin tất cả các bạn, nếu các bạn còn giữ kín chuyện này thì xin cứ giữ kín nguyên cho. Dẫu đêm nay cơ sự ra sao, cũng nên để bụng chớ nói ra; tôi sẽ xin đền đáp lại tấm lòng của các bạn đối với tôi. Thôi tạm biệt. Đêm nay quãng từ mười một đến mười hai giờ, tôi sẽ đến gặp các bạn trên sân thượng.

CẢ BA NGƯỜI - Chúng tôi xin hết lòng vì điện hạ.

HAMLET - Các bạn yêu mến tôi, cũng như lòng tôi yêu mến các bạn. Thôi tạm biệt.

Mọi người vào trừ Hamlet

Hồn cha ta hiện lên, vũ trang! Mọi việc ắt chẳng lành! Ta ngờ rằng có chuyện ám muội gì đây! Mong sao đêm mau tới! Nhưng hỡi tâm hồn ta ơi! Hãy cố mà trấn tĩnh từ bây giờ cho đến lúc đó! Những hành động ám muội dù đem cả trái đất mà lấp liếm đi, rồi cũng sẽ hiển hiện ra trước mặt con người.

CẢNH III

Một gian phòng trong lâu đài của Pôlôniut

Laơctơ và em gái Ôphêlia ra.

LAƠCTƠ - Hành lý của anh đã sắp sẵn xuống thuyền: thôi em ở lại nhà, khi nào gió thuận buồm xuôi mà tiện dịp, em chớ ngủ quên không biên thư cho anh nhé!

ÔPHÊLIA - Anh còn ngờ điều đó sao?

LAƠCTƠ - Còn về thái tử Hamlet và những chuyện bướm ong của chàng, em nên coi đó như một chuyện đua đòi, là một trò giải trí của hàng vương giả, là một thứ hoa tím đến kỳ nở rộ, bùng ra nhưng không vĩnh cửu, thơm dịu nhưng lại chóng tàn, hương thơm thoảng qua trong giây phút không hơn.

ÔPHÊLIA - Không hơn, chỉ có thế thôi ư?

LAƠCTƠ - Chỉ nên coi là thế thôi! Con người đương độ lớn thì không những chỉ phát triển về thể xác, mà thân thể càng căng nhựa, trí óc và tâm hồn cũng phát triển theo. Có lẽ giờ đây thái tử yêu em thật, cũng có lẽ lúc này, chàng không có điều gì tà ý, dối trá, làm nhơ bẩn ý muốn cao quý của chàng đâu; nhưng em nên e cái địa vị to lớn đang trói buộc chàng, chàng nào có làm được như ý muốn của mình. Vì chàng cũng chỉ là nô lệ của dòng dõi, không thể như người thường muốn yêu ai là chọn người ấy được, bởi vì sự tồn vong và phú cường của cả quốc gia lệ thuộc vào sự lựa chọn ấy. Vì thế còn phải dựa theo sự đồng tình của cả nước, của cả cái cơ thể ấy mà chàng là đầu não. Nếu thái tử nói chàng yêu em, thì khôn ngoan ra em chỉ nên tin tới chừng mực nào mà cái địa vị đặc biệt của chàng cho phép chàng thực hiện được lời mình nói, nghĩa là không đi ngược ý nguyện của Đan Mạch. Em nên lường trước em sẽ mất danh dự như thế nào một khi bùi tai nghe theo những lời tán tỉnh đường mật của chàng để mất trái tim, mất cái kho báu trinh trắng của mình chỉ vì những lời khẩn cầu không kiềm chế được của chàng.

Hãy dè chừng, Ôphêlia ạ, phải dè chừng đấy, em yêu quý của anh, đừng buông thả tình thương, hãy tránh khỏi vòng lưới hiểm nguy của dục vọng. Người con gái tiết trinh giữ mình thận trọng đến đâu cũng là hoang phí sắc đẹp của mình, một khi đem phô bày nó ra dưới ánh trăng khuya. Kẻ nết na rành rành cũng không tránh khỏi miệng tiếng. Sâu thường đục khoét mầm xuân ngay từ khi mầm non chưa nẩy nở, và tuổi xuân khi còn như một giọt sương mai trong sáng lại càng dễ bị nhiễm gió độc. Phải cẩn thận em ạ, biết lo sợ là cách giữ thân tốt nhất. Tuổi trẻ, tự nó cũng thường phản lại nó, dù không có kẻ thù nào khác.

ÔPHÊLIA - Em xin ghi nhớ ý nghĩa lời dạy bảo quý báu của anh, coi nó như một người canh giữ lòng em. Nhưng anh thân mến, anh đã chỉ dẫn cho em con đường hiểm trở đầy chông gai lên thiên đàng, thì em cũng xin anh đừng như mấy ông tu hành vô đạo phóng đãng, tự do bừa bãi, mồm thì giảng đạo đức mà tự mình lại giẫm chân lên con đường đầy hoa hoan lạc.

LAƠCTƠ - Ồ, em đừng lo cho anh. Anh nán lại quá lâu rồi. Kìa cha đã tới.

Pôlôniut ra.

Hai lần cha ban ơn là hai lần con được hưởng phúc, được từ biệt người một lần nữa, sung sướng biết mấy!

PÔLÔNIUT - Ồ, Laơctơ còn ở đấy à? Xuống thuyền đi, xuống thuyền đi thôi, đáng thẹn chưa kìa! Gió đã thổi nặng vai buồm mà người ta còn phải chờ con đấy. Đây, ta ban phước lành cho con. Hãy ghi nhớ lấy những lời khuyên nhủ này: có nghĩ gì, cũng đừng nên nói ra mồm; chớ có hành động, khi ý nghĩ chưa được cân nhắc kỹ: hãy thân mật mà không suồng sã; với bạn bè đã được con thử thách, thì hãy buộc chặt họ vào tâm hồn con bằng những vòng đai thép. Nhưng chớ có làm chai sạn lòng bàn tay mình vì bắt tay thân thiện với những kẻ cha căng chú kiết vừa mới quen biết không đâu. Chớ có dính dấp vào những cuộc ẩu đả, nhưng một khi đã dính vào, phải làm thế nào cho đối phương phải gờm mình. Hãy lắng tai nghe tất cả mọi người, còn mình thì nên hà tiện lời thôi, cứ nghe mọi lời phê phán, còn ý kiến mình ra sao, thì nên dè dặt. Quần áo may mặc thì phải lựa theo túi tiền, chớ có ngông nghênh; sang trọng nhưng đừng có hào nhoáng; bởi vì nhiều khi bề ngoài để lộ tâm tính con người. Ở Pháp, những người thượng lưu quý phái, trong cách ăn mặc, đều tỏ ra mình là người sành sỏi, hào phóng. Đừng cho ai vay mượn, cũng đừng vay mượn ai, vì cho vay thường mất cả tiền lẫn bạn; mà mang công mắc nợ, thì mất dần cả tính tiết kiệm. Nhưng có điều này quan trọng hơn cả - con phải thành thực với mình, có như thế thì rồi con mới không dối trá với kẻ khác, cũng như ngày với đêm nối tiếp nhau vậy. Thôi con lên đường: mong rằng phúc lành của ta sẽ làm cho những lời khuyên bảo đó thâm nhập vào lòng con.

LAƠCTƠ - Con xin bái biệt tướng công.

PÔLÔNIUT - Đến giờ rồi, thôi con đi đi, bọn gia nhân chắc là đang chờ con đó.

LAƠCTƠ - Ôphêlia ạ, em ở lại nhà nhé, hãy nhớ kỹ những lời anh vừa nói với em.

ÔPHÊLIA - Em xin khóa chặt nó trong trí nhớ, và chìa khóa xin trao tay anh giữ.

LAƠCTƠ - Thôi, từ biệt em.

Vào.

PÔLÔNIUT - Ôphêlia, nó vừa dặn gì con đó?

ÔPHÊLIA - Cha đã hỏi, con xin thưa, anh con vừa căn dặn vài điều về thái tử Hamlet đấy ạ.

PÔLÔNIUT - Tốt, thế là khôn đấy. Ta cũng nghe nói ít lâu nay, Hamlet vẫn theo đuổi con và chính con cũng sẵn lòng cho chàng gặp gỡ quá nhiều. Người ta mách với cha như thế, là để đề phòng trước; nếu câu chuyện quả có thật thì cha phải bảo cho con biết là con chưa thật hiểu rõ con đâu, chưa hiểu thế nào là xứng đáng với con gái ta, với danh dự con. Giữa hai người có chuyện gì? Hãy nói thật ta hay.

ÔPHÊLIA - Thưa tướng công, ít lâu nay chàng có ngỏ ý thương yêu con.

PÔLÔNIUT - Thương yêu! Hừm! Con nói khác nào như đứa trẻ thơ, hồ đồ không biết mình đang ở trong vòng nguy hiểm. Con có thực tin những lời lẽ mà con gọi là “ngỏ ý” của hắn không?

ÔPHÊLIA - Thưa tướng công, con cũng không biết nên nghĩ thế nào.

PÔLÔNIUT - Này, cha bảo cho con biết, phải thấy con chỉ là một đứa con nít, tưởng nhầm những lời ngỏ ý đó là tiền bạc thật, nhưng thực ra có giá trị gì đâu. Phải tự ngỏ ý về mình là mình còn cao giá hơn thế kia, hay là - nói một cách khác đi - cứ buông thả theo lời tán tỉnh ấy, thì con chỉ thành một đứa xuẩn ngốc mà thôi.

ÔPHÊLIA - Thưa tướng công, từ trước đến giờ, chàng vẫn tỏ vẻ yêu thương con đường hoàng, chính đính.

PÔLÔNIUT - Chà, con gọi là đường hoàng à? Cứ việc đi, cứ việc đi!

ÔPHÊLIA - Thưa tướng công, để biện hộ cho lời nói của mình, chàng đã viện cả trời đất linh thiêng chứng giám.

PÔLÔNIUT - Hừ, bủa lưới săn chim đấy thôi! Ai còn lạ gì bọn con trai chúng nó, máu đã bốc lên thì lời lẽ gì mà chẳng thề thốt được: lửa rơm đó mà thôi, con ạ, sáng nhiều nóng ít, chưa kịp sưởi ấm được thì đã tắt ngấm mất rồi; con đừng nên coi đó là lửa thật, ngay giữa lúc nó đang bừng lên hứa hẹn. Từ nay trở đi, làm thân con gái thì phải giữ gìn, đừng có hao phí lời nói, hãy để dành mà đón chờ một cơ hội đắt chứ đừng chạy theo lệnh đòi của người ta. Còn về thái tử Hamlet, đừng nên tin hắn đến thế, chỉ nên coi hắn như một gã con trai được thả lỏng trong hành động hơn con. Ôphêlia, tóm lại con đừng tin nghe những lời chỉ non thề biển của hắn: chỉ là những lời giả dối, trang trọng, cao thượng bề ngoài, cốt để che đậy dã tâm; tán tỉnh ra điều thiêng liêng chung thủy lắm, nhưng chỉ là lập lờ đánh lận đó thôi. Một lần cuối cùng, nói thẳng ra cho con rõ, cha không bằng lòng cho con đi lại chuyện trò với thái tử Hamlet đâu. Cha ra lệnh cho con, con phải nhớ lấy, thôi con hãy lui đi.

ÔPHÊLIA - Thưa tướng công, con xin tuân lời giáo huấn của tướng công.

CẢNH IV

Trên sân thượng.

Hamlet, Hôraxiô và Macxenlut ra.

HAMLET - Trời rét thấu xương, rét quá!

HÔRAXIÔ - Rét cắt da cắt thịt!

HAMLET - Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ?

HÔRAXIÔ - Tôi nghĩ có lẽ là gần nửa đêm.

MACXENLUT - Không, chuông vừa điểm 12 tiếng.

HÔRAXIÔ - Thật à? Thế mà tôi không nghe thấy: vậy thì hồn ma sắp lại rồi, hồn ma quen lệ đến vào lúc này.

Tiếng kèn thổi rộn rã và tiếng súng nổ.

Thưa điện hạ, thế là nghĩa lý gì?

HAMLET - Vua thức suốt đêm nay để yến ẩm, nên mới có tiếng kèn, tiếng trống ầm cả lên; một dịp rượu chè be bét, trong đó một kẻ nẩy nòi đang tha hồ ngất ngưởng. Mỗi khi ngài nốc một hơi rượu sông Ranh thì tiếng kèn tiếng trống lại kêu lên chúc mừng sự đắc thắng của ngài.

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, tục lệ như thế nào?

HAMLET - Hừ, tục lệ đấy! Mặc dầu tôi sinh trưởng ở đất nước này, và đã quen với tục lệ ấy, nhưng theo ý tôi, giá gạt bỏ nó đi thì còn đáng kính hơn là theo nó; cái trò hoan lạc khiến cho người ta hóa đần độn ấy, làm cho các nước láng giềng từ Đông sang Tây đều bêu riếu, chỉ trích ta. Họ gọi chúng ta là đồ bợm rượu, gán cho chúng ta nhiều tiếng thô bỉ; phẩm giá của chúng ta dù lớn đến đâu, một tục lệ đó cũng đủ làm mất hết. Tựa như ta thường thấy ở những con người sinh ra đã mang một tật xấu trong mình, nào đâu lỗi tại họ, vì khi sinh ra, ai lại có thể lựa chọn được gốc gác của mình; có những kẻ tâm tính bất thường, quên cả điều hay lẽ phải, hoặc vì thói quen xốc nổi làm trò cười cho thiên hạ. Tôi cho rằng những kẻ đó đã mang trên mình những tật xấu chỉ là do tạo hóa sinh ra, số mệnh buộc phải chịu vậy, dù có tất cả những đức tính khác trong sạch, tốt đẹp đến bao nhiêu, cũng chỉ vì tật nhỏ ấy mà bị miệng tiếng chê bai. Một vết bẩn nhỏ cũng đủ làm mất giá trị của bản chất cao quý.

Hồn ma ra.

HÔRAXIÔ - Kìa, điện hạ nhìn, hồn lại hiện về đó.

HAMLET - Xin các quỷ thần linh thiêng phù hộ cho chúng tôi! Dù hồn là phúc thần hay ác quỷ, hồn mang ngọn gió mát lành từ thiên đường xuống hay khí độc từ địa ngục lên, dù ý định của hồn là ác hay là thiện nhưng trông hồn có dáng muốn được hỏi han thế kia, tôi cũng xin sẵn sàng nói chuyện với hồn. Tôi sẽ gọi hồn là Hamlet, đức vua, cha tôi, đức vua Đan Mạch: ôi, cha ơi, trả lời cho con biết! Xin cha đừng để cho lòng con tan tác vì ngờ vực; tại sao xương thịt cha đã được quàn xuống đất rồi, phong thánh rồi, lại xé tung hết vải liệm mà trở dậy làm vậy? Vì sao chúng con đã trông thấy cha yên nghỉ trong mồ rồi, mà lăng tẩm lại mở toang những cánh cửa cẩm thạch nặng nề đưa cha về cõi thế? Con không hiểu vì lẽ gì mà cha đã mất đi rồi, giờ đây lại nai nịt, giáp phục toàn thân trở về ngắm ánh trăng khiến cho đêm khuya thêm rùng rợn. Chúng con chỉ là những thằng hề trong tay con tạo, vì đâu cha lại hiện về làm cho chúng con kinh hãi quá chừng, gieo những ý nghĩ vượt quá sức hiểu biết của tâm hồn chúng con. Cha ơi, trả lời đi, vì sao thế? Bởi đâu? Chúng con phải làm gì bây giờ.

Hồn ma ra hiệu cho Hamlet.

HÔRAXIÔ - Hồn ra hiệu cho điện hạ đi theo. Chừng như muốn nói chuyện riêng với điện hạ.

MACXENLUT - Kìa, trông hồn đang khoát tay hòa nhã biết bao, gọi điện hạ đi theo đến một nơi kín đáo hoang vắng hơn. Nhưng xin điện hạ chớ đi theo.

HÔRAXIÔ - Muôn vàn, xin điện hạ chớ đi!

HAMLET - Nhưng người không chịu nói gì, nhất quyết tôi phải đi theo.

HÔRAXIÔ - Đừng đi, điện hạ ơi!

HAMLET - Sao, sợ gì chứ? Đời tôi không đáng giá một chiếc ghim con. Cha tôi có thể làm gì được linh hồn tôi, nó cũng bất tử như linh hồn cha tôi mà. Người lại vẫy gọi tôi kia kìa. Tôi phải đi theo.

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, nhỡ hồn rủ điện hạ xuống sóng cồn hay lên những mỏm đá cheo leo ghê rợn nhô ra ngoài mặt biển, rồi đến đó lại thay hình đổi dạng thành ác quỷ, làm cho trí khôn điện hạ hôn mê mà hóa thành rồ dại thì sao? Xin điện hạ nghĩ lại cho. Đứng ở chỗ ấy, chỉ cần nhìn xuống mặt biển sâu thăm thẳm kia và nghe tiếng sóng gào thét bên dưới cũng đủ khiến người ta có những ý nghĩ tuyệt vọng rồi.

HAMLET - Người vẫn vẫy gọi tôi kìa! Cha đi trước, con xin đi theo.

MACXENLUT - Thưa điện hạ, xin người chớ đi.

HAMLET - Buông tay ra!

HÔRAXIÔ - Hãy nghe chúng tôi, xin người đừng đi.

HAMLET - Số mệnh ta đang kêu gọi, nó làm cho mỗi mạch máu nhỏ yếu trong cơ thể này căng lên như gân cốt của sư tử xứ Nimêan(11)? Kìa, cha ta vẫn đương gọi ta đó - các ông hãy buông tôi ra! Cố giằng ra. Nếu không tôi thề sẽ hóa kiếp cho kẻ nào giữ tôi lại, lui cả ra!

- Thưa cha đi trước, con xin theo.

Hồn ma và Hamlet vào.

HÔRAXIÔ - Vì quá tưởng tượng mà thái tử đâm ra tuyệt vọng!

MACXENLUT - Chúng ta phải đi theo thái tử. Tuân lệnh người như thế là không đúng.

HÔRAXIÔ - Chúng ta cứ đi theo sau. Không biết cơ sự rồi sẽ ra sao?

MACXENLUT - Chắc có sự gì thối tha mục nát ở cái nước Đan Mạch này.

HÔRAXIÔ - Đã có trời định đoạt.
MACXENLUT - Thôi chúng ta đi theo thái tử đi.

Vào cả.

CẢNH V

Ở một phía khác trên sân thượng.

Hồn ma và Hamlet ra.

HAMLET - Hồn định đưa tôi đi đâu? Nói đi, tôi không đi xa hơn nữa đâu.

HỒN MA, ngoảnh lại - Hãy nghe ta.

HAMLET - Tôi xin lắng nghe.

HỒN MA - Sắp đến lúc ta phải trở về nộp mình cho ngọn lửa lưu hoàng thiêu đốt ta đây.

HAMLET - Trời ơi, tội nghiệp hồn quá!

HỒN MA - Chẳng cần phải thương hại ta làm gì, hãy lắng nghe những lời ta sắp phát giác đây.

HAMLET - Xin cứ nói, tôi sẵn sàng nghe.

HỒN MA - Con hãy sẵn sàng trả thù cho ta, khi nghe xong lời ta nói.

HAMLET - Sao?

HỒN MA - Ta là hồn cha con vậy, còn bị đọa đầy trong ít lâu nữa, đêm đêm phải đi lang thang, ngày ngày bị bỏ đói, giam mình trong lửa, cho đến khi lửa kia thiêu sạch hết những tội ác nhơ bẩn đã phạm phải khi còn sống trên cõi trần. Phải chi ta không bị cấm tiết lộ những điều bí ẩn nơi địa ngục giam cầm ta, thì ta sẽ kể cho con nghe một câu chuyện dị kỳ mà mỗi tiếng sẽ vò xé tan nát tâm hồn con, làm cho bầu máu nóng thanh xuân phải đông giá, làm cho hai mắt con bật ra khỏi tròng như hai ngôi sao lạc khỏi vòng quỹ đạo, mái tóc kết chặt của con sẽ rã rời tơi tả, tóc gáy con sẽ dựng đứng lên như lông dím lúc sợ hãi. Nhưng những điều bí mật ở cõi vô cùng vô tận kia, không thể kể cho người trần mắt thịt nghe được. Hãy nghe ta, hãy nghe ta, ôi hãy nghe ta nếu con vẫn thương yêu người cha thiết cốt của con.

HAMLET - Ôi trời!

HỒN MA - Hãy trả thù cho cha con, chết vì một vụ ám sát bất chính nhất.

HAMLET - Ám sát!

HỒN MA - Ám sát kinh tởm. Vụ ám sát nào mà chả kinh tởm, nhưng vụ này là một vụ kinh tởm nhất, nham hiểm nhất và trái đạo trời nhất.

HAMLET - Xin mau mau cho con biết chuyện để con bay ngay đi trả thù với cặp cánh nhanh tựa tư tưởng hay những ý nghĩ yêu đương.

HỒN MA - Ta biết là con đã sẵn sàng. Trừ phi vô tình lãnh đạm như cỏ dại phì nhiêu tự hủy nát trên bờ sông Lê Thê(12) thì mới không xúc động khi nghe những lời ta sắp nói. Hamlet con ơi, người ta đã phao đồn lên rằng cha đang nằm nghỉ trong vườn thượng uyển thì bị rắn độc cắn. Thế là khắp đất nước Đan Mạch này đều bị lừa một cách trắng trợn mà cả tin lời thêu dệt đó. Nhưng con ơi, con trai cao quý của ta, con nên biết rằng con rắn độc đã châm nọc cướp mất đời cha con, hiện đang đội vương miện của người đó.

HAMLET - Ôi tâm hồn tiên tri của ta! Chú ruột ta!

HỒN MA - Chính nó, chính thằng súc sinh loạn luân, gian dâm ấy đã đem tài cám dỗ, đem những tặng vật lừa dối - ôi, tài độc ác và tặng vật ghê gớm đã quyến rũ lòng người! - để lôi cuốn vào vòng dâm ô bỉ ổi hoàng hậu của ta, người mà xưa kia ai cũng tưởng là đức hạnh nhất trần đời. Hamlet ơi, thật là sa đọa! Mẹ con đã bỏ ta trong khi ta vẫn đường đường chính chính thương yêu mẹ con thủy chung như lời thề ngày hôn lễ, để ngả vào tay thằng khốn nạn ấy, bẩm sinh tài đức vốn chẳng thể sánh nổi với ta. Song niềm đức hạnh thì dù sự bất chính có khoác áo thần tiên mà ve vãn cũng không thể lay chuyển nổi, còn thói dâm ô thì dù có tắm trong ánh sáng huy hoàng của long sàng cũng chỉ có thể thỏa mãn trong ô uế mà thôi. Nhưng này khoan, ta đã cảm thấy khí lạnh ban mai. Để ta kể vắn tắt con nghe: Hôm ấy, theo lệ thường, ta ra ngủ trưa ngoài vườn thượng uyển, lòng bình thản không chút hồ nghi, thì chú con chợt đến lén cầm một cái lọ đựng nhựa độc, và đổ chất độc ghê gớm vào tai ta. Chất dựa ấy rất kỵ máu người, thấm vào máu là lập tức truyền đi ngay như thủy ngân vào khắp các ngõ ngách trong cơ thể, làm cho máu một người lành mạnh cường tráng đến đâu cũng phải đông đặc lại, như một giọt cường toan rỏ vào sữa; đúng là ta bị như thế đấy. Chỉ một khắc sau, khắp người ta đang lành lặn là thế mà loang lổ sần sùi cả lên, kinh tởm như người mắc bệnh hủi; đấy, trong giấc ngủ, ta bị tay thằng em cướp mất cả đời sống, ngai vàng lẫn cả hoàng hậu nữa. Nó cắt đứt đời ta, không cho ta kịp ăn năn, kịp rửa tội, kịp xức dầu thánh, khiến ta lên trình diện trước mặt Chúa, còn mang theo tất cả tội lỗi của ta ở chốn dương gian. Ôi! Ghê gớm! Ôi ghê gớm! Ghê gớm quá chừng! Nếu con còn có chí khí nam nhi thì đừng cúi đầu cam chịu để cho long sàng của hoàng đế Đan Mạch biến thành nơi dâm bôn của kẻ loạn luân. Thật trăm nghìn lần đáng nguyền rủa! Nhưng dù phải trả thù bằng cách nào, con cũng chớ làm nhơ bẩn tâm hồn con, đừng suy tính một sự trừng phạt nào đối với mẹ con, hãy phó mặc nó cho trời, cứ để cho chông gai cấu xé cõi lòng nó. Thôi ta phải vĩnh biệt con ngay. Đom đóm đang tắt dần ánh lửa yếu ớt, báo hiệu bình minh sắp đến kia rồi. Vĩnh biệt! Thôi vĩnh biệt! Vĩnh biệt con! Hãy nhớ đến cha!

Hồn ma vào.

HAMLET - Ôi! Hỡi chư vị thánh thần trên đời! Hỡi đất! Còn gì nữa! Tôi còn phải kêu gào địa ngục nữa chăng? Chao ôi! Lòng ta ơi, hãy cố nén lại, gân cốt ta ơi, đừng có yếu chùng đi trong giây phút, hãy cứng rắn lên mà giúp cho ta đứng vững. Nhớ đến cha ư? Ôi, hỡi hồn thiêng đáng thương, khi trí nhớ còn có một địa vị trên cõi thế điên cưồng này; nhớ đến cha ư? Vâng, từ nay con sẽ xin xóa bỏ khỏi trí nhớ của con mọi ký ức tạp nham, mọi châm ngôn sách vở, mọi hình thái, mọi ấn tượng dĩ vãng mà tuổi thơ và trí quan sát của con đã ghi chép tận tường; chỉ còn lời dặn dò của cha, con xin khắc sâu vào cuốn sách của khối óc con, không để cho lẫn lộn với những việc tầm thường vô nghĩa khác. Thế đấy. Trời hỡi! Người đàn bà thâm độc đến thế là cùng! Ôi! Thằng đểu cáng, thằng đểu cáng tươi cười, thằng đểu cáng trời tru đất diệt! Bản cáo của ta đâu cho ta ghi vào mấy dòng này: một thằng đểu có thể tươi cười, tươi cười thơn thớt, nhưng cũng vẫn cứ là thằng đểu. Ít nhất, đó cũng là điều chắc chắn đã xảy ra trên đất nước Đan Mạch này. Hamlet viết. Ông chú ơi, thế là tên ông đã được ghi rồi. Giờ thì đến câu khẩu niệm: “Vĩnh biệt, vĩnh biệt con, hãy nhớ đến cha!” Ta đã thề rồi đấy.

MACXENLUT và HÔRAXIÔ từ bên trong - Điện hạ ơi, điện hạ!

MACXENLUT - từ bên trong - Cầu trời phù hộ cho người!

HAMLET - Cầu cho được thế!

HÔRAXIÔ từ bên trong - Đây đây, ô ô! Điện hạ ơi!
HAMLET - Đây đây ô ô... trở về, chim ơi, trở về đây(13)!

Hôraxiô và Macxenlut ra.

MACXENLUT - Thưa điện hạ, có việc gì thế?

HÔRAXIÔ - Có chuyện gì lạ không, thưa điện hạ?

HAMLET - Ôi, lạ lùng lắm!

HÔRAXIÔ - Xin điện hạ cho chúng tôi biết với.

HAMLET - Không được. Các bạn sẽ tiết lộ mất.

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, tôi xin thề không khi nào...

MACXENLUT - Thưa điện hạ, tôi cũng xin thề.

HAMLET - Thế thì các bạn nghĩ thế nào đây? Ai có thể ngờ được một chuyện như thế? Nhưng các bạn sẽ giữ kín được chứ?

HÔRAXIÔ và MACXENLUT - Thưa điện hạ, chúng tôi xin thề có trời chứng giám.

HAMLET - Nếu trên khắp đất nước Đan Mạch này có một thằng chó đểu, thì thằng này là một thằng đểu, cực đểu?

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, nếu chỉ có thế thì chẳng phải cần đến hồn từ đáy mồ hiện lên mách bảo cho chúng ta làm gì.

HAMLET - Phải lắm. Chính thế đấy, các bạn nói có lý. Nhưng thôi, chả cần phải chuyện trò thù tiếp, dông dài làm gì, đã đến lúc nên bắt tay từ biệt nhau thôi. Các bạn cũng có những ước vọng và việc riêng phải lo, vì ai chả có việc riêng tây và ước vọng. Tất nhiên như thế. Còn riêng về thân phận khốn khổ của tôi, thì tôi phải đi cầu nguyện Thượng đế, các bạn ạ.

HÔRAXIÔ - Kìa, sao điện hạ nói năng luẩn quẩn và rối loạn như vậy?

HAMLET - Tôi thành thực xin lỗi, đã làm phật ý các bạn. Vâng, thành thực, từ đáy lòng tôi.

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, có điều gì phật ý đâu?

HAMLET - Hôraxiô, có chứ! Tôi xin viện có thánh Patrich(14) làm chứng, có điều phật ý lắm chứ. Còn về hồn ma ban nãy thì quả thật là một linh hồn lương thiện, tôi phải nói ngay với các bạn như vậy. Các bạn muốn biết câu chuyện giữa tôi và hồn ma, xin các bạn hãy cố dằn lòng. Các bạn ơi, chỗ tôi với các bạn là bằng hữu, là đồng học, lại là con nhà tướng với nhau, giờ đây cầu xin các bạn hãy giúp cho tôi một điều nhỏ mọn.

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, chuyện gì vậy? Chúng tôi xin hết lòng.

HAMLET - Xin các bạn chớ để lộ cho ai biết những sự việc các bạn chứng kiến đêm nay.

HÔRAXIÔ và MACXENLUT - Thưa điện hạ, nhất định chúng tôi không tiết lộ.

HAMLET - Vậy xin thề đi!

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, tôi xin thề không bao giờ tiết lộ.

MACXENLUT - Thưa điện hạ, tôi cũng xin thề.

HAMLET - Xin hãy thề trên lưỡi gươm của tôi đây.

MACXENLUT - Thưa điện hạ, chúng tôi đã thề rồi.

HAMLET - Không, phải thề trên lưỡi gươm này.

HỒN MA từ dưới đất - Thề đi!

HAMLET - Ha... ha...! Chú đấy à? Chú vừa nói phải không? Này các bạn ơi, các bạn có nghe thấy tiếng chú bé nói ở dưới hầm không? Thế nào, bằng lòng thề đi!

HÔRAXIÔ - Thưa điện hạ, xin người đọc trước câu thề.

HAMLET - Không bao giờ các bạn được tiết lộ những điều đã chứng kiến; hãy thề trên luỡi gươm này đi.

HỒN MA từ dưới đất - Thề đi!

HAMLET - Dù là ở đây hay ở đâu ư(15)? Nào ta đổi chỗ đi. Xin lại đây, các bạn ơi! Xin để tay lên thanh gươm này, thề trên thanh gươm của tôi rằng không bao giờ các bạn được tiết lộ chuyện.
HỒN MA từ dưới đất - Thề đi!

HAMLET - Phải, phải. Chuột già nói phải lắm! Ở dưới đất thẳm mà cũng nhanh gớm nhỉ! Thật xứng danh là tiên phong! Đổi chỗ lần nữa đi, các bạn quý của tôi ơi!

HÔRAXIÔ - Hỡi ngày, hơi đêm ơi! Thật là kỳ diệu lạ lùng!

HAMLET - Các bạn hãy chào mừng hồn ma như chào mừng một vị khách lạ đi xem nào! Hôraxiô ạ, trên trời và dưới đất còn rất nhiều điều mà triết học của chúng ta chưa hề mơ tưởng tới. Nào xin lại đây, bạn hãy thề ở nơi đây, cũng như đã thề lúc nãy rằng sẽ không bao giờ... (tôi sẽ cầu trời che chở cho bạn) dù thấy cử chỉ của tôi có kỳ khôi, lạ lùng đến thế nào đi nữa - mà có lẽ rồi đây tôi cũng phải tự tạo cho mình một thái độ như thế - thì xin các bạn thấy vậy cũng không bao giờ khoanh tay lại thế này, hoặc lắc đầu, hoặc nói năng những lời úp mở như: “À, à tôi biết” hoặc là “nếu chúng tôi muốn, chúng tôi có thể” hay là “nếu tôi muốn nói ra” hay là “rất có thể là”... Những câu nói nửa vời như vậy dễ khiến người ngoài ngờ các bạn có biết chuyện gì về tôi. Nếu các bạn không nói ra, tôi xin cầu trời cứu khốn phù nguy các bạn khi các bạn cần đến. Thề đi!

HỒN MA từ dưới đất - Thề đi!

HAMLET - Hãy bình tĩnh, bình tĩnh, hỡi hồn thiêng bối rối!

Họ thề.

Các bạn ơi, thế là từ nay tôi hết lòng tin cậy ở các bạn. Tất cả những gì một kẻ khốn khổ như Hamlet này có thể làm được để tỏ lòng yêu mến và tình bằng hữu với các bạn thì cầu xin Chúa ban ơn giúp cho tôi làm được không thiếu sót điều gì. Thôi, chúng ta cùng quay bước trở về. Tôi xin các bạn cứ giữ kín cho nhé. Thật là thời buổi hỗn loạn! Ôi, cuộc đời khốn kiếp! Phải chăng tôi sinh ra là để dẹp yên mọi sự bất bằng! Nào, mời các bạn, ta cùng về thôi!
Tất cả vào.

(1) Một kinh thành nước Đan Mạch (tên Đan Mạch là Henxingơ).
(2) Câu trả lời theo tục lệ phong kiến ngày xưa.
(3) Nguyên văn: “không có một con chuột nào động cựa”.
(4) Ý nói: Là người học thức, biết tiếng Latinh (ngôn ngữ của nhà thờ) thì mới có thể nói chuyện được với hồn ma.
(5) Có bản in là “Polacj” (có nghĩa là một người Ba Lan) - Chúng tôi dịch theo bản Collins in là “Pollax” (có nghĩa là cái chùy)
(6) Đây là Hamlet phụ vương.
(7) Có bản in là: a list of lawiess resclutes. Có bản là : a list of landiess resclutes (Chúng tôi theo bản trên).
(8) Hypêriôn: Thần Mặt trời
(9) Niôbê: Một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Nàng có bảy con trai và bảy con gái bị Apôlô và Điana bắn chết. Nàng hóa thành đá. Niôbê tượng trưng cho sự đau khổ của người mẹ.
(10) Hecquyn: một vị bán thần trong thần thoại Hy Lạp, tượng trưng cho sức mạnh.
(11) Trong thần thoại Hy Lạp: Sư tử xứ Nimêan rất hung dữ, tên bắn, gậy đánh không chết. Về sau Hecquyn phải bóp cổ mới trừ được.
(12) Sông Lê Thê: cũng như ta nói: sông Mê bến Lú.
(13) Tiếng gọi chim ưng của những người đi săn.
(14) Patrich: Vị thánh đã xua đuổi hết mọi tà ma quỷ dữ ra khỏi đất Ái Nhĩ Lan.
(15) Tiếng Latinh: Hie et ubique? Ý nói: nhà ngươi (hồn ma) ở khắp mọi chỗ và có thể theo ta khắp nơi khắp chốn thế này ư?
Người dịch: Đào Anh Kha, Bùi Ý, Bùi Phụng

Không có nhận xét nào: